'Cơ hội chưa từng có' của Việt Nam trong mắt ông Nguyễn Duy Hưng và Trương Gia Bình
(VNF) - Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài sản số trong khu vực; còn Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Việt Nam tự tin Việt Nam sở hữu lực lượng nhân lực công nghệ mà nhiều nước ước mơ.
'Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài sản số khu vực'
Chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán SSI lấy dẫn chứng từ Forbes cho hay, người Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm tài sản số, đồng thời cho biết, các sàn giao dịch lớn nhất trên thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một trong bốn thị trường sôi động nhất về giao dịch tài sản số.
“Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có được khung pháp lý rõ ràng, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể yên tâm, tạo điều kiện phát triển, đồng thời tránh nhóm xấu lừa đảo trên không gian mạng”, Chủ tịch SSI đặt vấn đề.
Theo ông Hưng, trong khi những tài sản hữu hình có biên giới, có hải quan để ngăn chặn mang ra nước ngoài, tài sản số - vốn không có biên giới - có thể bị mang sang bất cứ quốc gia nào, nếu Việt Nam không có cơ sở pháp lý để giữ gìn, phát triển và tồn tại trong quốc gia. Theo đó, các doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam sẽ không phải bay sang những nước phát triển như Singapore, Mỹ để mở doanh nghiệp, rồi lại quay về Việt Nam.
“Những doanh nghiệp này có thể tuyển người và đặt nơi sản xuất ở chính Việt Nam, nhưng lại không phải doanh nghiệp Việt Nam. Tài sản của họ lại không phải tài sản của Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh thực trạng.
Ông Hưng khẳng định, cơ sở pháp lý là điều cần thiết để những người hiện đang đầu tư vào tài sản ảo số, tài sản công nghệ yên tâm rằng tất cả những tài sản đó được pháp luật thừa nhận và được công khai đóng thuế. Chỉ có như vậy thì các loại tiền tiền và tài sản đó mới là tài sản “sạch”, hợp pháp ở bất cứ quốc gia nào.
“Chúng ta cần khung pháp lý minh bạch để những người phát triển và những nhà đầu tư được bảo vệ, được minh bạch, không ai có thể lừa được ai, không ai có thể trục lợi qua các chiêu trò trên thị trường”, ông Hưng nói.
Nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc phát triển các khối doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, ông Hưng tin rằng, với các điều kiện thuận lợi như tỷ trọng nhóm dân số trẻ cao, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới, khi có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực.
“Nếu hôm nay không có người đốt lửa thì ngày sau sẽ không có đám cháy. Nếu cơ hội về tài sản số lần này mà chúng ta bỏ lỡ thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có cơ hội lần nữa để cùng nhau phát triển lên một tầm cao mới”, ông Hưng trăn trở.
‘Nhiều công ty sẽ chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai của mình’
Trong khi đó, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FPT đã có phần cho rằng, thế giới đang bước vào giai đoạn lịch sử với những “biến đổi chưa từng thấy”. Chưa bao giờ thế giới trở nên bất ổn, khó đoán lường đến thế và rằng “một thế giới mới đang dần hiện lên”.
“Trong bối cảnh đó, chúng ta phải ứng xử với tương lai như thế nào? Người lao động có thể đối mặt với tương lai như thế nào khi 75% công việc mà chúng ta đang làm có thể biến mất vì AI thay thế vào năm 2030. Làm thế nào để chúng ta có sức chống đỡ? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh và sống sót qua các bão tố địa chính trị?”, ông Bình đặt vấn đề.
Tuy nhiên, Chủ tịch FPT nhìn nhận, không chỉ có những thách thức, Việt Nam cũng đang đứng trước những “cơ hội chưa từng có” và khẳng định, Việt Nam có vị thế và đang toả sáng trên bản đồ công nghệ thế giới.
Nhắc lại lời của nhà sáng lập Infosys Technologies về việc thế giới chỉ có hai quốc gia sở hữu công ty xuất khẩu phần mềm vượt 1 tỷ USD, ông Trương Gia Bình khẳng định, Việt Nam có lực lượng nhân lực công nghệ mà nhiều nước mơ không có được.
“Không phải ngẫu nhiên Jensen Huang chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai của Nvidia vào thời điểm này. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi trước đây rằng tại sao Microsoft không chọn Việt Nam. Đó là vì thời hoàng kim của họ, Việt Nam chưa có nhiều dấu ấn. Tôi tin rằng, vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, không chỉ Nvidia, nhiều công ty khác sẽ chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình”, ông Bình c ho hay.
Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, trong kỳ nguyên mới, từ khoá quan trọng và trung tâm là “data” (dữ liệu). Mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu. Đây là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và toàn thế giới, là yếu tố quyết định thứ hạng và sức mạnh của một quốc gia trên trường quốc tế.
“Dữ liệu đang trở thành nhiên liệu quan trọng trong mọi nền kinh tế. Trật tự thế giới mới được thiết lập trên cơ sở quốc gia nào nắm và quản lý dữ liệu tốt hơn. Vậy làm thế nào để có đủ dữ liệu, để dữ liệu sạch và dùng được hay việc sở hữu, nhượng quyền ra sao, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ kỹ”, ông Bình nêu quan điểm.
Hơn 120 tỷ USD tài sản số chưa được công nhận: Kỳ lân công nghệ rời bỏ Việt Nam
- Đầu tư tài sản số: Năm rủi ro cần lưu ý 21/05/2024 06:30
- Ứng xử với tài sản số: Không thể lẩn tránh mãi 20/05/2024 06:30
- Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: 'Cần đề xuất để tài sản số được luật pháp chấp thuận' 28/03/2024 03:27
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.