Chứng khoán toàn cầu trải qua 'thứ Hai đen tối', Intel 'gặp bão'
(VNF) - Tuần vừa qua giống như một chuyến "tàu lượn siêu tốc" với các thị trường chứng khoán toàn cầu khi hầu hết phải trải qua một ngày thứ Hai "đen tối" trước khi bật tăng trở lại. Bên cạnh đó, những tin tức khác liên quan tới những lùm xùm quanh "gã khổng lồ" Intel cũng ghi nhận được nhiều sự chú ý.
Chứng khoán toàn cầu trải qua "thứ Hai đen tối"
Ngày 5/8, thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua một phiên giao dịch được so sánh với ngày "thứ Hai đen tối", khi hầu hết các chỉ số lớn trên thế giới đều "lao dốc không phanh".
Theo đó, tại châu Á, chỉ số Nikkei Stock Average 225 của Nhật Bản đóng phiên giảm 4.451,28 điểm, tương đương 12,4%, về mức 31.458,42 điểm. Đây là mức giảm lớn thứ hai kể từ ngày "thứ Hai đen tối" ghi nhận vào tháng 10/1987, khi Nikkei 225 mất tới 3.836,48 điểm (14,9%).
Chỉ số Topix giảm 310,45 điểm, tương đương 12,23%, xuống mức 2.227,15 điểm.
Với phiên giảm này, cả Nikkei 225 và Topix đều đã chìm vào thị trường đầu cơ giá xuống - trạng thái được xác định bởi mức giảm 20% kể từ đỉnh gần nhất là mức cao kỷ lục thiết lập vào hôm 11/7.
Chỉ số chuẩn TAIEX của Đài Loan giảm 8,4%, tương đương 1.807,21 điểm, đánh dấu mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay, đóng cửa ở mức 19.830,88.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,1% trước khi giao dịch bị ngưng 20 phút do mức giảm quá lớn khiến cơ chế tự ngắt của sàn giao dịch được kích hoạt. Chỉ số Kosdaq của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm 11,71%.
Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia đóng cửa với mức giảm 3,7%; Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,2%; và Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục sụt hơn 1,4%.
Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã ghi nhận ngày tồi tệ nhất trong gần 2 năm khi giảm 1.033,99 điểm, tương đương 2,6%, đóng cửa ở mức 38.703,27 điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite cũng không khá hơn khi kết phiên giảm 3,43% và đóng cửa ở mức 16.200,08, trong khi S&P 500 giảm 3% và đóng cửa ở mức 5.186,33 điểm.
Cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức lỗ hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 9/2022, trong khi Nasdaq và S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 khu vực giảm 2,54%, với tất cả các lĩnh vực và sàn giao dịch chứng khoán khu vực lớn đều giao dịch trong sắc đỏ.
Tiền điện tử giảm; vàng giảm, dầu giảm, USD giảm, trong khi VIX, thước đo biến động của thị trường chứng khoán, tăng vọt. Các nhà đầu tư cũng "nháo nhào" tháo chạy khỏi dầu, tiền điện tử và đặc biệt là cổ phiếu công nghệ. Thay vào đó, họ "đổ xô" vào trái phiếu kho bạc, tài sản an toàn nhất trong số tất cả.
Sự "sụp đổ" của chứng khoán toàn cầu bắt nguồn từ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp do Mỹ công bố vào cuối tuần trước, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ. Đồng thời, các quyết định lãi suất gần đây của ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật Bản cũng được cho là nguyên nhân góp phần khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.
Intel "gặp bão"
Không chỉ trong tuần này, mà gã khổng lồ công nghệ một thời Intel đã gặp sóng gió và đón "bão" từ tuần trước. Chốt phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu công ty giảm tới 26% - đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng 50 năm, đồng thời khiến giá trị thị trường công ty "bốc hơi" 32 tỷ USD chỉ sau 1 đêm.
Những phiên "rơi" liên tiếp cũng đưa vốn hoá Intel về dưới mốc 100 tỷ USD, sau khi công ty này công bố báo cáo tài chính kém lạc quan.
Theo đó, Intel ghi nhận khoản lỗ 1,61 tỷ USD trong quý II, kém xa dự báo của giới phân tích. Cùng kỳ năm ngoái, hãng còn lãi 1,48 tỷ USD. Doanh thu quý II là 12,8 tỷ USD, giảm 1% so với năm ngoái và cũng không đạt kỳ vọng.
Intel cho biết sẽ không trả cổ tức trong quý IV năm nay và sẽ sa thải hơn 15% nhân viên. Đây là một phần kế hoạch cắt giảm chi phí trị giá 10 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên Intel tạm ngừng chia cổ tức trong 32 năm.
