Bất động sản

Chợ Việt xưa và nay: Nôn nao mùi chợ Tết xưa

(VNF) - Quê tôi huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vốn thuộc miền Kinh Bắc xưa, là nơi có truyền thống buôn bán từ lâu đời nên chợ búa khá phát triển. Nhưng không phải làng nào cũng có chợ. Trong vùng, chỉ có một số nơi thuận tiện đường giao thông, tập trung dân cư đông, thì mới mở chợ mà thôi.

Chợ Việt xưa và nay: Nôn nao mùi chợ Tết xưa

Chợ quê giống như một cái siêu thị khổng lồ bán tất cả mọi thứ cần dùng cho đời sống: Lương thực, thực phẩm, đồ ăn thức đựng, quần áo, bút vở, dụng cụ cày cuốc, con giống… Thôi thì đủ thứ.

Làng Hồ (nay là thị trấn Hồ) nơi tôi ở cũng là quê hương của nhà thơ Hoàng Cầm. Có lẽ ông cũng đã đi chợ và cảm nhận được cái hình ảnh của phiên chợ Hồ quê hương nên đã viết những dòng thơ rất đặc sắc về chợ. Những câu thơ mà đọc lên, những người đã từng đôi lần qua những phiên chợ quê đều thấy rưng rưng xúc cảm:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu toả nắng

Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen

Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối…

Làng Hồ có nghề chạy chợ, chủ yếu là bán hàng xén, hàng vải. Quanh vùng các chợ họp luân phiên cách ngày cho không trùng nhau, bởi thế các bà các cô làng Hồ có thể luân phiên đi chợ các ngày trong tháng. Đàn bà con gái trong làng chủ yếu làm nghề chạy chợ, ít làm ruộng, nên óng ả, xinh xắn. Bây giờ bạn về chợ Hồ ngày phiên, may mắn có khi vẫn nhìn thấy một bà hàng xén, là cô hàng xén xưa trong thơ, đang tươi cười như mùa thu tỏa nắng, mời khách mua một thứ gì đó…

Chợ họp quanh năm theo ngày phiên đã định như vậy, đến Tết vẫn họp theo lệ. Nên chợ Hồ quê tôi họp phiên cuối năm vào ngày hăm tám tết. Bởi lệ chợ họp theo ngày lẻ 1, 3, 6, 8 âm lịch. Ngày xưa, bọn trẻ con chúng tôi vô cùng háo hức chờ đợi để được người lớn cho đi chơi chợ sắm Tết. Thường thì bà tôi sẽ dẫn một tốp gồm cả đám lau nhau anh chị em con chú con bác cùng đi. Bởi bố mẹ cuối năm vốn vô cùng bận rộn việc chợ búa, bán buôn, kết sổ nợ nần với khách hàng, kẻo để dây dưa sang năm mới sẽ “dông”. Thế nên bà tôi thường dẫn cả lũ trẻ chúng tôi đi chợ Tết. Vui ghê lắm. Chặng đường đê từ nhà lên chợ chỉ một quãng ngắn chẳng đủ cho anh em tôi khỏi cuồng chân, nên cứ vừa đi vừa chạy, nô nức đuổi nhau trên lối mòn giữa hai bờ cỏ cuối đông bạc phếch. Bà tôi vừa lõn cõn đi theo sau, vừa gào thét bắt phải dắt tay nhau cho khỏi lạc.

Đã trải qua gần hết đời người rồi nhưng tôi vẫn nhớ đinh ninh cái mùi chợ Tết rất đặc biệt ở quê tôi. Mùi hương trầm, mùi khói pháo tép thỉnh thoảng nổ lẹt đẹt đâu đó, mùi trầu cau, mùi quả phật thủ, quả cam, quả bưởi chín vàng mọi nhà hay mua về bày trên ban thờ. Và hương của cây mùi già người bên cánh bãi vừa nhổ lên, đem đến chợ bán cho mọi người mua về nấu nước tắm cuối năm… Tất cả những thứ mùi đó hòa trộn vào với nhau thành ra một cái mùi đặc biệt của chợ Tết. Cái mùi mà tôi dám chắc nếu ai đã từng ngụp trong cái không gian ồn ào huyễn hoặc như thực như mơ của phiên chợ cuối năm, hít thở cái mùi hương đặc sắc ấy, sẽ không thể nào quên được.

