Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/3): PC1, SSI và CTG

Tân Mai - 10/03/2022 07:19 (GMT+7)

(VNF) - Trong điều kiện giá Niken tăng phi mã như hiện nay, MASVN kỳ vọng mỏ Niken - Đồng của PC1 tại tỉnh Cao Bằng sẽ là nhân tố mang lại đột phá về lợi nhuận thời gian tới.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/3): PC1, SSI và CTG

MASVN: Khuyến nghị mua PC1 với giá mục tiêu 53.700 đồng/cổ phiếu

Tập đoàn PC1 (PCC1, HoSE: PC1) là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện, nằm trong tốp 5 khu vực Đông Nam Á trong mảng tổng thầu EPC dự án lưới điện, năng lượng tái tạo. PC1 có 1 đơn vị trực thuộc, 21 công ty con và 2 công ty liên kết. Doanh nghiệp được đánh giá là có năng lực thực hiện cùng lúc nhiều dự án lớn khắp Việt Nam.

Nhìn lại năm 2021, PC1 ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 9.813 tỷ và 691 tỷ đồng, lần lượt tăng 47% và 35% so với năm 2020. Trong đó, hoạt động xây lắp đạt 6.714 tỷ đồng doanh thu, tăng 119% cùng kỳ; doanh thu bán điện đạt 928 tỷ đồng, tăng 24% cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp ở mức 11,7%, giảm mạnh so với 17,4% cùng kỳ chủ yếu do mảng xây lắp biên lợi nhuận thấp.

Đáng chú ý, doanh nghiệp có khoản doanh thu tài chính đột biến 262 tỷ đồng từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Khoáng sản Tấn Phát, ghi nhận trong quý II/2021. Cụ thể, trước đó PC1 đã mua lại 57,27% cổ phần đơn vị này và hợp nhất trong báo cáo tài chính hợp nhất cuối năm.

Lưu ý rằng, Khoáng sản Tấn Phát là chủ sở hữu mỏ Niken - Đồng tại khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, tỉnh Cao Bằng. Theo thống kê, tổng trữ lượng của mỏ này khoảng hơn 52.000 tấn kim loại Niken. Trong bối cảnh giá Niken thế giới tăng phi mã như hiện nay, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) kỳ vọng Khoáng sản Tấn Phát sẽ là nhân tố tạo đột biến tích cực cho PC1.

Trước đây, PC1 đầu tư 3 dự án điện gió (Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên) tại Quảng Trị, công suất mỗi dự án là 48 MW với tỷ lệ sở hữu mỗi dự án ở mức 55%. Cả 3 dự án đã kịp thời đóng điện và hòa vào lưới điện trước thời hạn 31/10/2021 để hưởng cơ chế giá điện hỗ trợ ở mức 8,5 cent/kWh. Điều này kỳ vọng sẽ giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho năm 2022 từ mảng điện.

Bên cạnh đó, hồi tháng 11/2021, hội đồng quản trị PC1 đã thông qua việc góp vốn 119 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Thiết bị Thương mại (PC1 sở hữu 98,74%). MASVN kỳ vọng trong tương lai PC1 sẽ công bố thêm các dự án từ quỹ đất 1,5 ha tại quận Thanh Xuân, Hà Nội của công ty con này.

Năm 2022, MASVN dự báo doanh thu và lãi ròng thuộc công ty mẹ của PC1 đạt 9.912 tỷ và 921 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 33% so với năm ngoái. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,7% lên mức 18,1% nhờ giá Niken đột phá và mảng bất động sản; bất động sản kỳ vọng có thể đóng góp gần 1.000 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án Bắc Từ Liêm; doanh thu tài chính ở mức 68 tỷ đồng, giảm mạnh 79%.

EPS dự phóng 2022 ước đạt 3.916 đồng, tương ứng P/E 11,2 lần. MASVN hiện khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 53.700 đồng/cổ phiếu, triển vọng tăng giá gần 19%.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu SSI

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Công ty Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) đạt 50.359 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt 13.887 tỷ đồng, nằm trong tốp đầu ngành chứng khoán. Ngày 10/1/2022, đại hội cổ đông SSI cũng đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên gần 15.000 tỷ đồng.

