Chứng khoán bị bán tháo: Có nên hoảng loạn?

Thanh Long - 24/06/2024 17:16 (GMT+7)

(VNF) - Đối với các nhà đầu tư hưng phấn mua vào sau khi VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, những diễn biến sau đó thực sự là “màn tra tấn”.

Sau khi vượt mốc 1.300 điểm, VN-Index đã nhanh chóng chứng kiến phiên giảm hơn 20 điểm vào ngày 14/6 và đến ngày hôm nay (24/6) lại chứng kiến thêm một phiên giảm hơn 20 điểm nữa. Mức giảm điểm lần này lên tới 27,9 điểm, là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/4 và đưa chỉ số VN-Index về mốc 1.254 điểm từng đạt được cách đây... hơn 5 tuần.

Đi kèm với tín hiệu bán tháo là thanh khoản tăng đột biến. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE lên tới trên 28.200 tỷ đồng, trong khi thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây (bao gồm cả phiên vượt mốc 1.300 điểm) chỉ khoảng 22.800 tỷ đồng. Khối ngoại thì vẫn miệt mài bán ròng với giá trị cả nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE.

Đối với các nhà đầu tư hưng phấn mua vào sau khi VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, những diễn biến sau đó thực sự là “màn tra tấn”. Liệu phiên giảm đột ngột hôm nay có châm ngòi cho việc VN-Index giảm về các mức đáy cũ ở dưới mốc 1.200 điểm hay không?

Trên thị trường đã xuất hiện những “lời giải thích” cho phiên giảm này và “thủ phạm” được cho là việc hệ thống KRX lỡ hẹn triển khai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong hơn 2 tháng qua, các yếu tố quan trọng đưa VN-Index phục hồi và vượt mốc 1.300 điểm gần như không có vai trò của yếu tố kỳ vọng đưa hệ thống KRX vào hoạt động, nếu không, cổ phiếu chứng khoán đã thăng hoa chứ không “lẹt đẹt” suốt thời gian qua.

Nhìn ra bức tranh rộng lớn hơn, như VietnamFinance đề cập gần đây, từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư nên quen dần với các biến động lớn. Bởi 2024 có thể là một năm bản lề cho sự phát triển trung hạn của nền kinh tế cũng như của thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên nếu nhìn vào các yếu tố quan trọng, dường như 2024 chưa phải là một năm thực sự thăng hoa của thị trường chứng khoán.

Chẳng hạn, giới đầu tư đang kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế nhưng thông thường, quá trình hồi phục luôn gập ghềnh và chỉ thuận lợi khi nền kinh tế bước vào giai đoạn bùng nổ - điều này thường chỉ xảy ra khi bối cảnh vĩ mô ổn định. Do đó, những biến động lớn trên thị trường chứng khoán xảy ra trong nửa đầu năm hoàn toàn có thể tái diễn trong nửa cuối năm 2024, nhất là khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang quyết định “cuộc chơi” trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thị trường sẽ ngay lập tức quay đầu về các vùng đáy cũ. Khả năng này vẫn cần được đánh giá thêm trong một vài phiên tới. Điều “vừa rủi vừa may” là thị trường giảm khá sâu trong phiên hôm nay, qua đó rút ngắn thời gian điều chỉnh (dù là điều chỉnh tích cực hay điều chỉnh tiêu cực) và xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ sớm có câu trả lời. Tỉnh táo quan sát thay vì hoảng loạn bán ra là điều nhà đầu tư nên cân nhắc ở thời điểm hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác