Chuyện lựa chọn 'cứ điểm' cho HoSE và cột mốc đáng nhớ năm 2000
Thanh Long -
16/07/2020 08:56 (GMT+7)
(VNF) - Việc lựa chọn "cứ điểm" cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM - HoSE) nhận được sự ủng hộ lớn từ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Viết Thanh. Cùng VietnamFinance gợi lại ký ức này nhân kỷ niệm 20 năm khai trương HoSE và vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chọn trụ sở cho HoSE tại phố Wall cũ của Sài Gòn
Trước khi thống nhất đất nước, kinh tế 2 miền Nam - Bắc thuộc 2 hệ thống kinh tế - xã hội hoàn toàn khác biệt. Miền Nam là kinh tế thị trường tự do, còn miền Bắc là kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Từ những đặc thù đó, ông Lê Văn Châu – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đầu tiên đã đề nghị thành lập 2 Trung tâm Giao dịch Chứng khoán ở 2 miền Nam và Bắc tại 2 thành phố lớn nhất là TP. HCM và Hà Nội.
"Thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán được xem như bước đi đầu tiên, có sự tập dượt, từng bước hoàn thiện và là “tiền thân” để giai đoạn sau chuyển lên thành một Sở Giao dịch Chứng khoán khi thị trường đã phát triển", ông Lê Văn Châu nhận định.
Theo ông, việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM trước cũng được tính đến như một bước đi trong lộ trình xây dựng và phát triển thị trường. Bước đi này cũng xuất phát từ nhận thức khi đó TP. HCM là trung tâm, đầu não kinh tế của miền Nam với nền kinh tế năng động và hệ thống thương mại khá phát triển so với cả nước.
"Ngay từ khi đó, việc xây dựng cấu trúc và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tính tới bước đi chuyển từ trung tâm sang Sở Giao dịch Chứng khoán và tiếp theo khi thị trường phát triển, sẽ thống nhất 2 sở với mô hình 1 sở - 2 sàn như thông lệ nhiều quốc gia đã phát triển thị trường chứng khoán", Chủ tịch UBCKNN đầu tiên cho hay.
Khi thị trường chứng khoán sắp ra đời, việc lo trụ sở cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cũng là một việc cấp bách. Ông Châu cho biết khi đó, UBND TP. HCM rất ủng hộ chủ trương này, nhưng lúc đầu Văn phòng Chính phủ giao nhà số 9 đường Lê Duẩn.
"Tôi đi xem và thấy không phù hợp vì diện tích nhỏ và không được sử dụng phần khuôn viên phía sau, do đó không đủ tiêu chuẩn mở Trung tâm Giao dịch Chứng khoán. Sau đó, tôi đến xin ý kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại nhà riêng số 16 đường Tú Xương, TP. HCM. Sau khi trình bày sự việc, Thủ tướng hỏi muốn lấy trụ sở ở vị trí nào, tôi trả lời muốn xin trụ sở Thượng viện chế độ cũ ở Bến Chương Dương. Thủ tướng gọi bảo vệ và lái xe cùng tôi đi xem tòa nhà này", ông Châu nhớ lại.
Trên đường đi, ông có báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng muốn lấy tòa nhà này vì nằm trên trục đường, khu vực có nhiều ngân hàng (được gọi là phố Wall của Sài Gòn cũ). Chỉ ít ngày sau đã có công văn chỉ đạo của thành phố giải tỏa khu nhà này, bàn giao cho UBCKNN.
"Tôi còn nhớ, khi đó anh Bảy Thanh (Võ Viết Thanh - PV) làm Chủ tịch UBND TP. HCM đã kịp thời chỉ đạo làm công văn gửi Chính phủ. Chúng tôi đã trực tiếp cầm công văn lên Chính phủ và một tuần sau có quyết định bàn giao. Đồng thời Chính phủ cấp luôn 50 tỷ đồng cho UBND TP. HCM làm công tác giải tỏa vì trong tòa nhà và khuôn viên đó có 7 cơ quan làm việc tại thời điểm đó", Chủ tịch UBCKNN đầu tiên hồi tưởng.
