Cổ phiếu Evergrande giảm 14%, toàn bộ hệ thống tài chính Trung Quốc đối mặt với 'ác mộng'

Hạnh Chi - 20/09/2021 18:34 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ trong 1 ngày, chỉ số Hang Seng có lúc giảm hơn 1.000 điểm khi các nhà đầu tư liên tục bán tháo vì lo ngại "quả bom" Evergrande sẽ phát nổ.

VNF
Cổ phiếu Evergrande giảm 14% kéo theo chỉ số Han Sheng tụt gần 1000 điểm.

Theo CNBC, từ đầu phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Evergrande đã giảm tới 14% tại Hồng Kông. Điều này còn khiến chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông giảm gần 4%.

Cụ thể, trong phiên giao dịch buổi sáng, Hang Seng Index giảm 960 điểm xuống còn 23.964 điểm. Tới đầu phiên giao dịch buổi chiều, Hang Seng Index tiếp tục giảm xuống còn 23.582 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu của China Evergrande Group tiếp tục giảm mạnh lên tới gần 15%.

Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande lúc này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư cá nhân, mà toàn bộ thị trường bất động sản cũng như hệ thống tài chính Trung Quốc bị chao đảo.

Được biết, tập đoàn này hiện đang sở hữu 1.300 dự án bất động sản tại 280 thành phố tại Trung Quốc. Ngoài ra, công ty này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ô tô điện, dịch vụ y tế, tiêu dùng và lĩnh vực liên quan tới giải trí, truyền hình. Doanh nghiệp này mô tả có 200.000 nhân viên và tạo ra 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Chính bởi múc độ bao phủ lớn của mình, việc Evergrande sụp đổ sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn.

Nhà phân tích Jenny Zeng, trưởng bộ phận trái phiếu thị trường châu Á của AllianceBernstein lên tiếng cảnh báo về “hiệu ứng domino” trong ngành bất động sản. Bà cho biết những công ty bất động sản đang trong tình trạng thanh khoản căng thẳng của Trung Quốc cũng có thể bị đẩy tới bờ vực sụp đổ vì cuộc khủng hoảng mang tên Evergrande.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế còn so sánh sự sụp đổ của Evergrande với vụ đổ vỡ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Tuy nhiên, theo bà Jenny Zeng, những rủi ro mà Evergrande gây ra có thể kiểm soát được, nguyên nhân là do thị trường bất động sản Trung Quốc còn khá phân tán. Bà Zeng cho biết: "Cho dù Evergrande có quy mô khổng lồ, công ty này chỉ chiếm khoảng 4%, thậm chí hiện còn ít hơn, tổng doanh số hàng năm của thị trường. Nợ của Evergrande, đặc biệt là nợ trong nước, đều có tài sản đảm bảo".

Được biết, các ngân hàng và các tổ chức tài chính đã cung cấp cho Evergrande khoản vay trị giá 572 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 88,8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì các nhà cung cấp của Evergrande, những người đang bị nợ 667 tỷ Nhân dân tệ (103 tỷ USD) tiền hàng hóa và dịch vụ, có thể cũng vay ngân hàng.

Xem thêm >> Khủng hoảng vì 'bom nợ' Evergrande, Trung Quốc 'bơm' 14 tỷ USD vào hệ thống tài chính

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác