Chứng khoán xuống đáy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giàu gấp đôi Tổng thống Trump

Mai Chi - 04/01/2019 07:10 (GMT+7)

Theo thống kê của tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đang nắm trong tay 6,3 tỷ USD, xếp thứ 232 trong danh sách những người giàu nhất thế giới hiện nay. Tài sản của người đàn ông giàu nhất Việt Nam đạt hơn gấp đôi so với tài sản của “ông chủ Nhà Trắng” Donald Trump.

VNF
Chứng khoán xuống đáy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giàu gấp đôi Tổng thống Trump.

Phiên giao dịch 3/1/2019, trong khi lực bán trên thị trường vẫn diễn ra ồ ạt và khiến chỉ số giảm sâu thì cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup lại hồi phục khá mạnh, rút ngắn mức giảm xuống chỉ còn 100 đồng tương ứng 0,1% và kết phiên ở mức 100.300 đồng/cổ phiếu.

Nhờ đó, ở thị giá hiện nay, cổ phiếu VIC chỉ còn giảm 1,57% trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua và đạt mức tăng hơn 55% so với thời điểm 1 năm trước. Mã này tiếp tục dẫn đầu thị trường về vốn hoá, đạt 320.120 tỷ đồng và theo đó có ảnh hưởng đến xu hướng tăng/giảm của VN-Index.

Tuy không còn ở mức đỉnh hơn 111.500 đồng của thời điểm tháng 4/2018, song với mức giá hiện tại của VIC, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup trên sàn chứng khoán vẫn đạt 187.078 tỷ đồng thông qua sở hữu trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC và sở hữu gián tiếp trên 989 triệu cổ phiếu này qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.

Còn theo thống kê của tạp chí Forbes (Mỹ) thì ông Phạm Nhật Vượng đang nắm trong tay 6,3 tỷ USD, xếp thứ 232 trong danh sách những người giàu nhất thế giới hiện nay.

Theo đó, tài sản của người đàn ông giàu nhất Việt Nam đã hơn gấp đôi so với tài sản của tỷ phú Donald Trump. Tổng thống Mỹ hiện là người giàu thứ 682 thế giới với giá trị tài sản đạt 3,1 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam đang gia tăng đáng kể. Ngoài 3 tỷ phú USD theo ghi nhận của Forbes là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air (2,4 tỷ USD) và ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco Trường Hải (1,7 tỷ USD) thì Việt Nam vẫn còn một số doanh nhân có thể sẽ được đưa vào danh sách “tỷ phú USD” trong thời gian tới như ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank và có thể còn có ông Trần Quí Thanh – ông chủ Tân Hiệp Phát.

Trên thị trường chứng khoán phiên 3/1, trong khi VIC hồi phục cuối phiên thì trên toàn thị trường vẫn còn tới 401 mã giảm giá, 54 mã giảm sàn so với chỉ 197 mã tăng, 24 mã tăng trần.

Trong đó, sàn HSX có 201 mã giảm và 22 mã giảm sàn, gấp gần 4 lần số mã tăng, đẩy VN-Index mất 13,53 điểm tương ứng giảm 1,52% còn 878,22 điểm. Như vậy, chỉ số chính VN-Index đã chính thức thủng mốc 880 điểm, về mức “đáy” 1 năm qua (thấp nhất trong diễn biến của chỉ số này kể từ tháng 11/2017 đến nay).

BID, GAS, CTG, HPG, VRE, SAB… đang là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index trong phiên giao dịch thứ 2 của năm 2019. Cũng trong hai phiên giao dịch đầu năm, vốn hóa thị trường của sàn HSX bị “thổi bay” hơn 45.000 tỷ đồng. Mức vốn hóa thị trường của sàn này thậm chí còn sụt hơn 439.000 tỷ đồng so với mức đỉnh lịch sử đạt được hôm 9/4/2018.

Giữa bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực, một số mã vẫn ngược chiều tăng như NT2, BVH, SSC, GTN, SCS, KBC, thậm chí VIS và SII tăng trần. Tuy vậy, mức tác động của những mã này lên chỉ số là không đáng kể.

Về phía sàn HNX, chỉ số giảm mạnh 2,15 điểm tương ứng 2,09% còn 100,52 điểm với 85 mã giảm giá, 18 mã giảm sàn trong khi chỉ có 32 mã tăng và 5 mã tăng trần.

Thanh khoản toàn thị trường duy trì thấp. Chỉ có 206,39 triệu cổ phiếu được giao dịch tương ứng 4.128,06 tỷ đồng đưa vào thị trường giải ngân mua cổ phiếu. Điểm đáng lưu ý là trong khi khối nhà đầu tư nội tháo chạy thì khối đầu tư nước ngoài lại thực hiện mua ròng 130 tỷ đồng, đánh dấu phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp.

Xem thêm >> Chuyển động dòng tiền 2018: Giới đầu tư 'săn hàng' IPO, 'lạnh nhạt' với phát hành thêm cổ phiếu

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác