Cơ cấu quản trị của Sabeco thay đổi thế nào sau khi về tay người Thái?

Hoàng Lan - 07/09/2018 20:38 (GMT+7)

(VNF) - Động thái của Sabeco trong việc thay đổi cơ cấu quản trị sau khi về tay người Thái chỉ nhấn mạnh sự chậm chạp của các công ty Việt Nam trong việc áp dụng những tiêu chuẩn quản trị quốc tế, Nikkei Asia nhận định.

VNF
Sabeco đã thành lập ủy ban kiểm toán độc lập

Công ty cổ phần Bia Rượu Nước Giải khát Sài Gòn, (Sabeco, HoSE: SAB) đã bầu ra thành viên độc lập trong Hội đồng Quản trị (HĐQT) và thành lập một ủy ban kiểm toán, trở thành doanh nghiệp nhà nước thứ hai được niêm yết của Việt Nam làm điều này, kể từ khi luật doanh nghiệp hiện hành có hiệu lực vào năm 2014.

Trước đó, vào năm 2017, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, (Vinamilk, HoSE: VNM) cũng đã bổ sung các thành viên hội đồng quản trị độc lập và thay thế ban kiểm soát (BKS) bằng một ủy ban kiểm toán.

Hai thành viên HĐQT độc lập mới đã gia nhập Sabeco. Một là ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Việt Nam. Ông Vỵ cũng từng đảm nhiệm vị trí Chánh văn phòng Bộ Công nghiệp trước đây và Bộ Công thương giai đoạn 2007-2011. Ông Vỵ có trình độ chuyên môn Thạc sỹ Luật học, chứng chỉ hành nghề Luật sư. Người còn lại là ông Pramoad Phornprapha, đại diện do ThaiBev hậu thuẫn.

Thành phần của ủy ban kiểm toán chưa được Sabeco công bố. Nhưng, theo điều lệ công ty, đa số phải là thành viên độc lập hoặc không tham gia điều hành. Ủy ban sẽ có từ ba thành viên trở lên, ít nhất một trong số họ phải là một chuyên gia về kế toán, tài chính hoặc kiểm toán, nhưng không có ai làm việc trong bộ phận kế toán và tài chính của Sabeco. Ủy ban kiểm toán được lãnh đạo bởi một thành viên hội đồng quản trị độc lập.

Sự thay đổi của Sabeco đối với mô hình quản lý mới đến sau khi nhà sản xuất bia hàng đầu của Việt Nam được mua lại bởi Thai Beverage. ThaiBev đã chi 4,8 tỷ USD để nắm giữ 53% cổ phần tại Sabeco.

Chủ tịch HĐQT Sabeco, ông Koh Poh Tiong, gần đây đã nói với các cổ đông rằng sự thay đổi về cơ cấu quản trị sẽ giúp Sabeco nâng cao năng lực quản trị và hướng tới một chiến lược tăng trưởng tốt hơn.

Sabeco và Vinamilk là hai doanh nghiệp có vốn nhà nước niêm yết hàng đầu của Việt Nam theo vốn hóa thị trường. Hiện,  chính phủ Việt Nam đang nắm giữ số cổ phần tương đương 36% vốn tại 2 doanh nghiệp này.

Cả hai đã áp dụng nguyên tắc quản trị mới theo Luật doanh nghiệp năm 2014, cho phép các công ty cổ phần lựa chọn hai hệ thống. Hệ thống thứ nhất sử dụng một HĐQT, một ban kiểm soát và một tổng giám đốc. Các công ty theo hệ thống thứ 2 có thể thành lập một HĐQT  và tổng giám đốc, với một ủy ban kiểm toán độc lập trực thuộc hội đồng quản trị.

Từ năm 2015, các công ty niêm yết Việt Nam đã dần thay thế ban kiểm soát bằng  một ủy ban kiểm toán độc lập và bổ sung thêm các thành viên độc lập vào ban giám đốc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý. Tiêu chuẩn nói trên được áp dụng rộng rãi ở Mỹ và Anh, góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng trưởng bền vững cho các công ty.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, ủy ban kiểm toán độc lập sẽ giúp giảm bớt sự lạm dụng quyền lực của các giám đốc và bảo vệ các quyền cũng như lợi ích của cổ đông.

Động thái của Sabeco trong việc thay đổi cơ cấu quản trị chỉ nhấn mạnh sự chậm chạp của công ty Việt Nam trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Đặc biệt là gần 700 công ty niêm yết trên 2 sàn chứng khoán.

Hiện tại, các công ty tư nhân lớn ở Việt Nam cũng đã thực hiện bổ nhiệm giám đốc độc lập và ủy ban kiểm toán, như CTCP địa ốc Nova (Novaland, HoSE: NVL), CTCP Cơ điện (HoSe: REE) và Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD). Nhưng, chừng đó là quá nhỏ so với 700 công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán  và hơn 770 công ty trên thị trường thứ cấp ở Việt Nam.

“Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do khung pháp lý không rõ ràng về chức năng, bổ nhiệm và trách nhiệm của kiểm toán viên nội bộ cũng như thiếu kiểm toán viên có tay nghề”, Nikkei Asia dẫn lời Giám đốc điều hành Smart Train Phạm Ngọc Hoàng Thanh.

Tại hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, cơ cấu quản trị bao gồm một hội đồng quản trị, và ban kiểm soát mà không có các thành viên độc lập. Nhưng mô hình này đã bị chỉ trích là tạo điều kiện cho những việc làm sai trái ở nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Ban kiểm soát từ lâu đã bị chỉ trích là tốn kém và không hiệu quả, vì các thành viên đều là nhân viên của công ty, những người thường không dám đứng lên phản đối khi HĐQT làm sai.

Theo Nikkei Asia
Cùng chuyên mục
Tin khác