Masan phủ nhận tin đồn, cổ phiếu vẫn chịu áp lực từ thị trường chung
(VNF) - Mặc dù Tập đoàn Masan đã lên tiếng đính chính song cổ phiếu MSN vẫn quay đầu giảm điểm. Vốn hoá thị trường của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam theo đó "bốc hơi" gần 3.600 tỷ đồng.
Áp lực bán tháo đã xuất hiện ngay trong phiên giao dịch đầu tuần đã khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ. Không thể chống đỡ, các chỉ số trên thị trường đồng loạt lao dốc. VN-Index đánh mất 18,03 điểm, tương ứng giảm 2,18%, xuống còn 1.254,12 điểm, thủng mốc 1.270 điểm. VN30-Index giảm 2,28%, xuống còn 1.289,85 điểm.
Trong rổ VN30, cổ phiếu MSN của Công ty CP Tập đoàn Masan là một trong những mã điều chỉnh giảm trên 3%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/6, mã này đóng cửa ở mức 73.700 đồng/cp. Giá trị vốn hoá thị trường tương ứng đạt 106.006 tỷ đồng.
Tuần trước, con số này là 109.602 tỷ đồng. Như vậy, vốn hoá thị trường của Tập đoàn Masan đã bị 'thổi bay' 3.596 tỷ đồng.
Biến động nói trên diễn ra trong bối cảnh tin đồn về việc "gã khổng lồ" Hàn Quốc SK Group thoái vốn khỏi Tập đoàn Masan lan rộng. Mặc dù doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã nhanh chóng lên tiếng đính chính nhưng cổ phiếu MSN vẫn không thoát khỏi áp lực giảm điểm.
Cuối tuần trước, tờ Maeil Business Newspaper - nhật báo kinh tế của Hàn Quốc đã đưa tin về việc SK Group đang có ý định bán cổ phần đang nắm giữ tại các “gã khổng lồ” tại Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ won tiền đầu tư ban đầu (khoảng 18.320 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Đây được xem là một động thái nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Cũng theo Maeil Business Newspaper, SK Group đã thực hiện quyền chọn bán để chuyển nhượng lại 9% cổ phần nắm giữ tại Tập đoàn Masan và đang hoàn tất đàm phán giao dịch. Dự kiến, toàn bộ khoản đầu tư gốc trị giá 450 triệu USD (khoảng 530 tỷ won theo tỷ giá năm 2018) mà Tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc đã rót vào Masan cùng với lãi sẽ được thu hồi vào cuối năm nay.
Trước thông tin nói trên, ngay trong sáng nay 24/6, trước giờ giao dịch, Tập đoàn Masan lên tiếng bác bỏ.
Tập đoàn này khẳng định, thông tin về việc SK Group đã thực hiện quyền chọn bán để chuyển nhượng 9% cổ phần sở hữu tại Masan Group là không chính xác. Cho đến nay, SK Group chưa thực hiện quyền chọn bán.
Theo Tập đoàn Masan, cả hai doanh nghiệp hiện đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể, theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Masan. Chaebol lớn thứ hai tại Hàn Quốc đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Masan để chuyển nhượng cổ phần. Lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp.
Trước đó, chia sẻ với các nhà đầu tư tại cuộc gặp hồi tháng 5 vừa qua, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho hay, chaebol Hàn Quốc sẽ không bán cổ phiếu MSN một cách ồ ạt. Ông nhấn mạnh, Masan sẽ tiếp tục hợp tác với SK Group với tư cách là đối tác, bên cạnh vai trò là cổ đông của Tập đoàn.
“SK cũng sở hữu riêng cổ phần tại The CrownX và WinCommerce. Họ cam kết sẽ đầu tư dài hạn ở Việt Nam. Masan Group và SK dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn có lộ trình trong vòng 24 tháng. Các nhà đầu tư không nên lo lắng về việc bán tháo sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu”, ông Danny Le nói.
Thực tế, cuối năm ngoái, giới đầu tư đã râm ran tin đồn về việc SK Group có thể rút khỏi Việt Nam, mà khởi đầu là việc thoái vốn khỏi Masan. Thông tin này khiến cổ phiếu MSN giảm mạnh, đồng thời đẩy ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan rời khỏi danh sách tỷ phú.
Tuy nhiên, sau đó, chính SK Group đã bác tin đồn và xác nhận với truyền thông Hàn Quốc về việc hợp tác lâu dài với Chính phủ và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam với tầm nhìn biến dải đất hình chữ S thành một “cứ điểm” kinh doanh tại Đông Nam Á.
Về phía SK Group, theo báo chí Hàn Quốc, chaebol này hiện đang có kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh mà việc thoái vốn khỏi các “gã khổng lồ” Việt Nam là một phần trong đó.
Được biết, tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc họp chiến lược từ ngày 28-29/6 tới đây nhằm xem xét các chiến lược tái cơ cấu khoản đầu tư. Theo đó, danh mục kinh doanh của tập đoàn sẽ được thẩm định lại để nâng cao hiệu quả quản lý và nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời, cuộc họp cũng sẽ đề cập tới các vấn đề về nhân sự, sau khi ông Park Sung-ha, CEO SK Square và ông Sung Min-seok, CCO SK On vừa bị sa thải vì kết quả kinh doanh bết bát của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh vụ ly hôn tỷ USD của Chủ tịch Chey Tae-won đang gây không ít nghi ngại cho nhân viên và các bên liên quan, các biện pháp quản lý rủi ro cũng sẽ được thảo luận trong cuộc họp.
Năm 2018, SK Group đã chi ra khoảng 530 tỷ won (khoảng gần 11.000 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để mua 9,5% vốn của Tập đoàn Masan. Đến giữa tháng 11/2021, chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc thông qua công ty con là SK South East Asia Investment đã mua lại 16,3% cổ phần của WinCommerce với giá 460 tỷ won (khoảng 9.700 tỷ đồng) như một phần của quan hệ đối tác chiến lược với tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Sau đó, SK Group tiếp tục đầu tư 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần của The CrownX - nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp nắm giữ lợi ích của Tập đoàn Masan tại MasanConsumerHoldings và WinCommerce.
Masan phủ nhận thông tin SK Group bán cổ phần
'Cuộc đại tu' của SK Group: Bán vốn, thu hồi 18.320 tỷ đầu tư tại Việt Nam
Khối ngoại liên tiếp mua ròng, nhiều tổ chức dự phóng MSN giá 3 chữ số
- Vốn hóa NVIDIA ‘bay hơi’ hơn 400 tỷ USD trong chưa đầy 10 giờ giao dịch 24/06/2024 08:00
- Thị trường chứng khoán bước vào ‘thời kỳ của sự thật’ 23/06/2024 04:03
- Hé lộ nguồn thu hàng trăm tỷ đồng sắp đổ về Tập đoàn Yeah1 23/06/2024 08:15
Những hình ảnh đầu tiên công viên giải trí khổng lồ trên Đảo tỷ phú ở Hải Phòng
(VNF) - Vinhomes Royal Island cũng là đại đô thị đầu tiên sở hữu riêng một công viên vui chơi giải trí VinWonders với Safari ngay trong nội khu.