Ông Châu chia sẻ rằng khi nhận được toàn bộ khuôn viên tòa Thượng viện chế độ cũ lúc đó còn rất ngổn ngang, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán tạm thời làm việc trên diện tích tòa nhà phụ phía sau trong thời gian tu sửa lại tòa chính phía trước, khi đó ông đã tính đến tương lai gần sau này tòa nhà phía sau sẽ được xây cao tầng khi thị trường phát triển.
Cũng thời điểm đó, ông đề xuất Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Viết Thanh xin 3.000 m2 đất để xây cư xá cho cán bộ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán nhưng thời đó không có người lo nên việc này không thành.
Khai trương HoSE vào "năm con rồng"
Trong dòng hồi ức của ông Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ tịch UBCKNN, từ đầu năm 2000, ông đã cùng các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng và Ban lãnh đạo Ủy ban thông qua kế hoạch và tờ trình xin ý kiến Thường vụ Bộ Chính trị và Chính phủ cho khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào nửa cuối năm 2000.
Để đảm bảo kế hoạch trình lên được chấp thuận, UBCKNN đã tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước. Qua việc tập hợp các ý kiến, đại bộ phận đều đồng tình với việc sớm đưa thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, ông Quang cho hay cũng có một số ý kiến chưa đồng tình vì cho rằng các điều kiện kinh tế vĩ mô về tăng trưởng kinh tế, về hệ thống tài chính ngân hàng, về tiến trình cổ phần hóa, về các chính sách khuyến khích... chưa chín muồi, trong đó có điều cần lưu ý là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vừa mới diễn ra năm 1997 - 1998 mà thị trường chứng khoán được cho là một tác nhân, điều này phần nào đã ảnh hưởng đến việc thống nhất quan điểm ra đời sớm thị trường chứng khoán và có ý kiến còn cho là việc làm mạo hiểm.
Mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng UBCKNN đã hoàn thiện tờ trình và trình Chính phủ cho thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.
"Rất mừng là các thành viên Chính phủ đã chấp thuận tờ trình của UBCKNN và sau đó Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo xin ý kiến Thường vụ Bộ Chính trị. Trong buổi làm việc với Thường vụ Bộ Chính trị tháng 6/2000, tôi đã báo cáo, trình bày kế hoạch khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.
Một vài đồng chí trong Thường vụ còn băn khoăn về bước đi và thời gian cùng các điều kiện đã chín muồi chưa? Liệu thị trường chứng khoán ra đời có thành công? Có bị sụp đổ như một số nước đã từng gặp không? Chúng tôi đã trình bày, phân tích những khó khăn, thách thức, thuận lợi và cơ hội, những kinh nghiệm của các nước đi trước, đồng thời nêu quyết tâm cao của Chính phủ và UBCKNN", ông Nguyễn Đức Quang chia sẻ.
Cuối cùng, Thường vụ Bộ Chính trị cũng đã thống nhất đồng ý cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đi vào hoạt động trong năm 2000.
Trong Công văn số 511 CV/TW ngày 22/6/2000, Thường vụ Bộ Chính trị nêu rõ: “Xây dựng và phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán là nhiệm vụ hết sức khó khăn và có ý nghĩa chiến lược lâu dài góp phần tích cực vào việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, UBCKNN phải quản lý chặt chẽ và thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình hoạt động của thị trường tại TP. HCM”.
"Phải nói thêm rằng, sở dĩ chúng tôi đưa ra và bảo vệ kế hoạch khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào năm 2000, ngoài những lý do về kinh tế - xã hội, năm 2000 còn là năm có nhiều sự kiện nổi bật của đất nước, đặc biệt là năm Canh Thìn là năm “con rồng” mà theo chúng tôi là năm “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, hy vọng sẽ đem lại cho thị trường chứng khoán Việt Nam những điều may mắn tốt đẹp", vị nguyên lãnh đạo UBCKNN chia sẻ thêm.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.