Tài chính

Chủ tịch TP. HCM Phan Văn Mãi đề xuất lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp

(VNF) - Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi mới đây đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như một số nước đang làm. Nhiều doanh nghiệp của TP cũng đề nghị nới room tín dụng và giảm lãi suất cho người mua nhà nhằm kích cầu.

Quỹ bảo lãnh sẽ giúp thanh khoản thông suốt

Kiến nghị của Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi về việc Chính phủ thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như một số nước đang làm đã phản ánh tâm tư của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp.

Ngày 27/11, tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị Chính phủ thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với quỹ bảo lãnh hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu thì Hàn Quốc đã làm và thành công, mục tiêu của quỹ là thu dọn nợ xấu sang một bên và bơm vốn để dòng tiền vận hành bình thường trở lại. Quỹ bình ổn trái phiếu sẽ tham gia mua lại trái phiếu để thanh khoản thông suốt, doanh nghiệp và nhà đầu tư bớt khó khăn. Tại Hàn Quốc, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có quỹ bảo lãnh và đảm bảo thanh toán đến kỳ hạn.

“Hiện nay, ta chưa có cơ chế sử dụng dòng tiền ngân sách chưa giải ngân đang nằm trong ngân hàng thương mại để xử lý trái phiếu, dù có một khoản vốn đầu tư công không nhỏ đang bị đọng tại hệ thống ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường cạn kiệt như hiện nay, có thể nghĩ tới trích một phần trong số đó để lập quỹ bảo lãnh”, ông Hiệp cho hay.

Theo luật sư Lê Văn Trường (Đoàn luật sư TP. HCM) muốn ngân hàng thương mại tham gia “giải cứu” trái phiếu cũng rất khó, vì Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 16/2021/TT-NHNN siết hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại, chỉ còn cách thành lập quỹ bảo lãnh.

“Việc sử dụng ngân sách để lập quỹ cứu trái phiếu dù khó khăn nhưng nếu quyết tâm thì không phải không khả thi, bởi 'tử huyệt' của thị trường vốn hiện nay chính là trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, ưu tiên cần kíp nhất giai đoạn hiện nay là phải ổn định thị trường trái phiếu”, ông Trường nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khi thanh khoản thị trường trái phiếu tăng thì thị trường sẽ tốt lên. Theo đó, Thông tư 16 nên cho phép các ngân hàng thương mại được linh hoạt hơn trong việc mua lại trái phiếu đã bán ra của các tổ chức phát hành khác ngân hàng thì thanh khoản thị trường sẽ tốt hơn. Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ siết chặt đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu. Tuy nhiên, quy định về “người chơi” nên có độ phủ rộng hơn, nên xem xét lại các điều kiện để nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia vào trái phiếu riêng lẻ hoặc các loại hình trái phiếu khác.

Còn theo bà Hạnh Nhung, giám đốc một công ty tư vấn tài chính, hiện nay, thị trường trái phiếu đang trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”, doanh nghiệp tốt cũng bị nhà đầu tư bán tháo trái phiếu như doanh nghiệp xấu. Vì vậy, cần có ngay các giải pháp tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.

“Nên có những quy định về việc các tổ chức phát hành có những hội đồng trái chủ để có thể có những thoả thuận, đàm phán với trái chủ. Trong lúc khó khăn, hội đồng trái chủ có thể đồng ý gia hạn thanh toán chi trả cho trái chủ”, bà Nhung khuyến nghị.

Nên mở room tín dụng cho người mua thực

“Trong rất nhiều giải pháp thì tôi cho rằng việc mở lại room tín dụng cho người mua nhà để những người có nhu cầu thật sự có cơ hội sở hữu sản phẩm bất động sản và các chủ đầu tư cũng có cơ hội thoát hàng tồn là quan trọng. Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản thì nguồn thu từ khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất chứ không phải từ nguồn tín dụng ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp”, ông Trần Đình Dũng, giám đốc kinh doanh của Công ty bất động sản Hồng Phát (quận 7, TP. HCM) chia sẻ.

Theo ông, Dũng, việc lựa chọn giải ngân tín dụng cho các chủ đầu tư sẽ do các ngân hàng thương mại lựa chọn và đánh giá, dựa trên các tiêu chí đối với từng chủ đầu tư và với từng dự án (ví dụ đã nộp toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất, sạch về pháp lý, đã được phê duyệt, được NHTM đánh giá là có tiềm năng thị trường...)

Dẫu vậy, cách thức triển khai như thế nào để đạt mục tiêu làm ấm lại thị trường và vẫn tránh được dòng tiền không chảy vào giới đầu cơ lướt sóng là điều nhiều chuyên gia lưu ý.   

TS kinh tế Nguyễn Minh Hòa (TP. HCM) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn về tiêu chí về đối tượng là người mua nhà, không chỉ chứng minh có thu nhập mà cần chứng minh có nhu cầu sử dụng thật để hạn chế đầu cơ, chẳng hạn như người mua nhà phải chứng minh được là gia đình có thu nhập chịu thuế từ 500 triệu đồng trở lên và có từ 2 con trở lên, ở độ tuổi trên 18 tuổi hoặc áp dụng chính sách với người mua nhà lần đầu.

TS Hòa cũng cho rằng cần “cân nhắc” hỗ trợ một nguồn lực nhất định cho người lao động nghèo, công nhân chưa có nhà được vay để mua căn hộ, hoặc nhà ở theo tiêu chuẩn trung cấp trở xuống. Điều này sẽ tạo dòng tiền mới cho thị trường, vừa kết hợp người dân mua nhà để ở theo tinh thần tự chọn lựa căn nhà phù hợp.

Nguồn vốn này nên tập trung ở những vùng phù hợp với giá trị kinh tế phát triển, chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm, không để dòng tiền chảy tiếp vào bất động sản đầu cơ, lướt sóng. Cách thức thực hiện là khi tiền về chủ đầu tư thì ngân hàng giám sát và thu tiền lại ngay, hay nói cách khác là ngân hàng phát vay đến đâu thu nợ đến đó. Làm được như vậy thì rủi ro ngân hàng thấp hơn, kiểm soát được thu nợ và tránh rủi ro chủ đầu tư mang tiền đi thực hiện dự án khác hoặc mục đích khác.

Còn theo TS Nguyễn Hoàng Hiệp, cần rà soát quy trình giám sát, định giá, bảo lãnh để các nhà đầu tư thứ cấp và người có nhu cầu mua được vay dễ dàng. Ngân hàng Nhà nước cũng cần điều chỉnh lãi vay cho người mua nhà phù hợp với đối tượng vay thì khả năng mới giải quyết được tồn kho hiện nay.

Tin mới lên