Chủ tịch Quảng Nam: Thu hút công nghiệp bán dẫn, trước hết phải đào tạo nhân lực

Phước Nguyên - 16/03/2024 23:55 (GMT+7)

(VNF) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, Việt Nam mới bắt đầu đặt vấn đề ưu tiên phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn. Do đó, vấn đề trước hết là đào tạo nguồn nhân lực.

VNF
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. Ảnh: Phước Nguyên

Trao đổi về cơ hội thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn vào Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho rằng, đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam và các địa phương như Quảng Nam. Việt Nam cũng mới bắt đầu đặt vấn đề ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn. Do đó, vấn đề trước hết là đào tạo nguồn nhân lực. Những địa phương nào có cơ hội, điều kiện phù hợp phát triển ngành này sẽ được chính phủ quan tâm và tạo điều kiện.

Tỉnh Quảng Nam hiện đang chú trọng đến việc đào tạo nhân lực. Đây là một nội dung quan trọng để thu hút đầu tư nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Bên cạnh đó, khi làm tốt mọi cơ chế, chính sách thì có thể kêu gọi được mọi nguồn nhân lực về địa phương.

Ông Thanh cũng cho rằng, bán dẫn chip là ngành công nghiệp công nghệ cao nên rất cần xuất nhập khẩu và việc vận chuyển sản phẩm này phải bằng đường hàng không, chip bán dẫn không thể nào vận chuyển hành tháng trời trên biển. Trong khi đó, địa phương đã có sẵn sân bay chu lai. Với định hướng phát triển ngành ngành công nghiệp chip bán dẫn sẽ giúp tỉnh Quảng Nam có thêm cơ hội phát triển Cảng hàng không Chu Lai. 

Về nguyên vật liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là vấn đề không quá khó khăn. Đất hiếm tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và chúng ta có thể vận chuyển đất hiếm từ các nơi này về địa phương.

Trước đó, trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Vũ Thương - Trưởng Ban quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, để xúc tiến kêu gọi DN Hoa Kỳ về công nghiệp bán dẫn, Quảng Nam chuẩn bị sẵn quỹ đất dành riêng cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Bên cạnh các cơ chế về chính sách mở, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đã được tỉnh Quảng Nam chú trọng đầu tư cả về hàng không (cảng hàng không Chu Lai) và cảng biển (cảng biển Kỳ Hà). Điều này tạo thuận lợi cho việc vận chuyển và đóng gói hàng hóa cung ứng cho các thị trường bán dẫn.

 “Việc phát triển công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Quảng Nam là một cơ hội tốt giúp một số ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp ô tô đỡ bớt phụ thuộc linh kiện điện tử ở nước ngoài”, ông Lê Vũ Thương kỳ vọng.

Cùng chuyên mục
Tin khác