(VNF) - Động lực tăng trưởng năm 2022 của GEX tới từ các dự án năng lượng tái tạo mới, doanh thu bất động sản khu công nghiệp và lộ trình niêm yết các công ty con, liên kết của doanh nghiệp.
Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) hoạt động chính trong các lĩnh vực gồm sản xuất thiết bị điện, xây dựng và lắp đạt máy biến áp điện, kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, GEX sở hữu các thương hiệu có uy tín như GelEX, CADIVI, THIBIDI, HEM... và mạng lưới khách hàng rộng lớn như EVN, Petrovietnam, Vinacomin...
Năm 2021, doanh thu thuần của GEX đạt 28.585 tỷ đồng (tăng 59% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.667 tỷ đồng (tăng 70%). Kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ hợp nhất VGC, giúp tăng doanh thu từ mảng vật liệu xây dựng với hơn 5.791 tỷ đồng; doanh thu bất động sản tăng mạnh từ 90 tỷ lên 2.947 tỷ năm 2021; doanh thu tài chính tăng mạnh đến từ lãi tiền gửi và kinh doanh chứng khoán với giá trị lần lượt 304 tỷ đồng (tăng 226% cùng kỳ) và 302 tỷ đồng (tăng 318%).
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, một số yếu tố tích cực trong năm 2022 của GEX, bao gồm 5 dự án năng lượng tái tạo (Gelex 1, 2, 3 và Hướng Phùng 2,3) đã đóng điện thành công, đi vào vận hành thương mại kịp trong tháng 11/2021 với tổng công suất 140 MW và hưởng giá điện ưu đãi 8,5 cents/kWh trong vòng 20 năm. Đây là nhân tố tích cực đóng góp vào doanh thu từ năm 2022.
Bên cạnh đó, VGC là doanh nghiệp đầu ngành bất động sản khu công nghiệp ở phía Bắc với 12 dự án khu công nghiệp và quỹ đất hơn 4.000ha. Trong đó, dự án khu công nghiệp Thuận Thành II với quy mô 250 ha đã được chính quyền bàn giao đất triển khai san lấp mặt bằng và dự kiến thương mại hóa ngay trong năm 2022.
GEX cũng đang trong lộ trình niêm yết nhiều công ty con và liên kết. Riêng năm 2022, GEX có thể niêm yết Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Gelex (Gelex Electric) và Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex (Gelex Infrastructure). Điều này có thể tạo điểm nhấn đột biến trong tương lai.
MASVN dự phóng doanh thu thuần năm 2022 đạt 37.160 tỷ đồng (tăng 30% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.479 tỷ đồng (tăng 49% cùng kỳ). Trong đó, mảng thiết bị điện ước tính tăng 19% cùng kỳ, lên mức 22.220 tỷ đồng đóng góp vào doanh thu; biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 15,3% lên mức 15,8%; chi phí lãi vay tăng mạnh 30% cùng kỳ, lên mức 1.463 tỷ đồng.
EPS dự phóng năm 2022 đạt 2.271 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E đạt mức 16,3 lần, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm của doanh nghiệp. MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEX với giá mục tiêu 55.600 đồng/cổ phiếu.
BVSC: Khuyến nghị khả quan dành cho TPB
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank, HoSE: TPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 vững chắc với lợi nhuận trước thuế đạt 1.644 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng tới từ thu nhập lãi ổn định nhờ tăng trưởng tín dụng nhanh và biên lãi ròng (NIM) phục hồi; kiểm soát chi phí chặt chẽ và những cải tiến rõ rệt về chất lượng tài sản.
Lũy kế cả năm 2021, TPB ghi lãi trước thuế tăng trưởng mạnh 37% so với năm 2020 lên 6.038 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, cuối năm 2021, sau khi huy động vốn thành công thông qua cả phát hành riêng lẻ và chia cổ tức cổ phiếu, hệ số CAR của TPB (Basel II) tăng mạnh lên mức 13,6% - cao hơn nhiều so với quy định 8% và là thuộc nhóm cao nhất trong hệ thống, giúp TPB ở vị thế cạnh tranh để duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở quỹ đạo nhanh chóng.
Trong khi đó, các tỷ lệ thanh khoản cũng tỏ ra hỗ trợ cho triển vọng NIM, bao gồm hệ số LDR theo quy định ở mức thấp 58,2% (TPB tích cực huy động tiền gửi và giấy tờ có giá trong năm 2021), đang tạo dư địa tối đa hóa LDR; và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 23,3%, thấp hơn mức trần 37%, cho thấy dư địa lớn để tiếp tục theo đuổi mục tiêu chiến lược của TPB - tăng tỷ lệ cho vay bán lẻ (vốn có lợi suất cao hơn, đồng thời tối ưu hóa rủi ro).
