Cổ phần hóa PVOil: Ai sẽ trở thành cổ đông chiến lược?

Thanh Long - 10/01/2018 09:11 (GMT+7)

(VNF) – Idemitsu và Kuwait Petroleum đang là 2 ứng viên tiềm năng có thể trở thành cổ đông chiến lược của PVOil khi cùng sở hữu lượng lớn cổ phần tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và đều hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu.

VNF
Idemitsu Kosan Co., Ltd và Kuwait Petroleum Europe B.V. (KPE) là 2 ứng viên tiềm năng nhất có thể trở thành cổ đông chiến lược của PVOil

2 ứng viên chiến lược

Theo báo cáo IPO Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Idemitsu Kosan Co., Ltd và Kuwait Petroleum Europe B.V. (KPE) là 2 tập đoàn có khả năng sẽ trở thành cổ đông chiến lược của PVOil.

Được biết, PVOil sẽ bán tới 44,72% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo VCSC, các tập đoàn có thể trở thành nhà đầu tư chiến lược của PVOil có thể được chia làm hai nhóm theo hoạt động kinh doanh: (1) tham gia vào cả lĩnh vực lọc dầu và phân phối xăng dầu như Idemitsu và KPE; và (2) thuần túy phân phối xăng dầu.

Theo cam kết của Việt Nam với WTO, "dầu thô và các sản phẩm dầu thành phẩm" là 1 trong 7 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà Việt Nam không cam kết phải mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, theo cam kết bảo lãnh (GGU) giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài của Nghi Sơn, chỉ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các nhà máy lọc dầu của Việt Nam được phép tham gia vào hoạt động phân phối xăng dầu trong nước.

Hiện có ba tập đoàn nước ngoài đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chiến lược của PVOil là Idemitsu Kosan Co., Ltd (Nhật Bản), Kuwait Petroleum Europe B.V. (Kuwait) và Mitsui Chemicals (Nhật Bản).

"Trong số ba tập đoàn này, Mitsui Chemicals dường như không quan tâm đến PVOil vì không có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối xăng dầu và chỉ nắm 4,7% cổ phần tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn", VCSC đánh giá.

Trong khi đó, VCSC cho rằng cả Idemitsu và KPE đều mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của PVOil vì hệ thống các trạm xăng trên cả nước của PVOil có thể là kênh phân phối lý tưởng cho các sản phẩm của nhà máy Nghi Sơn.

Về Idemitsu Kosan Co., Ltd (Nhật Bản), tập đoàn này hiện sở hữu 35,1% cổ phần tại Nghi Sơn. Idemitsu Kosan Co., Ltd là một tập đoàn xăng dầu uy tín của Nhật Bản với quá trình hình thành và phát triển trên 100 năm. Idemitsu hoạt động từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng xăng dầu, từ thăm dò, nhập khẩu, lọc dầu, và phân phối xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu và các sản phẩm liên quan. Idemitsu là tập đoàn xăng dầu lớn thứ hai Nhật Bản, chỉ sau JX Nippon Oil (nhà đầu tư chiến lược của Petrolimex).

Idemitsu cho biết có thị phần từ 15,4% đến 31,3% đối với các sản phẩm xăng dầu tại Nhật Bản với khoảng 3.600 trạm xăng khắp nước này.

Về Kuwait Petroleum Europe B.V. (Kuwait), cổ phần mà tập đoàn này sở hữu tại Nghi Sơn là 35,1%. Kuwait Petroleum Europe B.V. (KPE) là công ty con quốc tế của Kuwait Petroleum Corporation (KPC, hay còn gọi là Q8) - tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị và kinh doanh, nghiên cứu, lọc dầu và sản xuất các sản phẩm xăng dầu, chủ yếu tại Châu Âu và Châu Á.

KPC có tổng cộng 4.700 trạm xăng dịch vụ, trong đó có 4.000 trạm tại Châu Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, và Italia).

Ngoài ra, KPC còn tham gia vào hoạt động trực tiếp cung cấp nhiên liệu cho nhà máy công nghiệp và nhiên liệu đôt cho các hộ gia đình. KPC còn tham gia mạnh vào lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu hàng không với hơn 40 sân bay trên toàn thế giới và lĩnh vực dầu nhờn với 5 nhà máy pha chế dầu nhờn, kinh doanh trực tiếp và tiếp thị khắp Châu Âu và xuất khẩu sang 75 nước trên toàn thế giới.

Tháng 9/2016, liên doanh giữa Kuwait Petroleum và Idemitsu Kosan (liên doanh Idemitsu Q8) được Chính phủ cấp phép nhập khẩu, bán buôn, và bán lẻ nhiên liệu thành phẩm trên thị trường trong nước, một điều chưa hề có tiền lệ đối với một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Idemitsu Q8 Ltd đã mở trạm xăng đầu tiên tại Hà Nội tháng 10/2017 và dự kiến sẽ mở thêm 10 trạm nữa tại thành phố này trong các năm 2017-2018.

Liên doanh giữa Kuwait Petroleum và Idemitsu Kosan (Idemitsu Q8) từng gây xôn xao dư luận Việt Nam bởi thái độ phục vụ "kiểu Nhật"

Cổ đông chiến lược đối mặt điều gì?

Về thuận lợi, PVOil hiện sở hữu mạng lưới phân phối gồm gần 540 trạm xăng do công ty quản lý và vận hành (COCO) và 3.000 trạm xăng do đại lý sở hữu và vận hành (DODO) trên cả nước là lợi thế tuyệt đối mà nhà đầu tư không thể lập tức có được ngay cả khi có tiềm lực tài chính dồi dào nếu không trở thành đối tác chiến lược của PVOil.

Thêm vào đó, PVOil chỉ có thị phần 22% nên vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lớn thông qua M&A.

Thứ ba, PVOil có thương hiệu uy tín, quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, đã hiện diện trên thị trường nhiều năm, đặc biệt là miền Bắc, miền Trung, và Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, kế hoạch giảm cổ phần nhà nước xuống 35,1% sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư chiến lược tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của công ty và quá trình đưa ra quyết định.

Về thách thức, nhà đầu tư chiến lược cho phép PVOil mua lại xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn trong ít nhất 10 năm sau khi cổ phần hóa theo thị phần của hai nhà máy này tại Việt Nam. VCSC nhận định, điều này có thể ảnh hưởng đến việc quản lý đầu vào của PVOil và khiến công ty kém linh hoạt trong việc quản lý đầu vào khi giá xăng dầu diễn biến kém khả quan.

Hoạt động của ban lãnh đạo cũng như việc sử dụng tài nguyên hiện chưa hiệu quả cũng là một điểm đáng lưu tâm đối với các nhà đầu tư chiến lược của PVOil.

Cùng chuyên mục
Tin khác