Tài chính

Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng: Lỗ liên tiếp, nợ vay tăng vọt, dòng tiền âm nặng

(VNF) – Báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group) – chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng, cho thấy một bức tranh ảm đạm với lỗ lũy kế, dòng tiền âm và nợ vay tăng vùn vụt.

Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng: Lỗ liên tiếp, nợ vay tăng vọt, dòng tiền âm nặng

Dự án Cocobay Đà Nẵng

“Một năm kinh tế buồn” của Empire Group

Năm 2018, Empire Group ghi nhận năm thứ hai liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Điều đáng nói là mức lỗ của năm sau còn cao hơn năm trước, cao gấp 2,8 lần.

Cụ thể, năm 2018, doanh thu thuần của Empire Group đạt 385 tỷ đồng, giảm tới 63% so với năm liền kề trước đó. Lợi nhuận gộp suy giảm mạnh, chỉ còn 29 tỷ đồng.

Trong các khoản chi phí, đáng lưu ý là chi phí bán hàng giảm rất sâu, chỉ còn 6 tỷ đồng (năm 2017 là 99 tỷ đồng). Điều này phản ánh tình hình bán hàng tồi tệ của Empire Group trong năm 2018.

Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng phi mã, gấp 4 lần năm trước, để vượt mốc 80 tỷ đồng. Gánh nặng chi phí còn được bổ sung bằng khoản chi phí tài chính hơn 28 tỷ đồng.

Cộng với việc gánh thêm 41 tỷ đồng lỗ khác, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Empire Group âm 99,4 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu của Empire Group rơi xuống mốc 895 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 1.030 tỷ đồng, suy ra công ty lỗ lũy kế 134 tỷ đồng.

Phải thu, tồn kho, nợ vay “cùng tiến”

Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Empire Group là 11.063 tỷ đồng, tăng 73% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 7.697 tỷ đồng (tăng gấp đôi), tài sản dài hạn là 3.366 tỷ đồng (tăng 24%).

Cơ cấu tài sản của Empire Group đáng chú ý với sự gia tăng mạnh của các khoản phải thu.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2018, khoản phải thu ngắn hạn tăng 1,8 lần, lên 1.610 tỷ đồng; khoản phải thu dài hạn tăng gấp 3,3 lần, lên 1.181 tỷ đồng.

Hàng tồn kho cũng tăng gấp 2,2 lần để cán mốc 5.712 tỷ đồng.

Như vậy, hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm gần 77% tổng tài sản của Empire Group.

Về nguồn vốn, tại ngày 31/12/2018, nợ phải trả của Empire Group là 10.167 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 6.983 tỷ đồng (tăng gần 1.800 tỷ đồng), nợ dài hạn là 3.148 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần).

Trong cơ cấu nợ phải trả, khoản nợ vay có mức tăng phi mã: nợ vay ngắn hạn tăng 2,8 lần, đạt 790 tỷ đồng; nợ vay dài hạn tăng gấp 8 lần, đạt 1.268 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu lên tới 2,3 lần.

Dòng tiền kinh doanh âm liên tiếp

Năm 2018, dòng tiền kinh doanh của Empire Group ghi nhận năm thứ hai ở tình trạng âm (-343 tỷ đồng). Năm trước, dòng tiền kinh doanh của công ty -383 tỷ đồng.

Nguyên do của tình trạng âm dòng tiền năm 2018 là sự sụt giảm mạnh của tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh (481 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 năm trước), trong khi số tiền chi ra vẫn rất lớn (trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ 1.438 tỷ đồng; trả lãi vay 153 tỷ đồng; chi khác cho hoạt động kinh doanh 1.529 tỷ đồng…).

Để bù đắp sự thiếu hụt về dòng tiền kinh doanh, tất yếu Empire Group phải tăng cường vay nợ. Năm 2018, tiền thu từ đi vay của công ty đạt 1.064 tỷ đồng (tăng 12 lần so với năm trước).

Dòng tiền đầu tư của Empire Group cũng ghi nhận tình trạng âm (-135 tỷ đồng) do công ty chi tiền góp vốn vào đơn vị khác 252 tỷ đồng trong khi chỉ thu hồi các khoản cho vay, bán lại các công cụ nợ khác 115 tỷ đồng…

Tin mới lên