Chuyến thăm của Tổng thống Trump 'đẩy' Thủ tướng Anh vào thế bí

Minh Khuê - 13/07/2018 07:35 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Donald Trump sẽ tới thăm Anh để đàm phán về thương mại với Thủ tướng Theresa May và thưởng trà cùng Nữ hoàng Elizabeth II giữa lúc Anh đang "hỗn loạn" vì bất đồng liên quan đến Brexit

VNF
Chuyến thăm của Tổng thống Trump "đẩy" Thủ tướng Anh vào thế bí.

Sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 12/7 sẽ tới thăm Vương quốc Anh. Thủ tướng Anh Theresa May hy vọng chuyến thăm của ông Trump sẽ thúc đẩy quan hệ thân thiết Anh - Mỹ và góp phần thiết lập thỏa thuận thương mại tự do trong tương lai.

Tổng thống Trump từ lâu đã tỏ ý ủng hộ Anh rời EU và thể hiện sự nhiệt tình hướng tới thỏa thuận thương mại trên nhiều lĩnh vực với nước này. Những người ủng hộ Brexit coi đây là một trong những lợi ích to lớn đối với Anh khi rời khối.

Thứ Sáu tuần trước (6/7), bà May tưởng như đã đạt được một thỏa thuận khó khăn với nội các chia rẽ của bà – gọi là Chequers – về một kế hoạch Brexit nhằm giữ mối quan hệ giao thương gần gũi nhất có thể với EU. Thế nhưng, chỉ hơn một ngày sau, hai nhân vật chủ chốt trong đoàn đàm phán của Anh là Bộ trưởng Brexit David Davis và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã đột ngột đệ đơn xin từ chức.

Điều này càng làm tăng thêm những nghi ngờ về tương lai của Vương quốc Anh và mối quan hệ với Liên minh châu Âu. Chuyến thăm của ông Trump đúng vào thời điểm nhạy cảm này càng có thể tạo thêm áp lực cho Thủ tướng Theresa May.

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson có thể sẽ gặp ông Donald Trump trong chuyến thăm tới, vì hai ông có mối quan hệ cá nhân khá thân thiết. Ông Trump nói với các phóng viên: “Boris Johnson là một người bạn của tôi. Ông ấy rất tốt với tôi, luôn ủng hộ tôi. Tôi quý Johnson, và có lẽ chúng tôi sẽ có cơ hội để trò chuyện khi tôi đến đó”.

Rem Korteweg, trưởng nhóm nghiên cứu châu Âu tại Clingendael, cho biết trong một email: "Tổng thống Trump có thể sẽ gây áp lực lên nội các của Anh để buộc họ xem xét lại thỏa thuận Chequers vừa rồi với bà May. Điều này có thể làm phức tạp mọi thứ cho Thủ tướng Anh", ông nói thêm.

Nếu chính phủ Vương quốc Anh tiếp tục đi theo hướng được xác định trong Chequers – tức là giữ một mối quan hệ gần gũi với EU, thì điều này có nghĩa là  Anh sẽ phải tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm, cũng như tiêu chuẩn sản phẩm của châu Âu, ngay cả khi không còn là một thành viên của khối.

Tuy nhiên, để có thể ký một hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ, một trong những vấn đề chính của cuộc hội đàm sắp tới giữa ông Trump và bà May, thì Vương quốc Anh có thể sẽ phải hướng các quy định và tiêu chuẩn của mình đến gần hơn với những bộ tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ hiện đang sử dụng. Điều này sẽ là một thử thách cho bà May, khi cả hai phía Đại Tây Dương tuân theo các quy tắc khác nhau.

Cán cân thương mại của Anh với Mỹ và EU tính đến tháng 6/2017.

“Ngoài hàng rào thuế quan, các quy định và tiêu chuẩn khác nhau sẽ là một trong những trở ngại chính đối với mối quan hệ thương mại giữa Anh và Hoa Kỳ”, Korteweg cho biết.

Ông Guntram Wolff, giám đốc Bruegel, cho biết: "Có một sự lựa chọn khó khăn cho Anh. Cho dù theo các tiêu chuẩn châu Âu hay theo chuẩn của Hoa Kỳ, lựa chọn nào Anh cũng sẽ phải đánh đổi một phần lợi ích”.

Từ tháng 7/2017, Anh và Hoa Kỳ đã cùng làm việc để hướng tới một thỏa thuận thương mại, sẽ được hoàn thành sau khi Vương quốc Anh hoàn tất tiến trình Brexit. Theo luật châu Âu, các nước thành viên không thể ký giao dịch thương mại đơn phương với các quốc gia khác, bởi đây là một nhiệm vụ thuộc quyền hạn của Ủy ban châu Âu.

Woody Johnson, đại sứ Hoa Kỳ tại Vương quốc Anh, nói trên BBC Radio 5 vào tuần trước rằng một thỏa thuận thương mại song phương tiềm năng giữa hai nước trong chuyến thăm tới của ông Trump “đã sẵn sàng để được ký”.

Xem thêm >> Nga: Trong khi NATO đang giận dữ ở Brussels thì chúng tôi chuẩn bị xem World Cup

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác