Có gì ở Bàn Môn Điếm, nơi ông Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc?

Lê Anh - 26/04/2018 16:48 (GMT+7)

(VNF) – Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao lần đầu tiên tại Nhà Hòa bình trong khu vực Làng đình chiến biên giới Panmunjom (Bàn Môn Điếm) vào ngày mai (27/4). Ngôi làng này được xem là một trong những khu vực được canh phòng cẩn mật nhất thế giới.

VNF
Bàn Môn Điếm cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc, khoảng 60 km về phía tây bắc.

Nhà Hòa bình vốn là một địa điểm quen thuộc thường diễn ra các cuộc thảo luận liên Triều, nằm ở phía nam làng đình chiến, bên trong Khu Phi quân sự (DMZ) chia cách hai miền.

Bàn Môn Điếm cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc, khoảng 60 km về phía tây bắc. Đây là nơi Hiệp định Đình chiến được ký kết sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc.

Kể từ năm 1953 tới nay, Bàn Môn Điếm là địa điểm duy nhất tại vùng Phi quân sự mà binh lính Triều Tiên và Hàn Quốc đối mặt với nhau mỗi ngày qua Khu vực An ninh Chung (JSA), dải đất nhỏ thuộc Bàn Môn Điếm nằm dưới sự giám sát của Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc. Đây cũng là nơi các quan chức cấp cao của nước ngoài đến để tham gia các cuộc đàm phán lớn.

Bàn Môn Điếm nằm trên biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi nước có hai tòa nhà bên trong làng Bàn Môn Điếm, gồm một nhà hội nghị và tòa nhà còn lại dùng làm văn phòng liên lạc kết nối qua biên giới.

Cuộc sống ở Bàn Môn Điếm và các ngôi làng xung quanh đều rất bình thường. Tại đây có rất nhiều cửa hàng, trẻ em được đến trường và nông dân làm việc trên các cánh đồng, mặc dù căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn hiện hữu.

Mỗi năm có hàng nghìn du khách đến tham quan làng và đây là địa điểm du lịch duy nhất du khách được yêu cầu ký vào bản cam kết tự chịu trách nhiệm nếu "bị thương hoặc thiệt mạng do tác động trực tiếp từ hành động của kẻ thù".

Nhà Hòa bình, nơi lãnh đạo hai miều Triều Tiên có buổi gặp mặt thượng đỉnh cấp cao lần đầu tiên.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, du khách được cảnh báo trước để không nhìn thẳng vào mắt hoặc có bất cứ cử chỉ không phù hợp nào có thể khiêu khích binh sĩ Triều Tiên. Ngoài ra, họ cũng được yêu cầu ăn mặc trang nghiêm. Quần bò màu xanh, quần soóc hay bất cứ loại quần áo khiêu khích nào khác đều không được phép mặc.

Khu vực An ninh chung (JSA), nơi phần lớn thời gian, lính biên phòng hai bên đối mặt nhau qua biên giới.

Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh, Hàn Quốc đã cải tạo Nhà Hòa bình để đón tiếp phái đoàn Triều Tiên, tính đến cả việc nâng cấp hệ thống Internet cùng các chức năng khác.

Cơ sở này là một tòa nhà hội nghị gồm ba tầng, được xây dựng năm 1989 bên phía nam JSA. Tòa nhà tương ứng ở phía Triều Tiên là Tongilgak, xây năm 1985, được dùng làm địa điểm tổ chức các cuộc đối thoại liên Triều.

Hàn Quốc đã tu sửa Nhà Hòa bình để phục vụ cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên.

Hình ảnh phòng họp mới được tân trang cho thượng đỉnh liên Triều.

Theo Chánh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đi bộ qua biên giới liên Triều để tới Nhà Hòa bình, nơi diễn ra hội nghị nằm trên lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy, ông Kim sẽ trở thành lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953.

Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại làng Bàn Môn Điếm. Hai cuộc gặp trước đây vào năm 2000 và 2007 diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.

Một số hình ảnh của Làng đình chiến Bàn Môn Điếm:

Báo cáo nội dung của các cuộc gặp mặt được đặt trong một hộp thư đề chữ KPA (viết tắt của Quân đội Nhân dân Triều Tiên) trong phòng họp.

Người dân được thuê quét dọn và chăm sóc bãi cỏ tại Bàn Môn Điếm.

Cây cầu Không trở lại, nơi tù binh chiến tranh được phép chọn đi về phía Bắc hoặc phía Nam sau khi thỏa thuận 1953 được ký kết.

Khách du lịch có thể đến Bàn Môn Điếm bằng tàu hỏa, với điểm đến là ga Dorasan.

Du khách được phép vào trong các phòng họp dọc biên giới hai nước dưới sự canh gác nghiêm ngặt của binh lính.

Khách du lịch hào hứng khi được tới thăm Bàn Môn Điếm.

Quà lưu niệm được bày bán cho khách du lịch.

Thông điệp thể hiện mong ước hòa bình và thống nhất trên hàng rào tại khu vực DMZ.

>> Vụ cựu điệp viên Nga: Nhà sáng chế chất độc Novichok bất ngờ bị tai nạn xe hơi

Theo Businessinsider
Cùng chuyên mục
Tin khác