Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/12): VCG, PVT và GMD

Tân Mai - 14/12/2021 07:41 (GMT+7)

(VNF) - Với các động lực tăng trưởng dài hạn tới từ việc sở hữu quỹ đất lớn tại nhiều vị trí thuận lợi; chính sách tăng tốc đầu tư công của Chính phủ; tiềm lực vững mạnh cho chiến lược phát triển lâu dài... MASVN đưa ra mức giá mục tiêu 57.500 đồng/cổ phiếu dành cho VCG, tương ứng kỳ vọng tăng 24% so với thị giá hiện nay.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/12): VCG, PVT và GMD

MASVN: Khuyến nghị mua dành cho VCG

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) là tập đoàn đa ngành với 23 công ty con, 22 công ty liên kết tại nhiều lĩnh vực, bao gồm đầu tư kinh doanh bất động sản, xây lắp công trình, tư vấn - thiết kế, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu.

Trong năm 2021, kể từ quý II, VCG tăng nhanh nợ vay khi lượng nợ vay trái phiếu ở mức 5.340 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 8,5% - 10,5%/năm (có thế chấp tài sản để tài trợ cho các dự án lớn đang triển khai).

Kết quả kinh doanh cũng khá ảm đạm, với doanh thu 9 tháng đạt 3.610 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 272 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,5% và 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, mảng xây dựng doanh thu tương đương cùng kỳ; doanh thu sản xuất công nghiệp tăng 10% cùng kỳ; ngược chiều, mảng kinh doanh bất động sản cùng cho thuê dịch vụ khác lần lượt giảm 19,3% và 28% do ảnh hưởng mùa dịch.

VCG đang sở hữu quỹ đất gần 2.000 ha và mục tiêu gia tăng quỹ đất lên 5.000 ha vào năm 2025. Doanh nghiệp đã và đang thực hiện một số dự án tiêu biểu, chẳng hạn như một số gói thầu xây dựng mới Quốc lộ 45 – Nghi Sơn; gói thầu XL-03 và XL-05; cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II; nhà ga hàng khách T2 – cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

VCG còn là chủ đầu tư dự án khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà - Cát Bà Amatina, Hải Phòng có quy mô 172ha, tổng mức đầu tư 600 triệu USD. Trong năm nay, 2.200 tỷ đồng trái phiếu đã được VCG huy động để hỗ trợ riêng dự án này. Đây cũng là một trong những dự án quan trọng của VCG trong những năm tới.

Ngoài ra là dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội) với quy mô 11.727m2, 30 tầng nổi và 3 tầng hầm; tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại Láng Hạ (Hà Nội) đã đem về doanh thu cho VCG từ năm 2021.

Năm 2021, MASVN dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 5.620 tỷ đồng và 338 tỷ đồng, tăng 1,2% và giảm 79% so với năm 2020. Năm 2022, dự phóng doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 10.121 tỷ đồng và 723 tỷ đồng, tăng 80% và 114% cùng kỳ.

MASVN giả định, năm 2022, mảng xây lắp đạt 5.990 tỷ đồng doanh thu, tăng 85,4% nhờ sự tăng tốc tại nhiều dự án đầu tư công; mảng bất động sản đạt 1.750 tỷ đồng, có đóng góp lớn từ dự án Green Diamond; chi phí lãi vay lên đến 958 tỷ đồng, tăng 119% cùng kỳ chủ yếu từ lãi vay nguồn trái phiếu mới phát hành năm 2021.

Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của VCG tới từ quỹ đất lớn tại nhiều vị trí thuận lợi; chính sách tăng tốc đầu tư công của Chính phủ trong những năm tới; tiềm lực mạnh cho chiến lược dài hạn. MASVN đang khuyến nghị mua dành cho VCG với giá mục tiêu 57.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng kỳ vọng tăng 24% so với thị giá hiện nay.

KBSV: Khuyến nghị mua PVT, giá mục tiêu 27.500 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu đạt 1.680 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 153 tỷ đồng, giảm gần 10% cùng kỳ. Kết quả kinh doanh sa sút là vì nhu cầu vận chuyển giảm trong giai đoạn giãn cách xã hội; phát sinh thêm chi phí hoạt động liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19.

