Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt: ‘Hệ thống nhà ga đường sắt đang lãng phí tài nguyên rất lớn’

Đinh Tịnh - 19/08/2019 06:46 (GMT+7)

(VNF) - Với hạ tầng đường sắt cũ kỹ, lạc hậu có tuổi đời “trăm năm” thì việc nâng cấp tốc độ chạy tàu là rất tốn kém. Để tạo đột phá, ngành đường sắt buộc phải hiện đại hoá kho bãi hàng hoá, phát triển hệ thống nhà ga, kéo dài đường ga để nâng cấp số toa cho mỗi đoàn tàu...

VNF

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR).

Ông đánh giá như thế nào về hệ thống kho bãi hàng hoá, nhà ga của ngành đường sắt hiện nay?

Hiện tại, VNR đang có 297 nhà ga trên tuyến, phần lớn quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, chiều dài đường ga (đường đón-gửi) ngắn, phần lớn chỉ đạt từ 350–400m.

Đây được xem là một trong những lý do hạn chế năng lực thông qua và năng lực chuyên chở của toàn ngành.

Dễ dàng nhận thấy, đường sắt gần như không có kho hàng nào đủ tiêu chuẩn trừ thí điểm kho hàng ở Yên Viên – Gia Lâm.

Để tạo những thay đổi trong thu hút hàng hoá cho VNR, trước đây, Tổng Công ty đã kí hợp đồng với Công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư hàng loạt kho hàng đường sắt, nhưng do không có cơ chế để làm vì đó là tài sản của nhà nước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2018 về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt (GTĐS),  trong đó giao Bộ giao thông vận tải (GTVT) xây dựng đề án về quản lý kết cấu hạ tầng GTĐS. Ông đánh giá như thế nào về đề án này?

Tại đề án này, Tổng công ty đường sắt đã đề xuất Nhà nước đánh giá lại toàn bộ 297 nhà ga trên địa bàn cả nước. Qua rà soát, có nhiều nhà ga chỉ là ga tránh dọc đường, nằm ở những vị trí bất lợi như vùng rừng núi.

Hiện chỉ có khoảng 10 ga có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Theo tính toán, mỗi năm, Nhà nước đang “rót” khoảng 20 – 30 tỷ kinh phí để quét vôi, sơn sửa lại nhà ga, mà không đủ sức để nâng cấp nhà ga.

Chính vì vậy, chúng tôi đang đề xuất phải đánh giá lại toàn bộ các nhà ga rồi giao cho Tổng công ty theo hình thức tăng vốn Nhà nước và doanh nghiệp.

Thưa ông, việc đề xuất giao nhà ga theo hướng tăng vốn cho doanh nghiệp là chưa có tiền lệ, nếu đề xuất được thông qua, việc thực hiện sẽ triển khai như thế nào?

Trước đây, Nhà nước chỉ theo dõi độ hao mòn của tài sản, không có đơn vị nào thu hồi vốn cho Nhà nước, thì hiện nay giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn.

Ngoài việc bảo toàn và phát triển vốn, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác, vận hành phù hợp với quy hoạch của địa phương và quy hoạch của ngành theo những điều kiện tiêu chuẩn của nhà ga cấp 1, ga cấp 2.

Lúc đó, mới có thể xây dựng được một nhà ga đủ tiêu chuẩn, và mới có quy trình xếp dỡ hiện đại và phát sinh chi phí thấp nhất.

Nếu đề xuất này của Tổng công ty được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Tổng công ty sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng một loạt các kho bãi đủ tiêu chuẩn cho ngành đường sắt.

Có như vậy mới tháo gỡ "nút thắt" lớn cho ngành đường sắt, tạo điều kiện cho ngành này phát triển, đồng thời giảm kinh phí kho bãi cho các nhà sản xuất.

Hiện các nhà ga đang lãng phí tài nguyên rất lớn. Nếu có thể tận dụng được nguồn lực để tránh lãng phí, và dùng giá trị thặng dư đó để bù đắp chi phí xây dựng thì mới có thể có những nhà ga to, đẹp đẽ.

Còn nếu nhà ga chỉ phục vụ hành khách thì không bao giờ có thể thu hồi vốn và mãi không thể phát triển được. Nếu muốn thay đổi đường sắt, phải thay đổi cơ chế trước nhất.

Tôi cũng xin khẳng định thế này, nhà ga là điểm đến, điểm đi, tại đây chúng ta có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, dịch vụ, toà nhà... chứ hoàn toàn không thể chỉ là việc trung chuyển. Những vấn đề này cũng đã được Tổng công ty đề xuất trình lên Thủ tướng.

Nếu được phê duyệt, đây mới là yếu tố thay đổi toàn bộ cục diện của ngành đường sắt. Hiện nay, vừa lãng phí nguồn lực, vừa mất sự cạnh tranh mà các nhà ga lại bị xâm lấn.

Xin cảm ơn ông!

 

Cùng chuyên mục
Tin khác