Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Trong thời đại số hóa ngày nay, ngành ngân hàng đang chứng kiến một sự bùng nổ trong việc cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số, đem lại sự tiện lợi và tương tác ngày càng tốt đẹp cho người dùng. Khả năng tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả của những dịch vụ này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách mà người dân quản lý và sử dụng tiền của mình. Người dân không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các dịch vụ này một cách thường xuyên, mà còn thực hiện được mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối Internet.
Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi là nỗi lo an toàn tài chính cá nhân. Vấn đề bảo mật ngày càng trở nên nổi bật và đang được các ngân hàng cũng như cơ quan quản lý xem xét một cách nghiêm túc, nhất là khi gần đây ghi nhận trường hợp cá nhân mất tới cả trăm tỷ đồng vì bị tội phạm mạng đăng nhập tài khoản và rút tiền. Trong bối cảnh như vậy, việc bảo vệ thông tin và tài sản của khách hàng đã trở thành một nhiệm vụ hàng đầu của ngành ngân hàng.
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, lãnh đạo Ngân Hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Quảng Nam cho biết thời gian vừa qua, các trường hợp người dân bị lừa đảo đánh cắp thông tin, mất tiền trong tài khoản có xu hướng tăng cao tại Việt Nam. Các trường hợp bị đánh cắp thông tin xảy ra do người dùng thực hiện cài đặt các ứng dụng giả mạo do vô tình hoặc thông qua các liên kết do kẻ gian phát tán, hoặc bị kẻ gian giả mạo là nhân viên ngân hàng.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng hình thức gửi link đăng nhập website giả mạo để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài khoản đăng nhập ngân hàng điện tử hoặc thu thập các thông tin liên quan tới thẻ tín dụng. Gần đây kẻ gian còn gửi mã QR qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber.
Nhằm giúp khách hàng nâng cao cảnh giác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lãnh đạo SHB chi nhánh Quảng Nam cho biết đã và đang liên tục cập nhật và cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tới khách hàng thông qua nhiều kênh: website, fanpage, gửi email, gửi thông báo trên hệ thống ngân hàng điện tử. Đồng thời, các cán bộ nhân viên SHB Quảng Nam cũng thường xuyên tích cực, chủ động cảnh báo trực tiếp tới các khách hàng tại địa bàn.
Nêu thêm góc nhìn, đại điện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Quảng Nam cho rằng bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng là yếu tố hết sức quan trọng và cũng là trách nhiệm lớn đối với ngân hàng. Vì vậy, vấn đề này luôn được Agribank quan tâm và đặt vị trí hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Do đó, phía ngân hàng thường áp dụng nhiều biện pháp để đề phòng và bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng.
Theo đại điện của Agribank chi nhánh Quảng Nam, ngân hàng đang áp dụng các hệ thống bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, bao gồm việc sử dụng mã hóa dữ liệu, tường lửa mạng và các biện pháp bảo mật công nghệ thông tin khác. Đồng thời, Agribank cũng thường xuyên đào tạo, huấn luyện định kỳ cho nhân viên về quy trình bảo vệ thông tin cá nhân và cách xử lý thông tin của khách hàng một cách an toàn và bảo mật.
Ngân hàng cũng luôn kiểm soát chặt chẽ quyền quản lý truy cập vào thông tin của khách hàng, chỉ cho phép những người cần thiết có quyền truy cập và sử dụng thông tin này; thường xuyên thực hiện kiểm tra và theo dõi liên tục hệ thống để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động không hợp lệ hoặc đe dọa đến bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.
“Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng là một phần quan trọng của chiến lược bảo mật của Agribank và cần được thực hiện một cách nghiêm túc và liên tục để đảm bảo sự an toàn và tin cậy của thông tin này”, vị đại diện ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Nam nói.
Trên góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Phạm Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho hay, NHNN cũng chủ động theo dõi và nắm bắt tình hình an ninh mạng trong ngành và là đầu mối thường xuyên tiếp nhận các cảnh báo về lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn công nghệ thông tin (CNTT) từ các đơn vị, đối tác và cảnh báo các đơn vị trong ngành kịp thời cập nhật các lỗ hổng bảo mật và sẵn sàng các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố.
Hằng năm, NHNN cũng tổ chức kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để đánh giá, phát hiện và xử lý sớm các rủi ro, sai phạm cũng như khuyến nghị, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại hạn chế về an ninh, bảo mật tại các đơn vị này.
“Khi thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ ra ngoài, người dân có thể bị kẻ xấu rút tiền mà không hay biết. Như vậy, hệ luỵ từ việc này rất là lớn”, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam nhận định.
Với vai trò là cơ quan quản lý, ông Phạm Trọng cho biết NHNN chi nhánh Quảng Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng cường quản lý chặt chẽ, cũng như tăng thêm hệ thống bức tường bảo vệ cho hệ thống mạng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng luôn quán triệt với các ngân hàng thương mại trong việc tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân theo hướng không được chủ quan trong việc cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, hoặc cho người khác mượn tài khoản.
Về phương án xử lý khi có vụ việc xảy ra, theo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam, NHNN đã có văn bản phối hợp với Bộ Công an trong công tác chuyển đổi số và công tác bảo vệ an toàn thông tin khách hàng trong giao dịch giữa ngành ngân hàng với người dân. Ngành ngân hàng cũng sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan có phương án xử lý phù hợp với từng vụ việc xảy ra.
Về vấn đề phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, vấn đề an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân được đưa lên hàng đầu bởi rủi ro của việc lộ thông tin là rất lớn. Kẻ gian có thể lợi dụng thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, việc mua bán thông tin cá nhân của người dân diễn ra dễ dàng đã khiến tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tràn lan đến mức báo động.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao chủ yếu hoạt động theo hình thức giăng bẫy, chúng “ẩn mình” bằng cách sử dụng các thông tin giả, thông tin “rác”, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Cũng theo người đứng đầu công an tỉnh Quảng Nam, người dân cần để phòng các hoạt động lừa đảo tài sản qua không gian mạng. Yếu tố then chốt đầu tiên là bảo mật thông tin bản thân và người thân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi tiếp cận với công nghệ, tránh “sập bẫy” kẻ xấu. Cùng với đó, trang bị kỹ năng về an toàn thông tin như không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-banking theo yêu cầu từ người lạ. Trường hợp, tài khoản mạng xã hội bị hack, chiếm quyền sử dụng, nên báo ngay cho người thân quen, bạn bè trong danh bạ để phòng ngừa thiệt hại.
Nếu nhận được tin nhắn từ người thân hỏi vay mượn tiền, chuyển khoản, nạp thẻ, người dân cần gọi điện hoặc gặp trực tiếp để xác thực thông tin trước khi chuyển tiền. Người dân không nên vay tiền online trên các ứng dụng điện thoại không rõ nguồn gốc; không nộp các loại phí, thuế do đối tượng yêu cầu để được nhận khoản vay; không tham gia các lời mời tham gia đầu tư tài chính trên không gian mạng; và không tham gia các lời mời, quảng cáo tuyển cộng tác viên là nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng trên các trang mạng xã hội.
Cuối cùng, kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết nếu nghi ngờ phát hiện hành vi lừa đảo qua mạng.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.