Năm 2021, SSI ghi nhận tổng doanh thu 7.772,6 tỷ đồng, lợi nhuận riêng trước thuế đạt 3.326,8 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 71,7% và 112,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 đạt 3.365 tỷ đồng, cao kỷ lục trong 21 năm hoạt động.

Chi tiết hơn, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 1.362,9 tỷ đồng trong quý IV, tăng trưởng 1,82 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng trong quý, số lượng tài khoản mở mới tại SSI tăng 53% so với quý trước và tăng 379% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dư nợ ký quỹ cuối quý IV tiếp tục tăng mạnh lên mức 22.700 tỷ đồng, tăng 4.600 tỷ đồng so với quý III và dẫn đầu toàn thị trường. Doanh thu từ dịch vụ cho vay và phải thu đạt 555,6 tỷ, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu từ Nguồn vốn và Kinh doanh Tài chính quý IV/2021 đạt 220 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với quý IV/2020. Hoạt động đầu tư ghi nhận 1.070 tỷ đồng doanh thu trong quý, chiếm 40% tổng doanh thu và tăng trưởng 94,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến trên thị trường, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), mức stock rating của SSI đang đạt mức 80 điểm, cho thấy mức đánh giá xếp hạng tăng trưởng là tích cực.

Đồ thị giá của SSI giao dịch gần đường trung bình 50 phiên với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của SSI giao dịch quanh đường trung bình 50 phiên và có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có khả năng vượt đường trung bình 50 phiên.

Ngoài ra, đồ thị giá đang hình thành mô hình đảo chiều tăng giá bullish bat và bước vào giai đoạn sóng tăng 3 với mục tiêu lần lượt là 53.000 đồng và 55.280 đồng/cổ phiếu.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của Yuanta đã cảnh báo mua vào phiên 7/3 với lợi nhuận tạm tính là 0,86%. Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục mua và nắm giữ.

ACBS: Khuyến nghị mua dành cho CTG

Năm 2021, lợi nhuận trước dự phòng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) tăng trưởng mạnh nhưng trích lập dự phòng ở mức cao khiến lợi nhuận trước thuế đi ngang.

Cụ thể, lợi nhuận trước dự phòng đạt 35.970 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2020. Trong năm, biên lãi ròng (NIM) tăng 16 điểm cơ bản nhờ lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và CASA cải thiện 0,5 điểm phần trăm lên 20,1%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tốt ở tất cả các mảng kinh doanh , trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng lần lượt 17,6% và 16,7% so với năm trước và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt , CIR giảm xuống còn 32,3% so với 35,5% của năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 chỉ tăng nhẹ 3%, đạt 17.589 tỷ đồng, do tác động của Covid-19, khiến nền kinh tế bị phong tỏa chặt; nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều gia tăng khiến CTG phải trích lập dự phòng ở mức cao.

Lưu ý rằng, khoản thu nhập từ phí trả trước trong hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife chưa được hạch toán trong năm 2021.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho CTG trong năm 2022, do đó dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 25.257 tỷ đồng, tăng trưởng 43,6% cùng kỳ.

ACBS giả định, nền kinh tế hồi phục kể từ quý IV/2021 sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của CTG và giảm áp lực trích lập dự phòng. Cùng với đó, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do thanh khoản hệ thống không còn dồi dào, tuy nhiên, thu nhập lãi thuần của CTG sẽ không gặp áp lực do quy mô các gói ưu đãi lãi vay giảm bớt so với năm 2021, trong khi nhu cầu tin dụng ở mức cao và CASA tiếp tục được cải thiện.

Dự kiến quý I/2022, thu nhập từ phí trả trước trong hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife có thể sẽ được hạch toán.

ACBS vừa lặp lại khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG với giá mục tiêu 1 năm là 40.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư. Giả mục tiêu của ACBS tương đương với P/E và P/B dự phóng 2022 là 11,5 lần và 1,84 lần, thấp hơn so với P/E và P/B ngành ngân hàng là 14,3 lần và 2,43 lần, do CTG có tốc độ tăng trưởng và ROE thấp hơn so với ngành.

Cùng chuyên mục
Tin khác