Tài chính quốc tế

Bất đồng với bà Theresa May, hai quan chức Anh đột ngột xin từ chức

(VNF) - Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 9/7 đã quyết định rời bỏ vị trí của mình chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng chuyên trách về Brexit David Davis làm điều tương tự. Hai nhân vật chủ chốt trong chính phủ Anh từ chức trong vòng chưa đầy 24 giờ khiến cho người Anh “hoang mang” vì các nhà lãnh đạo không thể cùng thống nhất về chính sách đối ngoại.

Bất đồng với bà Theresa May, hai quan chức Anh đột ngột xin từ chức

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson (trái) và cựu Bộ trưởng David Davis (phải) rời Văn phòng chính phủ Anh.

Thông tin ông Johnson từ chức được công bố 30 phút trước khi bà May trình bày trước quốc hội Anh về kế hoạch Brexit mới, vốn đang bị nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh chỉ trích là “chỉ là danh nghĩa và không thể chấp nhận”.

Thủ tướng Anh Theresa May dường như muốn một Brexit "êm ả".

"Chiều nay, Thủ tướng đã chấp thuận đơn xin từ chức của ông Boris Johnson với tư cách Ngoại trưởng", phát ngôn viên của bà May nói trong một tuyên bố. “Tân Ngoại trưởng Anh sẽ sớm được công bố. Thủ tướng cảm ơn ông Boris vì những đóng góp của mình cho đất nước".

Giá GBP/USD  giảm từ mức 1,3340 xuống mức 1,3259 - giảm 0,2% trong ngày, ngay sau thông tin Ngoại trưởng Johnson từ chức được công bố.

Nguyên nhân khiến hai vị quan chức nói trên quyết định rời khỏi vị trí là vì những mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại liên quan đến quá trình Brexit của nước Anh. Thủ tướng May mong muốn một Brexit mềm mỏng hơn để có thể tiếp tục giữ được càng nhiều càng tốt các mối quan hệ thương mại với EU. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Davis và ông Johnson lại ở phe bên kia của nội các Anh, những người ủng hộ “hard Brexit” (coi việc đóng cửa chính sách tự do đi lại giữa Anh Quốc với EU là ưu tiên hàng đầu).

Tình hình trở nên căng thẳng khi Bộ trưởng Davis quyết định từ chức vào Chủ nhật (9/7), và không ngần ngại gọi kế hoạch của bà May là "nguy hiểm", “nhượng bộ quá dễ dàng” đối với các nhà đàm phán EU, và châu Âu sẽ tiếp tục lấn tới.

Trước sự "ra đi" của Ngoại trưởng Anh, rất có khả năng sẽ có một chút “ồn ào” trong nội các của bà May. Nhiều nhà vận động Brexit trong Đảng bảo thủ của Thủ tướng nói rằng bà ấy đã “phản bội” lại lời hứa của chính mình, đó là thực hiện việc “dứt áo ra đi” khỏi EU một cách nhanh chóng, gọn lẹ.

Thủ tướng Anh hiện đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Không thể nói trước liệu bà May có thay đổi đề xuất, và hy vọng rằng có thể thuyết phục được những người bất đồng chính kiến với mình không.

Trước đây, bà May không trực tiếp đề cập đến ý định đàm phán một sự ra đi “êm ả” cho nước Anh cũng chính vì lý do bà sợ mất lòng phe ủng hộ “hard Brexit” của Đảng Bảo thủ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Nhiều người hoài nghi cáo buộc bà đứng về phía những người đã bỏ phiếu ở lại EU trong nội các, và tham gia vận động hành lang để nhận được sự ủng hộ. Điều này có thể giúp bảo vệ một chuỗi cung ứng phức tạp của nhiều công ty lớn nhất nước Anh.

"Tôi tự hào về cả David Davis và Boris Johnson vì họ quyết tâm giữ vững các nguyên tắc", nhà lập pháp bảo thủ Scotland Ross Thomson viết trên Twitter. “Những quyết định mà chúng ta thực hiện ngày hôm nay sẽ hình thành mối quan hệ của Anh với EU và phần còn lại của thế giới cho cả một thế hệ sau. Điều đó buộc chúng ta phải thận trọng với Brexit, không được nhượng bộ”.

Tân Bộ trưởng Brexit, ông Dominic Raab

Theo phát ngôn viên của Thủ tưởng Anh, bà không có ý định rút lại lập trường đàm phán của mình. Bà nói rằng sẽ tiếp tục tập trung vào việc xúc tiến quá trình Brexit

Chiều ngày thứ Hai (9/7), Thủ tướng Anh Theresa May đã chỉ định Dominic Raab là Tân Bộ trưởng Brexit, sau khi người tiền nhiệm xin từ chức nhằm phản đối bà May và chính sách đối ngoại của mình. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, Dominic Raab từng là Bộ trưởng phụ trách về nhà ở của Anh.

Xem thêm >> Nguy hiểm tăng khi giải cứu 5 thành viên còn lại của đội bóng nhí Thái Lan

Tin mới lên