Mặt khác, các khoản cho vay tái cơ cấu đang có dấu hiệu giảm tốc. Theo đó dư nợ cơ cấu lại vào cuối quý IV/2021 của TPB đang có dấu hiệu dịu lại, giảm xuống 1.372 tỷ đồng (giảm 5,7% so với quý III và giảm 21,9% cùng kỳ), tương đương 1% tổng dư nợ. Tỷ trọng dư nợ tái cơ cấu theo nhóm khách hàng SME/MMLC/cá nhân lần lượt là 76%/12,8%/11,5%.
Trong khi kỳ vọng dư nợ cơ cấu lại sẽ tiếp tục giảm khi kinh tế phục hồi, MASVN nhận thấy áp lực trích lập dự phòng thấp hơn đối với các khoản vay cơ cấu lại của TPB. Đến cuối quý IV, TPB đã trích lập 180 tỷ cho các khoản vay được cơ cấu lại, tương đương 30% theo yêu cầu của Thông tư 14.
MASVN dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 của TPB là 8.524 tỷ đồng, tăng 41,2% cùng kỳ; năm 2023 là 10.148 tỷ đồng, tăng 19,1% cùng kỳ. Tựu chung, công ty chứng khoán này dự báo ROE năm 2022-2023 của TPB sẽ duy trì mạnh mẽ ở mức trung bình 22,6%.
BVSC duy trì khuyến nghị khả quan đối với TPB, với giá mục tiêu 44.693 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng 15,6%. Sau những đợt điều chỉnh giá cổ phiếu gần đây, TPB đang giao dịch ở mức P/B là 1,87 lần (năm 2022) và 1,50 lần (năm 2023) so với 2,07 lần là mức trung bình 1 năm qua, với các yếu tố cơ bản được củng cố rõ rệt, bao gồm nền tảng vốn vững chắc, tỷ lệ vốn và thanh khoản tốt, chất lượng tài sản cải thiện, nền tảng khách hàng gia tăng vững chắc nhờ lợi thế đi đầu ngân hàng số và triển vọng tăng trưởng tích cực.
VND: Khuyến nghị khả quan đối với VPB
Năm 2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) ghi nhận lợi nhuận ròng 31.087 tỷ đồng, 317,6% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thương vụ thoái 49% vốn tại FE Credit.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect (VND), trường hợp không có khoản thu nhập bất thường này, lợi nhuận ròng ngân hàng mẹ ước tính vẫn tăng 44,2% cùng kỳ, nhờ cho vay tăng trưởng 26,7% cùng kỳ và thu nhập từ phí tăng trưởng 18,9% cùng kỳ.
Về phía FE Credit, tổng thu nhập hoạt động giảm 12% cùng kỳ, cho vay tăng 14,2% cùng kỳ và biên lãi ròng (NIM) đạt 21,1% trong năm 2021; chi phí hoạt động giảm 7% cùng kỳ trong khi chi phí dự phòng tăng 16% cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của FE Credit chỉ đạt 0,6 tỷ đồng (giảm 83,6% cùng kỳ).
Trong năm 2021, NIM của VPB đạt 7,63% (cao nhất trong các ngành) và ROE đạt 8%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức 4,47% vào cuối năm 2021, từ mức 3,4% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ ở mức 1,5%, trong khi FE Credit ước tính đạt 13,6%.
Ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng (tăng 112% cùng kỳ), nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên 60,9% từ mức 45,3% vào cuối năm 2020 – mức cao nhất từ năm 2017. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng đạt 14,2% vào cuối năm 2021, nằm trong số những ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao nhất.
Sau thương vụ thoái vốn tại FE Credit, VPB đang trong tiến trình trở thành ngân hàng số xoay quanh việc VPBank Neo được đi vào hoạt động từ tháng 6/2021. Đây là một nền tảng cho các dịch vụ tài chính tích hợp trong hệ sinh thái của VPB, phục vụ cá nhân và các doanh nghiệp.
VPB cũng mở rộng hệ sinh thái bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với các Fintech, ngân hàng hàng di động và các doanh nghiệp bán lẻ khác. VPB mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (tên cũ là Công ty Cổ phần Chứng khoán ASC) và nâng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng.
VND duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 45.800 đồng/cổ phiếu dành cho VPB, cao hơn 25,8% giá đóng cửa phiên 11/3. Giá mục tiêu dựa trên P/BV là 2,2 lần năm 2022. Tiềm năng tăng giá là khả năng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược sau khi tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài nâng từ 15% lên 17,5% vào tháng 3/2022. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp hơn và nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.