Dù vậy, lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế vẫn lần lượt đạt 5.290 tỷ đồng (tăng 0,8% cùng kỳ) và 472 tỷ đồng (tăng 25,7% cùng kỳ), hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 151% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng mảng vận tải của PVT vẫn sẽ gặp nhiều thách thức, ít nhất cho tới giữa năm sau bởi giá cước vận tải vẫn còn thấp thấp khi mà nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu vẫn chưa thể sớm phục hồi về giai đoạn trước dịch; và nhu cầu nội địa đến từ khách hàng chính là nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn được kỳ vọng chỉ ở mức vừa phải bởi hoạt động giao thông, vận tải khó có thể được nới lỏng hoàn toàn trong bối cảnh số ca nhiễm ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới (Omicron) được xem là mối đe dọa nghiêm trọng tới nỗ lực “bình thường mới” của thế giới và Việt Nam và là rủi ro hiện hữu tới hoạt động kinh doanh vận tải của PVT trong thời gian tới.

Điểm sáng của PVT, đó là từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp đã bổ sung thêm 5 tàu mới, bao gồm 3 tàu chở dầu/hóa chất, 1 tàu LPG (VLGC) và 1 tàu chở hàng rời, đồng thời thanh lý 2 tàu chở dầu/hóa chất cũ. Ngoài ra, PVT dự kiến sẽ thanh lý tàu chở dầu thô Athena trong quý IV/2021, giúp ghi nhận thêm một khoản lợi nhuận bất thường, ước khoảng hơn 100 tỷ đồng.

KBSV đánh giá cao chiến lược trẻ hóa đội tàu, gia tăng số lượng tàu của PVT và những sự chuẩn bị đón đầu cho việc vận chuyển khí LNG thời gian tới. Trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao và với quy hoạch tăng tỷ trọng sử dụng điện khí (tính cả LNG) trong dự thảo Quy hoạch phát triển ngành điện 8, triển vọng tiêu thụ LNG sẽ tích cực và vận chuyển LNG được xem là động lực phát triển quan trọng của PVT.

Dự kiến kho LNG đầu tiên Thị Vải sẽ được đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 với công suất giai đoạn I là 1 triệu tấn/năm, sau đó mở rộng lên 3 - 6 triệu tấn/năm (2024 – 2025).

KBSV dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của PVT đạt 7.900 tỷ đồng và 928 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 11,8% so với năm trước.

Sang năm 2022, dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVT có thể đạt gần 9.000 tỷ đồng (tăng 14,5% cùng kỳ) và 1.000 tỷ đồng (tăng 13,8%), phản ánh hoạt động vận chuyển dầu thô khởi sắc khi nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới vẫn trên đà hồi phục trong giai đoạn “bình thường mới”.

Bên cạnh đó, KBSV cũng kỳ vọng kế hoạt động bổ sung tàu mới của PVT thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp mở rộng và đón đầu cơ hội mới trên thị trường vận chuyển. Công ty chứng khoán này khuyến nghị mua dành với cổ phiếu PVT dựa trên phương pháp định giá DCF với giá mục tiêu 27.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 15% so với giá đóng cửa ngày 13/12.

MASVN: Khuyến nghị nắm giữ đối với GMD

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) ghi nhận sản lượng thông quan của hệ thống tăng mạnh. Cụ thể, sản lượng thông quan container nhóm cảng Hải Phòng đạt 754.359 TEU (tăng 13% cùng kỳ); nhóm cảng phía Nam, trừ Gemalink, ghi nhận sản lượng thông quan 620.836 TEU (tăng 5,6% cùng kỳ).

Gemalink ghi nhận sản lượng 9 tháng đạt khoảng 607.660 TEU; cụm cảng Gemadept Dung Quất ghi nhận sản lượng gần 1,93 triệu tấn (tăng 31% cùng kỳ).

Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh gộp chung 3 quý của GMD đạt lần lượt 2.167 tỷ đồng và 598 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau giai đoạn giãn cách xã hội khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ghi nhận ở mức 52,2 điểm trong 9 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất từ tháng 11 tiếp tục cho thấy tín hiệu phục hồi và được hỗ trợ khi FDI công nghiệp tăng trưởng trở lại.

Trong khi đó, hoạt động vận tải thủy tích cực tương đối tích cực sau 11 tháng, khối lượng vận tải biển đạt 76,4 triệu tấn (tăng 3% cùng kỳ); vận tải thủy nội địa thu hẹp đà giảm với khối lượng ước đạt 288,9 triệu tấn (giảm 5,3% cùng kỳ).

Trước đó, tổng tải trọng tàu biển và tàu sông ghi nhận tăng mạnh ở mức lần lượt 22% và 14,5% so với 10 tháng đầu năm 2020, là tín hiệu cho thấy sản lượng vận tải thủy nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Năm 2021, MASVN dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GMD đạt 2.740 tỷ đồng và 576 tỷ đồng, tăng 5% và 55% so với năm trước. MASVN xác định mức giá hợp lý của cổ phiếu GMD là 50.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 3,2% giá đóng cửa phiên 13/12. Từ đó khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.

Cùng chuyên mục
Tin khác