Bà dẫn chúng tôi đến hàng xén quen, mua cho mỗi đứa một bánh pháo tép hay vài quả bóng bay đủ màu và mua vài tờ giấy điều về cho ông tôi đầu năm khai bút. Những cái chữ mà chúng tôi chả hiểu, nhìn như bức tranh có hai màu đỏ đen, hoàn toàn không giống cái chữ cô giáo làng dạy. Hình như ông viết rồi dán lên bức vách chỉ để một mình ngắm, bởi chúng tôi còn mải ngắm những bức tranh làng Đông Hồ bày bán cho mọi người mua về dán chơi Tết. Dân vùng tôi hầu như nhà nào cũng mua một vài bức về dán cho vui cửa vui nhà đón xuân sang và lấy may. Năm con trâu thì mua tranh cậu bé chăn trâu thổi sáo, năm con gà mua tranh con gà trống hùng dũng đẹp đẽ đang vươn cổ gọi ông mặt trời, năm con lợn thì có đàn lợn âm dương ủn ỉn bên gốc cây ráy… Mỗi năm thay một bức tranh. Bóc cái tranh năm cũ đã phai màu đi, thay bằng bức tranh mùa xuân tới, cả căn nhà cũ kỹ dường như sáng bừng lên. Tết đến rồi!

Chợ Tết đi ngắm hàng là chính. Cả dòng người khổng lồ trong chợ cứ ẩy nhau như trôi đi trong ồn ã ấm áp và mùi hương Tết sực nức. Bà cầm tay đứa bé nhất, đứa nọ nối tay đứa kia theo nhau, xem bà bán mua những mớ lạt giang gói bánh, mớ mùi già, vài trăm lá dong, ít trầu cau… Nhưng cái đinh của buổi đi chợ Tết, chờ đợi háo hức cả năm là được bà dẫn đi ăn quà. Quà là mỗi đứa được ăn một bát chiết yêu canh bún cá của một hàng góc chợ. Sau này lớn lên, tôi đã đi khắp nước, đã ăn không biết bao nhiêu lần món bún cá ở các miền quê, tại nhà, cũng nhiều lần mua cá, mua bún và đủ thứ gia vị về nấu, thế nhưng chưa khi nào tôi thấy nó ngon thơm bằng cái bát bún cá mà bà tôi mua cho ăn vào cái phiên chợ Tết thủa ấu thơ…

Bà cháu cùng ngồi trên những chiếc ghế thấp, xúm xít quanh nồi canh bún. Nồi canh được ủ trong một cái thúng to, xung quanh chèn bao tải giữ cho nóng lâu. Bà hàng mở vung, múc vào mỗi bát một muỗng to, rắc chút hành, thìa là, bốc lên nghi ngút mùi cá đồng hòa mùi rau thơm. Dùng thìa xúc một miếng đưa vào miệng. Nóng sực và ngọt thỉu, nuốt xuống dạ, thấy khoan khoái lạ lùng. Mấy đứa cháu ăn rào rào, loáng cái đã hết. Liếm mép thèm thuồng. Nhưng bà bảo: “Quà chỉ ăn thế mới ngon, còn để bụng về ăn cơm trưa”.

Lúc ấy bọn tôi đều hơi có ý giận bà vì không mua cho mỗi đứa thêm bát nữa, đã cơn thèm. Về sau này, khi anh em bọn tôi lớn lên, đi làm và đều có tiền, thỉnh thoảng về quê gặp nhau, bù khú rượu chè chán chê rồi, rủ nhau đi đến nhà bà bán canh bún cá hồi xưa, làm mỗi đứa một bát to ăn cho giã rượu. Đã đời. Và lại cùng nhau nhắc chuyện bà đưa đi chợ Tết, ăn bún cá ngày xưa. Bỗng chợt ngậm ngùi. Ngày xưa, người bà quê mùa của chúng tôi dắt gần chục cháu nội ngoại đi chợ, mua cho mỗi cháu một thứ, cho các cháu ăn quà một bát canh bún cá đồng. Cái bát chiết yêu đáy nhỏ miệng loe, hoa văn xanh của người bên Bát Tràng làm, chỉ đựng được cỡ hơn cái bát ăn cơm bây giờ một xíu. Chỉ thế thôi. Ăn một bát ấy, với đám trẻ háu đói như bọn tôi khi ấy thấm tháp gì đâu, nhưng… Mãi sau này chúng tôi mới hiểu ra, khi ấy bà chẳng đủ tiền cho chúng tôi ăn quà thỏa thích. Các cháu xì xụp húp canh bún, bà chỉ ngồi trông. Khi mà chúng tôi hiểu chuyện và có tiền để có thể mời bà ăn bất cứ món gì bà thích thì người đã khuất núi từ lâu.

Giờ đây cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, dù chẳng có nhu cầu mua sắm gì lắm, tôi vẫn đi chợ. Để thả hồn mình vào cái không gian rộn rã và mùi hương ấm áp của chợ Tết miền quê. Để tìm lại bóng dáng bà tôi thuở nào…

Tin mới lên