Tài chính quốc tế

Chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng Trung Quốc mất tích, cổ phiếu công ty sụt nửa giá

(VNF) - Sự biến mất của chủ ngân hàng nổi tiếng Bao Fan, chủ tịch và giám đốc điều hành công ty China Renaissance Holdings, đang làm dấy lên đồn đoán về một cuộc đàn áp mới đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng Trung Quốc mất tích, cổ phiếu công ty sụt nửa giá

Bao Fan - CEO China Renaissance, ngân hàng đầu tư nổi tiếng tại Trung Quốc.

Hôm 16/2, công ty China Renaissance Holdings cho biết đã mất liên lạc với ông chủ của mình là CEO Bao Fan, một trong những nhà giao dịch thành công nhất Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua. 

Ông Bao Fan là người nắm cổ phần chi phối và là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của China Renaissance, một trong những ngân hàng đầu tư nổi danh tại Trung Quốc, đứng sau rất nhiều start-up và công ty có tiếng. 

Theo nguồn tin của Bloomberg, ông Bao đã mất liên lạc với công ty trong khoảng 2 ngày. Hội đồng quản trị của China Renaissance không biết bất kỳ thông tin nào về việc ông Bao vắng mặt có thể liên quan tới hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, hiện tại, công ty vẫn đang hoạt động bình thường. 

Một số nguồn tin trong công ty nói thêm rằng ông Bao cùng gia đình đang hỗ trợ quá trình điều tra của cảnh sát.

Người phát ngôn của China Renaissance ở New York đã từ chối bình luận về tung tích của CEO Bao vào ngày 16/2. Công ty cũng không đưa ra bình luận chính thức vào ngày 17/2, khi tờ trang Caixin đưa tin về sự vắng mặt bất thường của ông Bao.

Thông tin này khiến cổ phiếu của China Renaissance giảm tới 50% vào đầu phiên giao dịch tại Hong Kong vào thứ Sáu (17/2). 

Willer Chen, nhà phân tích cấp cao tại Forsyth Barr Asia Ltd, cho biết: “Đây có thể là một quãng treo dài hạn đối với cổ phiếu, do Bao là nhân vật chủ chốt của công ty".

Được biết, cựu Chủ tịch China Renaissance Cong Lin hiện đã tham gia vào một cuộc điều tra của chính quyền kể từ tháng 9. Ông Cong từng giữ nhiều vị trí khác nhau tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc trước khi tới China Renaissance và rời công ty vào năm ngoái.

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh rất có thể đã bắt đầu "chỉnh đốn" lĩnh vực ngân hàng - tài chính.  

Mặc dù không có gì lạ khi không thể liên lạc với các giám đốc điều hành ở Trung Quốc khi họ tham gia vào một cuộc điều tra của chính phủ, nhưng sự vắng mặt của ông Bao đang khiến ngành tài chính "ớn lạnh". Bởi lẽ, nhà giao dịch tài ba hiếm có và thẳng thắn này có mối quan hệ rộng khắp trong các lĩnh vực và là chủ ngân hàng đầu tư cho một số công ty lớn nhất của Trung Quốc.

Từ cuối năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một cuộc điều tra chống tham nhũng rộng rãi nhắm vào lĩnh vực tài chính trị giá 60.000 tỷ USD của quốc gia. Cuộc điều tra đã hạ bệ hàng chục quan chức, đồng thời cũng khuấy động cộng đồng ngân hàng đầu tư trong nước, hạ bệ nhiều chủ ngân hàng, từ các công ty môi giới bao gồm Công ty chứng khoán Everbright và Công ty chứng khoán Guotai Junan.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nới lỏng lập trường đối với khu vực tư nhân trong những tháng gần đây, tuyên dương Ant Group, cánh tay tài chính của Alibaba từng bị hoãn IPO, vì đã tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và cho phép dịch vụ gọi xe công nghệ Didi được đưa app trở lại cửa hàng ứng dụng. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã ban hành các biện pháp sâu rộng để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Những động thái này có phần nào nới lỏng tâm lý lo ngại của nhà đầu tư cũng như các công ty trong nước. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất tại China Renaissance và với ông Bao lại dường như lại khiến tiếp tục chìm trong những suy đoán không mấy tươi sáng.

Bao Fan, cựu nhân viên ngân hàng tại Morgan Stanley và Credit Suisse Group AG, nổi tiếng vì có thể môi giới cho các vụ mua bán và sáp nhập khó khăn, bao gồm cả những vụ dẫn đến sự hình thành của Didi Global và Meituan, dịch vụ gọi đồ ăn qua app hàng đầu Trung Quốc. 

Bản thân China Renaissance cũng là một ngân hàng đầu tư tích cực, ủng hộ nhiều công ty công nghệ đã phát triển thành những "gã khổng lồ" bao gồm NIO và WuXi AppTec, theo giới thiệu trên trang web của công ty. 

China Renaissance cũng là công ty bảo lãnh trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 2 tỷ USD của JD.com vào năm 2014 và là công ty bảo lãnh phát hành hàng đầu cho đợt niêm yết tại Hong Kong của Kuaishou Technology vào năm 2021, đợt IPO lớn nhất kể từ khi Uber Technologies Inc. ra mắt vào năm 2019.

Ông Bao đã mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty sang dịch vụ môi giới và quản lý tài sản. China Renaissance có khoảng 48,6 tỷ NDT (7,1 tỷ USD) được quản lý đầu tư vào cuối tháng 6/2022, theo báo cáo gần đây nhất. 

Xem thêm >> 'Cha đẻ' tiền ảo Luna bị SEC kiện, buộc tội gian lận

Tin mới lên