Công nghệ

Chủ tịch DTS Leon Trương: ‘Chuyển đổi số cần kiên trì, đừng ép mình hoàn hảo khi chưa bắt đầu’

(VNF) - Thống kê mới đây của VINASA cho biết các doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên cả nước chiếm khoảng 15%. Chuyển đổi số cũng được đánh giá là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có thể phát triển nhanh hơn. Ông Leon Trương - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) cho hay các doanh nghiệp SME cần xác định chuyển đổi số là một quá trình dài. Theo đó, sự nhất quán, kiên trì và tối ưu là những tố chất không thể thiếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

- Thưa ông, trong quá trình tiếp xúc với DNNVV, ông nhận thấy đâu là thách thức với các DN này trong quá trình chuyển đổi số (CĐS)?

Giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19, thách thức lớn nhất của các DN này đó là sự đồng nhất về quan điểm của các cấp lãnh đạo và quản lý về việc chuyển đổi số. Nơi thì lãnh đạo cấp tiến, quản lý bảo thủ và có những nơi thì ngược lại. Sau Covid -19, mọi tầng lớp đều nhận thấy rằng chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là tất yếu, chẳng qua là chuyển đổi số bao nhiêu % hoạt động của công ty. Họ đã chủ động hơn nhiều và khó khăn lần này với họ cũng khác.

Lần này, các doanh nghiệp bị rối loạn thông tin về chuyển đổi số. Khái niệm về chuyển đổi số và cách tiếp cận doanh nghiệp của các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số khác nhau. Một phần do người bán chăm chăm thuyết phục khách hàng chuyển đổi số mảng dịch vụ mình cung cấp đầu tiên mà không tư vấn tổng thể. Thị trường hiện nay cũng thiếu các tổ chức tư vấn tổng thể thay vì bắt đầu chuyển đổi số với 1 dịch vụ nào đó rồi mới có cái nhìn tổng quát.

Khó khăn thứ 2, đó là các DN thiếu khả năng quyết định việc triển khai chuyện đổi số. Hầu hết các doanh nghiệp đều đang chỉ biết phải chuyển đổi số chứ vẫn chưa biết bắt đầu thế nào? Và bắt đầu từ đâu? Một phần do thị trường không có lực lượng tư vấn chuyển đổi số để giải quyết nhu cầu rất lớn này.

Khó khăn thứ 3 là về nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Nếu như các thành phố lớn thì vấn đề là chi phí lương cho lực lượng này cao do nhân sự khan hiếm thì thị trường tỉnh còn gần như không có lực lượng này. Lúc này, tư duy lãnh đạo đã thay đổi nhưng lại khan hiếm lực lượng triển khai nên việc chuyển đổi số cũng không triển khai được.

Cùng với đó là quản trị rủi ro và tài chính khi triển khai chuyển đổi số. Các doanh nghiệp vẫn bị áp lực về việc chuyển đổi số có làm giảm doanh thu hay tốn thêm nhiều chi phí so với trước khi thay đổi và nếu công ty không phát triển thì việc CĐS có tối ưu hay không? Ngoài ra các DN còn đối mặt với khoản tài chính phải đầu tư cho việc CĐS. Họ chưa có kinh nghiệm nhiều nên dễ bị kẻ xấu xúi giục đầu tư sai dẫn đến thất thoát tài chính.

- Theo ông, để chuyển đổi số đi tới thành công, các doanh nghiệp cần phải làm gì?

Để chuyển đổi số thành công thì theo tôi doanh nghiệp cần những tố chất sau: nhất quán, kiên trì, tối ưu.

Theo đó, để nhất quán, mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự quyết định chuyển đổi số đóng vai trò chiến lược như thế nào với công ty của mình. Chuyển đổi số là thế mạnh để vượt trội đi trước đối thủ hay CĐS chỉ là đáp ứng theo nhu cầu xã hội ở từng thời điểm. Ngoài ra, đội ngũ từ lãnh đạo đến nhân viên đều hiểu rõ mục tiêu và các rủi ro của chuyển đổi số để đảm bảo việc triển khai được suôn sẻ.

