Chủ tịch Vinhomes: 'Thủ tục hành chính chậm ngày nào doanh nghiệp thiệt hại ngày đấy'
Lệ Chi -
13/11/2023 15:35 (GMT+7)
(VNF) - Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes, cho biết dù lãnh đạo các bộ ngành, Chính phủ ủng hộ, phối hợp tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng trốn tránh trách nhiệm, gây trì trệ, kéo dài thủ tục hành chính tại một số bộ phận cơ quan quản lý nhà nước.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến về việc triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản tổ chức sáng 13/11, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes phát biểu cảm ơn Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại thời gian qua đã có rất nhiều chính sách cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mong được tiếp cận vốn rẻ hơn, thủ tục thông thoáng hơn, tài sản đảm bảo linh hoạt hơn.
Ông Hoa cho biết các doanh nghiệp bất động sản đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vay lãi suất thấp trong khi các khoản vay cũ vẫn chịu lãi suất ở mức rất cao. Bên cạnh đó, room tín dụng còn hạn chế nên các ngân hàng thường cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao.
Về tài sản đảm bảo, Chủ tịch Vinhomes cho hay nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho các khoản vay nhận tài sản đảm bảo là bất động sản chứ không nhận các loại tài sản khác như trái phiếu, cổ phiếu, máy móc thiết bị. Hơn nữa, tài sản đảm bảo của doanh nghiệp đang thấp hơn giá trị thị trường do thị trường bất động sản đóng băng, không có nhiều giá tham chiếu.
Về các thủ tục khác, theo ông Hoa, mặc dù lãnh đạo các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đều rất ủng hộ, tìm giải pháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn tình trạng trốn tránh trách nhiệm, gây trì trệ, kéo dài thủ tục hành chính tại một số bộ phận cơ quan quản lý nhà nước. "Chậm ngày nào, thêm tháng nào thì doanh nghiệp chịu thiệt hại ngày đấy", ông Hoa nói.
Cũng tại hội nghị, ông Lâm Hoàng Đăng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, cho biết quy định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc vay vốn phát triển dự án phải có vốn tự có là 30% đang làm khó các chủ đầu tư.
Theo ông Đăng, khi thị trường địa ốc khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi, trả gốc vay và các chi phí khác thì bản thân doanh nghiệp phải ứng vốn tự có của mình ra. Vì vậy, số vốn tự có này dần bị giảm đi, gâp áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ này xuống còn 10 – 15% để giúp doanh nghiệp vượt qua trong giai đoạn khó khăn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.