"Đây là quá trình tái cấu trúc mạnh nhất của Intel trong hơn 40 năm qua. Chúng tôi đã đặt ra con đường táo bạo để tái thiết công ty và sẽ làm được điều đó", CEO Intel Pat Gelsinger cho biết trên CNBC.
Tuần này, Intel lại gặp phải một vụ kiện cổ đông khác và bị cáo buộc “lừa đảo che giấu vấn đề của công ty”.
Ngày 7/8, các cổ đông của Intel đã đệ đơn kiện tập thể chống lại Intel lên Tòa án Liên bang San Francisco. Các cổ đông cho rằng Intel "đã che giấu một cách gian lận các vấn đề của công ty", dẫn đến hiệu quả hoạt động kém, sa thải và tạm dừng chia cổ tức.
Ngoài ra, ngày 9/8, hãng cũng thông báo hoãn hội nghị đổi mới dự kiến được tổ chức tại San Jose, California vào tháng tới. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào một số sự kiện khác, chẳng hạn như hội thảo trên web và Hội nghị thượng đỉnh Intel AI, công ty cho biết.
Intel từng là hãng chip lớn nhất Mỹ, nhưng vài năm nay dần bị các đối thủ như Nvidia, Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD vượt qua. Giới phân tích cho rằng Intel đã chậm chân khá nhiều trong cuộc đua AI, khiến thị phần dần rơi vào tay các công ty khác.
OpenAI tái hiện "cơn địa chấn" nhân sự
Chỉ trong tuần này, OpenAI đã mất đi 3 nhân sự chủ chốt, một lần nữa tái hiện lại "cơn địa chấn" nhân sự từng diễn ra năm ngoái.
Theo đó, Greg Brockman, chủ tịch của OpenAI và là một trong 11 nhà đồng sáng lập của công ty trí tuệ nhân tạo, đang xin nghỉ phép dài hạn để "thư giãn và nạp lại năng lượng".
Một nhà đồng sáng lập và lãnh đạo chủ chốt khác, John Schulman, đã thông báo rời OpenAI để chuyển sang Anthropic, một đối thủ đáng gờm do các nhà nghiên cứu cũ của OpenAI thành lập.
Ông Schulman viết trong bài đăng trên mạng xã hội rằng : “Lựa chọn này xuất phát từ mong muốn tập trung sâu hơn vào việc điều chỉnh AI và bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp của tôi, nơi tôi có thể quay lại với công việc kỹ thuật thực hành” .
Ngoài ra, ông Peter Deng, phó chủ tịch phụ trách sản phẩm đã gia nhập công ty vào năm ngoái, được cho là cũng đã rời đi.
Động thái này diễn ra chưa đầy ba tháng sau khi OpenAI giải tán một nhóm siêu liên kết tập trung vào việc cố gắng đảm bảo rằng con người có thể kiểm soát các hệ thống AI vượt quá khả năng của con người trong nhiều nhiệm vụ.
Việc ngày càng nhiều nhà đồng sáng lập ban đầu rời đi đồng nghĩa với việc OpenAI ngày càng xa rời với mục tiêu được đặt ra ban đầu.
Trước đó, việc hội đồng điều hành OpenAI sa thải CEO Sam Altman vào năm ngoái và sau đó đảo ngược quyết định này đã giành được sự chú ý vô cùng lớn.
Chip mới của Nvidia bị trì hoãn, ảnh hưởng tới nhiều khách hàng lớn
Theo hai người giúp Nvidia sản xuất chip và phần cứng máy chủ, các chip trí tuệ nhân tạo sắp ra mắt của Nvidia sẽ bị trì hoãn từ 3 tháng trở lên do lỗi thiết kế, điều này có thể ảnh hưởng đến tổng cộng hàng chục tỷ USD của các khách hàng như Meta, Google và Microsoft.
Được biết, Nvidia đã thông báo với Microsoft, một trong những khách hàng lớn nhất của họ rằng chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất trong loạt chip Blackwell mới của họ sẽ bị trì hoãn.
Sự chậm trễ này có nghĩa là loạt chip Hopper mới sẽ không được đưa tới tay khách hàng trong năm nay mà phải tới quý đầu tiên của năm 2025.
Về vấn đề này, Nvidia cho biết: "Như chúng tôi đã nói trước đây, nhu cầu về Hopper rất lớn, các cuộc thử nghiệm mẫu Blackwell đã bắt đầu rộng rãi và sản lượng dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Ngoài ra, chúng tôi không bình luận gì thêm về tin đồn".
Cả Microsoft, Google, Amazon và Meta - những khách hàng của Nvidia, đều từ chối bình luận.