Các DN cũng cần xác định việc triển khai chuyển đổi số là một quá trình dài. Vì vậy sẽ không tránh khỏi các quyết định sai gây tổn thất. Ngoài ra việc chuyển đổi số cũng làm ảnh hưởng đến nhóm lợi ích và công việc của các nhóm người trong công ty nên việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn cản trở. Khách hàng cũng có thể là một cản trở, có thể là do họ cũng đang được thay đổi thói quen. Nên lãnh đạo cần kiên trì để vượt qua được các khó khăn này.

Ông Leon Trương - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS).

- DTS đã có những hoạt động nào để hỗ trợ DNNVV trong hành trình CĐS, thưa ông?

DTS đang xây dựng 1 chuỗi giá trị để hỗ trợ doanh nghiệp như khám bệnh online. Chúng tôi khám sức khoẻ và cho mọi người khái niệm về CĐS trong từng mảng. DTS cũng triển khai các chương trình đào tạo, tập trung vào đào tạo Mindset của chủ doanh nghiệp giúp họ có kiến thức và khả năng quyết định trong việc lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ CĐS.

Ngoài ra DTS cũng phối hợp với các đơn vị đào tạo quốc tế và các trường đại học để cung cấp lực lượng triển khai CĐS cho doanh nghiệp.

DTS cũng có các cộng đồng chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong từng mảng nghiệp vụ cụ thể ngành cụ thể. Thêm vào đó DTS sẽ tổ chức các ngày kết nối để doanh nghiệp có thể chọn được người và công ty đồng hành trong việc chuyển đổi số. Năm 2020, DTS chúng tôi đã dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số đi đến các tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp sme.

Tại Cổng thông tin cập nhật về CĐS, DTS đã phối hợp với các chuyên gia và các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước để có nội dung cung cấp cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tự học và tìm hiểu thông tin trên cổng thông tin này.

DTS cũng xác định một trong những giải pháp để phát triển số lượng các doanh nghiệp đủ kiến thức và gặp đúng doanh nghiệp cung cấp đó là chuỗi hoạt động sự kiện của DTS. DTS có những hoạt động độc lập tự tổ chức hoặc tham gia cùng tổ chức với các chương trình có tên tuổi để xây dựng nội dung liên quan đến chuyển đổi số. DTS chủ động truyền thông để các nội dung và kiến thức hay được lan xa lan rộng cho cộng đồng doanh nghiệp.

- Bên cạnh những thách thức DN gặp phải khi CĐS, không ít DN lo ngại khả năng thất bại. Ông có lời khuyên nào cho DN?

Theo tôi, lãnh đạo phải đầu tư kiến thức để xác định được chuyển đổi số có ý nghĩa chiến lược thế nào với doanh nghiệp mình và hiểu hơn về công việc của các công ty cung cấp dịch vụ CĐS. Các doanh nghiệp cũng cần chọn được mẫu công ty trong ngành mà mình muốn theo. Nếu chúng ta phải xuất phát từ 0 đến 10 thì hãy chọn các công ty đang ở thang điểm 2,3 để làm hình mẫu trong giai đoạn đầu. Đừng cố ép mình trở thành hoàn hảo khi vẫn chưa bắt đầu.

Trong việc chọn đối tác đồng hành, các DN cần tìm kiếm những cá nhân và đơn vị có khả năng tư vấn CĐS một cách tổng thể và hướng dẫn được cách quản trị doanh nghiệp khi CĐS.

Đồng thời, các DN cũng cần có kế hoạch cho quản trị rủi ro và dự phòng tài chính. Các dự án có thể bị kéo dài hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tại 1 số thời điểm. Nếu được hãy tiếp cận đến các đơn vị tài chính hỗ trợ trong mảng chuyển đổi số.

- Theo ông, chuyển đổi số tại Việt Nam có những lợi thế gì?

Việt Nam nằm trong Top các quốc gia xuất khẩu phần mềm, vì vậy kiến thức và lực lượng làm CĐS của Việt Nam rất dồi dào. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp SME của việt Nam rất lớn. Nó sẽ giảm chi phí SaaS của doanh nghiệp khi thuê các dịch vụ chuyển đổi số khi có nhiều doanh nghiệp cùng có nhu cầu và thuê dịch vụ. Việt Nam cũng có nhóm tiêu dùng Milenium và genz lớn. Nhóm này tiếp cận công nghệ nhanh và có nhu cầu công nghệ cao. Điều này giúp cho doanh nghiệp có sẵn tệp khách hàng có công nghệ.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên