Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/1): VGC, BID và KBC

(VNF) - Sau năm 2021 ước lãi kỷ lục, sang năm 2022, Yuanta dự báo VGC tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ dòng vốn FDI "chảy" về Việt Nam tăng mạnh và dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Với thế mạnh sở hữu gần 1.000ha đất khu công nghiệp chưa kinh doanh và triển vọng giá thuê đất tăng trên cả nước, mảng khu công nghiệp sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của VGC năm nay.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/1): VGC, BID và KBC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/1): VGC, BID và KCB

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho VGC

Tổng công ty Viglacera - CTCP (HoSE: VGC) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2021, trong đó lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước và vượt 46% kế hoạch năm. 

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước và vượt 20% kế hoạch đặt ra.

Theo VGC, đây là lần đầu doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập. Năm 2021, mảng kính xây dựng của VGC vẫn đạt kết quả tích cực nhờ giảm cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu trong khi chi phí vận tải tăng mạnh và các sản phẩm đất nung ghi nhận doanh thu giảm do không còn được ưa chuộng.

Mảng khu công nghiệp cũng đạt kết quả tích cực, một trong các khách hàng lớn của VGC là Amkor - tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất vật liệu bán dẫn đã đầu tư dự án 1,6 tỷ USD tại khu công nghiệp Yên Phong II-C tỉnh Bắc Ninh.

Năm 2022, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo VGC sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát và dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong đó, mảng khu công nghiệp sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng chính của VGC khi doanh nghiệp sở hữu quỹ đất gần 1.000ha đất khu công nghiệp chưa được kinh doanh.

Triển vọng tăng trưởng có thể khả quan hơn khi giá thuê đất khu công nghiệp trên cả nước vẫn đang trong xu hướng tăng và VGC có thể gia tăng thêm quỹ đất công nghiệp trong năm 2022. Yuanta dự báo lợi nhuận trước thuế của VGC sẽ đạt 1.640 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 4% so với năm trước đó.

Trên thị trường, ở mức giá hiện tại, VGC đang được giao dịch tại P/E dự phóng là 24 lần. Mức stock rating của VGC ở mức 84 điểm cho thấy đánh giá mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực và đồ thị giá của VGC đóng cửa tăng 4% và tiến về gần mức đỉnh ngắn hạn.

Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của VGC cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

MBS: Khuyến nghị mua BID với giá mục tiêu 44.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm 2020 với động lực chính từ việc giảm chi phí huy động vốn khiến biên lãi ròng (NIM) cải thiện; ngoài ra, thu nhập ngoài lãi cũng tăng khoảng 20%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2021 của ngân hàng đạt gần 8.600 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ.

Chất lượng tài sản của ngân hàng cho thấy tín hiệu tốt hơn, tỷ lệ nợ xấu cuối quý III/2021 giảm nhẹ so với quý liền kề, xuống còn 1,61%; tỷ lệ nợ nhóm 2 chỉ còn 1,1%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với cuối năm 2020 trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng dư nợ đạt 0,73%, tăng 0,03 điểm phần trăm. Nhờ xóa bỏ hơn 12.200 tỷ đồng nợ xấu và trích lập dự phòng thêm khoảng 23.000 tỷ đồng, dư nợ vay tái cơ cấu tăng gần gấp đôi trong quý III/2021.

Bên cạnh đó, NIM của BID duy trì ở mức ổn định nhờ giảm chi phí vốn cũng như đẩy mạnh cho vay bán lẻ. So với cùng kỳ, chi phí vốn đã giảm hơn 1%, mức giảm cao so với trung bình ngành.

Điểm sáng nữa là trong quý III/2021, BID đã phát hành thêm hơn 7.400 tỷ đồng trái phiếu cấp 2 để nâng vốn, lượng trái phiếu cấp 2 phát hành mới này cao hơn 19,5% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, BID cũng đã chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu vào 24/12/2021, với lượng cổ phiếu phát hành thêm lên tới gần 10.400 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 50.500 tỷ đồng.

Trước khi phát hành, vốn điều lệ của BID đang đứng thứ 3 toàn ngành ở mức hơn 40.000 tỷ đồng, sau CTG (hơn 48.000 tỷ đồng) và VCB (gần 44.500 tỷ đồng). Đợt tăng vốn này dự kiến sẽ hỗ trợ rất lớn cho đà tăng trưởng của ngân hàng cũng như đáp ứng biên độ an toàn vốn tốt hơn trong thời gian tới.

Nguồn vốn tăng thêm được tin rằng sẽ giúp BID quản trị rủi ro cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc sau này.

Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BID hiện đã được cải thiện đáng kể nhờ động thái quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu của ngân hàng. Chi phí dự phòng được dự báo trong các quý sau có khả năng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của BID, đặc biệt khi dư nợ tái cơ cấu đã tăng mạnh trong quý III/2021.

Hiện MBS khuyến nghị mua dành cho BID với giá mục tiêu sau 12 tháng là 44.400 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp kết hợp R/I và P/B, tương ứng triển vọng tăng giá 14,2%.

VNDirect: Khuyến nghị khả quan đối với KBC

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) dự kiến chuyển nhượng 50ha đất thương phẩm mỗi năm tại dự án khu đô thị (KĐT) Tràng Cát, thay vì tự phát triển để bán lẻ kết hợp bán buôn như kế hoạch trước đó.

VNDirect đánh giá cao kế hoạch này sẽ mang lại dòng tiền cho KBC nhanh hơn và khả thi về mặt pháp lý hơn, do dự án gần như đã có thể chuyển nhượng sau khi hoàn tất việc san lấp. Ban lãnh đạo chia sẻ đã nhận được giấy phép san lấp trong quý IV/2021, dự kiến tiến hành san lấp từ đầu 2022 và kỳ vọng ghi nhận 10.000 - 12.000 tỷ đồng doanh thu từ dự án này trong năm 2022.

Bên cạnh đó, KBC đã được chấp thuận đầu tư tại ba cụm công nghiệp (CCN) quy mô 225ha ở Hưng Yên từ những tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, ba khu công nghiệp (KCN) mới KBC đề xuất đầu tư tại Hải Dương (1.291ha) cũng đã được thêm vào quy hoạch tổng thể, sau hơn 3 năm chờ đợi.

VNDirect kỳ vọng những dự án này sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận ròng trong dài hạn của KBC. Bên cạnh đó, KBC cho biết dự kiến sẽ kí MOU cho thuê 115ha tại KCN Tràng Duệ 3 vào đầu 2022 với giá trị hơn 150 triệu USD (trong đó LG Display Vietnam dự kiến thuê 80ha), giá thuê khoảng 130 - 140 USD/m2/kỳ thuê. KBC đã bắt đầu thu gom 100 - 200ha diện tích đất đầu tiên tại dự án này từ quý IV/2021 và kỳ vọng có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý trong 2022.

Với các động lực trên, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng năm 2022-2023 của KBC ở kịch bản cơ sở sẽ tăng 591% và 17% so với cùng kỳ, đạt trên 7.320 tỷ đồng và 8.558 tỷ đồng nhằm phản ánh 6 dự án KCN/CCN mới được bổ sung trong tháng 12/2021 có thể đi vào hoạt động trong 2022 - 2024 và kế hoạch bán buôn mới tại dự án KĐT Tràng Cát.

VNDirect ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2022 tăng 8,1% lên 63,8% và duy trì ở mức cao 65,4% trong 2023 nhờ đóng góp của KĐT Tràng Cát có biên lãi cao.

Trên thị trường cổ phiếu, VNDirect nâng khuyến nghị từ trung lập lên khả quan đối với KBC, giá mục tiêu cũng điều chỉnh tăng hơn lên mức 81.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 38% so với thị giá hiện tại. Tiềm năng tăng giá còn phụ thuộc vào khả năng KBC tiếp tục mở khóa các dự án mới tại Hưng Yên, Long An, Hải Dương và Bắc Giang.

Ngược lại, rủi ro đối với khuyến nghị bao gồm việc doanh nghiệp bán hàng thấp hơn dự kiến; tiến độ pháp lý tại các dự án mới chậm trễ và trì hoãn ghi nhận doanh thu tại các dự án KĐT.

Cập nhật kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2021, chủ yếu nhờ giai đoạn bán niên khởi sắc, KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.076 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,3 lần và 7,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin mới lên