Theo tờ 21st Century Business Herald, Nvidia đang tiến hành sản xuất thử nghiệm mới với TSMC để giải quyết các vấn đề về thiết kế. Báo cáo cũng cho biết, nhiều nguồn liên quan tiết lộ rằng phải đến quý đầu tiên của năm sau, các lô hàng quy mô lớn mới được xuất xưởng, sau khi các nhà cung cấp đám mây nhận được chip, thường phải mất khoảng ba tháng để triển khai chúng.
Ngoài tin đồn về việc hoãn lại, còn có tin Bộ Tư pháp Mỹ có thể mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Nvidia, chủ yếu liên quan đến một vụ mua bán và sáp nhập cũng như các hoạt động kinh doanh của Nvidia. Mặc dù Nvidia đang phải đối mặt với những thách thức mới nhưng vị thế hiện tại của hãng trong ngành vẫn đang dẫn đầu, vượt xa các đối thủ về nền tảng chip và hệ sinh thái.
Thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của nó, Brady Wang, phó giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, trước đây đã dự đoán rằng doanh thu trung tâm dữ liệu của NVIDIA sẽ vượt 72 tỷ USD vào năm 2024, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái.
Máy bay rơi ở Brazil khiến 61 người thiệt mạng
Ngày 9/8, Reuters đưa tin chuyến bay 2283 của Hãng hàng không nội địa Brazil Voepass đang trên đường từ thành phố Cascavel (bang Parana) đến phi trường quốc tế Guarulhos ở Sao Paulo thì rơi xuống thành phố Vinhedo cách đó 80 km về hướng tây bắc.
Theo video ghi lại, chiếc máy baythuộc dòng ATR 72 được sản xuất năm 2010 đã lao xuống mặt đất theo phương thẳng đứng và xoay vòng trong lúc rơi. Vận tốc rơi vào thời điểm đó lên đến 442 km/giờ, tức nhanh gấp 10 lần tốc độ hạ xuống bình thường của phi cơ.
Vụ rơi máy bay khiến toàn bộ 61 người, gồm 57 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Tại một sự kiện vào ngày 9/8, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã nói với đám đông về vụ tai nạn máy bay, yêu cầu dành 1 phút mặc niệm tất cả nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay trên.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay.
Theo Cơ quan Hàng không dân dụng Brazil, trước khi xảy ra tai nạn, chiếc máy bay vẫn hoạt động bình thường, có giấy đăng ký và giấy chứng nhận bay hợp lệ. Các thành viên phi hành đoàn đều có trình độ hợp lệ.
Động đất 6,8 độ richter tại Nhật Bản
Ngày 10/8, một trận động đất có độ lớn khoảng 6,8 độ richter đã xảy ra ở phía Nam biển Okhotsk, gần vùng duyên hải tỉnh Hokkaido, Nhật Bản.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), trận động đất xảy ra vào khoảng 12h29 giờ địa phương (10h29 giờ Việt Nam).
Mặc dù trận động đất có cường độ khá mạnh song Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra. Trận động đất không gây ra chấn động mạnh hoặc sóng thần vì tâm chấn nằm sâu dưới lòng đất, khoảng 490 km.
Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xảy ra siêu động đất trong khoảng 1 tuần tới sau khi JMA ban hành cảnh báo sau trận động đất có độ lớn 7,1 ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki, ở rìa phía Tây của rãnh Nankai, làm rung chuyển khu vực Tây Nam nước này.
Các chuyên gia cảnh báo nếu siêu động đất xảy ra, các đợt rung chấn mạnh kèm theo sóng thần cao có thể tàn phá trên diện rộng, từ vùng Kanto ở phía Tây bao gồm Tokyo đến vùng Kyushu và Okinawa ở phía Nam.
Sau cảnh báo trên, các địa điểm tránh trú đã được thiết lập, người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ. Trước tình hình này, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi người dân không tích trữ quá nhiều bộ dụng cụ khẩn cấp dùng trong thảm họa, vì một số mặt hàng đã cạn kiệt do nhu cầu tăng đột biến sau cảnh báo nguy cơ siêu động đất.
Vốn hoá Nvidia ‘bay hơi’ 900 tỷ USD chỉ trong 2 tháng
- 'Hầm trú ẩn' của tỷ phú: Chứa cả trường bắn, rạp chiếu phim, bể cá mập 11/08/2024 11:30
- Giới trẻ lười đẻ, nền 'kinh tế thú cưng' hàng tỷ USD lên ngôi 11/08/2024 10:30
- Tỷ phú Warren Buffett gửi lời cảnh báo 277 tỷ USD tới các nhà đầu tư 11/08/2024 09:15
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.