Thị trường

Chuyên gia: 'Doanh nghiệp phải đổi mới để bứt phá trong khủng hoảng'

(VNF) - Ngày 19/5, hơn 25 diễn giả, các chuyên gia tâm huyết tại Việt Nam và quốc tế đã tham gia chia sẻ tại sự kiện Innovation Virtual Summit với chủ đề “Cơ hội đổi mới và bứt phá doanh nghiệp trong khủng hoảng”. Đây là một sự kiện ảo được thiết kế để giúp các doanh nghiệp tiếp cận đổi mới, thích ứng và phá vỡ rào cản rủi ro để tăng trưởng trong bối cảnh mới.

Chuyên gia: 'Doanh nghiệp phải đổi mới để bứt phá trong khủng hoảng'

Ảnh minh hoạ.

5 vấn đề đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp

Sự kiện xoay quanh các chủ đề như: cập nhật hành vi người dùng sau dịch Covid-19, bài học đổi mới từ các công ty hàng đầu trên thế giới và ứng dụng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, Re-Thinking & Re-Creating Product: cơ hội đến từ người tiêu dùng thế hệ Z và Millennial, cơ hội phục hồi doanh thu - bứt phá và tăng trưởng và giải pháp đổi mới về nhân sự trong khủng hoảng.

Theo ông Tình Nguyễn, doanh nghiệp cần đổi mới. Đổi mới là một lộ trình, trong đó doanh nghiệp sẽ phải lấy khách hàng làm trung tâm.

“Nếu chúng ta không đổi mới, chính đối thủ hoặc chính thị trường làm cho chúng ta bị lạc hậu. Sau Covid 19, hành vi người dùng đã thay đổi và thay đổi không ngừng”, diễn giả này chia sẻ.

Ông Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC trình bày về chủ đề “Làm thế nào doanh nghiệp SME có thể ứng biến được với dịch Covid-19 và tăng trưởng?” Trong quá trình tư vấn, gặp gỡ khách hàng ông nhận thấy doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để thay đổi toàn diện. 

Theo ông Kỳ, có 5 vấn đề đa số các doanh nghiệp gặp phải: doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề hoạch định và thực hiện giấc mơ tăng trưởng trên môi trường online; do thiếu hoạch định chiến lược marketing dài hạn, các hoạt động marketing thiếu đồng nhất hay phụ thuộc nhiều vào quảng cáo; chưa có hệ thống, cơ sở đánh giá rõ ràng để làm nền tảng phân tích cho việc tối ưu từ chi phí vận hành, chi phí quảng cáo, hoạt động marketing.

Cùng với đó, doanh nghiệp chưa có quy trình để triển khai các hoạt động marketing cũng như phối hợp nội bộ, hợp tác với các bên đối tác agency và chưa thấu hiểu hành vi người dùng nên chưa tạo ra sản phẩm phù hợp để thúc đẩy nhu cầu và doanh số.

Ông Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC.

Cũng theo ông Kỳ, doanh nghiệp cần chấp nhận chuyển đổi để đánh giá, phân tích đo lường được, biết được điểm nào tốt, điểm nào chưa ổn để từ đó thay đổi, phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thay đổi từng bước phù hợp theo từng doanh nghiệp

Tại sự kiện, các diễn giả cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và thực tế diễn ra trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19.

Theo đó, nếu doanh nghiệp có thể chuyển đổi được giúp doanh nghiệp có chiến lược marketing đồng bộ sẽ có khả năng ứng biến ngay lập tức để thay đổi các chiến dịch ngắn hạn. Thay đổi để đo lường, đánh giá hiệu quả để kiểm soát chi phí và KPI. Đáng chú ý là việc thay đổi chưa nên đầu tư vào các công nghệ quá mức tiềm lực tài chính mà thay vào đó  doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hướng đến việc thay đổi công nghệ phù hợp để giải quyết khó khăn trong ngắn hạn để tích lũy trong dài hạn, tối ưu chi phí, khi tạo ra lợi nhuận và tích lũy được tiềm lực doanh nghiệp mới nên cân nhắc tiến hành tái đầu tư giai đoạn hai ở quy mô hệ thống lớn hơn.

Khi thay đổi được, điều có thể thấy được, đo lường được là tạo ra điều mới mẻ, tạo ra sản phẩm mới và cách làm mới cho từng cá nhân, cho cả hệ thống.

Theo ông Trần Quốc Kỳ, trước khi thay đổi chính thức doanh nghiệp cần thử nghiệm trước để xem mức độ chấp nhận của thị trường, không nên đột ngột sản xuất một khối lượng lớn sản phẩm quá mới hay đột ngột thâm nhập thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi các startup kỳ Lân phát triển nhanh trong 2-3 năm bằng cách vừa mạo hiểm vừa bài bản để rủi ro ít nhất, liên tục thử và thay đổi.

Cuối cùng là việc thay đổi – chuyển đổi số nên bắt đầu ngay, thậm chí khi doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, chăm sóc khách hàng, bán hàng cũng nên thay đổi để doanh nghiệp có được dữ liệu phục vụ tăng trưởng lâu dài.

Liên quan đến phương pháp làm thế nào để có được tư duy sáng tạo, ông Tuấn Hà - chủ tịch VINALINK chia sẻ phương pháp sáng tạo SCAMPER để đổi mới sản phẩm, thích nghi với thị trường.

Bước đầu tiên doanh nghiệp cần làm là tìm được ý tưởng kinh doanh phù hợp. Vậy tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới dễ hay khó, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sáng lập. Trong đó, tư duy sáng tạo SCAMPER là một trong những phương pháp hiệu quả mà các nhà khởi nghiệp trẻ có thể tham khảo khi bắt đầu suy nghĩ về ý tưởng mới.

Phương pháp SCAMPER gồm 7 nguyên tắc nhỏ: substitute/thay thế, combine/kết hợp, adapt/thích nghi, modify/điều chỉnh, put to other uses/sử dụng vào mục đích khác, eliminate/loại bỏ, reverse/đảo ngược. Nếu hiểu và áp dụng thành công những phương pháp này, startup trẻ có thể tìm thấy những ý tưởng khởi nghiệp đáng giá.

Qua các chủ đề thiết thực, các diễn giả của sự kiện đã hiến kế và đưa ra những giải pháp đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp phục hồi dần dần khi khủng hoảng giảm bớt. Đồng thời giúp các doanh nghiệp biết cách phản ứng nhanh với khủng hoảng, xác định và ưu tiên các cơ hội doanh thu khi quá trình phục hồi bắt đầu diễn ra.

Tin mới lên