Chứng khoán sau bão: Cổ phiếu tôn thép bật tăng, cổ phiếu bảo hiểm lao dốc

Thanh Long - 09/09/2024 15:40 (GMT+7)

(VNF) - Hiệu ứng sau bão thể hiện rõ khi nhìn vào diễn biến giá trái ngược nhau giữa cổ phiếu tôn thép và cổ phiếu bảo hiểm.

Sau phiên hồi phục cuối tuần trước, những tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đà đi lên nhưng có vẻ như tâm lý nhà đầu tư đang xấu đi sau khi miền Bắc đón nhận “siêu bão” YAGI, gây ra thiệt hại vật chất lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước đây và vẫn chưa dừng lại khi rất nhiều tỉnh thành đang chịu cảnh lũ lụt.

VN-Index ngay lập tức chìm trong sắc đỏ khi mở phiên và chưa bao giờ tìm lại được sắc xanh trong phiên. Kết phiên, chỉ số này giảm hơn 6 điểm, tương đương 0,49%, xuống 1.267,73 điểm.

Đáng chú ý là thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE xuống mức rất thấp, chỉ đạt vỏn vẹn 10.287 tỷ đồng, là một trong những phiên giao dịch có thanh khoản khớp lệnh thấp nhất từ đầu năm. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang rất thận trọng.

Hiệu ứng sau bão thể hiện rõ khi nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu tôn thép và cổ phiếu bảo hiểm. Theo đó, kỳ vọng của giới đầu tư về nhu cầu mua tôn khắc phục thiệt hại sau bão YAGI là một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen và NKG của Công ty Thép Nam Kim tăng mạnh, lần lượt có thêm 2,26% và 2,64%. Trong khi đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát cũng tăng nhẹ 0,79%, một phần vì doanh thu tôn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng doanh thu của tập đoàn.

Trái lại, các công ty bảo hiểm được đánh giá là sẽ chịu tác động tiêu cực do phải tăng cường chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người dân. Cổ phiếu MIG của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội “đi đầu” với mức giảm lên tới 3,86%, kế đó là BVH của Tập đoàn Bảo Việt giảm 1,79%, VNR của Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam giảm 1,54%, PVI của Công ty Cổ phần PVI giảm 1,49%, ABI của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp giảm 1,16%, BMI của Tổng công ty Bảo Minh giảm 0,84%.

Nhìn rộng ra các nhóm ngành khác, sắc đỏ cũng là chủ đạo. Trong đó, chứng khoán là ngành giao dịch tiêu cực thấy rõ khi đa số cổ phiếu giảm trên 1% như SSI, VCI, BCI, VIX, CTS, ORS. Cổ phiếu ngân hàng cũng bị bao phủ bởi sắc đỏ nhưng mức giảm nhìn chung không lớn. Các ngành bán lẻ, hàng không, công nghệ cũng trong tình trạng tương tự.

Ở nhóm bất động sản, bộ đôi VHM – VIC điều chỉnh mạnh, lần lượt mất đi 2,05 % và 2,13% giá trị, trở thành 2 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index. Tuy vậy, các cổ phiếu bất động sản còn lại không phản ứng tiêu cực như vậy mà tăng – giảm – đứng giá tham chiếu đan xen.

Ngành năng lượng khởi sắc hơn một chút khi GAS, REE, VSH, HNA, NT2 ghi nhận sắc xanh.

Với diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán trong phiên 9/9, việc đưa tỷ trọng cổ phiếu – tiền mặt về mức an toàn hơn là điều mà các nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc, bởi áp lực có thể gia tăng trong các phiên tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác