Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/6): PVT, NVL và ACB

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 14/6, bao gồm PVT, NVL và ACB.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/6): PVT, NVL và ACB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/6): PVT, NVL và ACB

MBS: Khuyến nghị nắm giữ dành cho PVT

Công ty Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu PVT (Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí), giá mục tiêu là 22.300 đồng/cổ phiếu, dựa theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, trên cơ sở nhu cầu vận chuyển dầu & SP dầu hồi phục sau khoảng thời gian chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu thụ trong nước cải thiện khi nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng hiệu suất hoạt động sau hoạt động bảo dưỡng định kỳ năm 2020 và giá cước vận tải dự báo tăng.

Giá mục tiêu tương ứng với P/E 10,7 lần (theo EPS 2021 khoảng 2.091 đồng). Quý I/2021, lãi ròng của PVT tăng mạnh 102% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 136 tỷ đồng nhờ giá cước cải thiện nhẹ khi nhu cầu sử dụng dầu mỏ/dầu thô phục hồi, lỗ chênh lệch tỷ giá trong kỳ ghi nhận thấp hơn giúp chi phí tài chính giảm 42% cùng kỳ và ghi nhận xấp xỉ 34 tỷ đồng lãi từ thanh lý tài sản của tàu chở dầu Sea Lion.

Trong năm 2021, OPEC dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng 6,6% so với năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhờ đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng, nhu cầu nhiên liệu tăng trên toàn thế giới và các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được triển khai nhằm ứng phó tác động của dịch bệnh.

OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới đạt mức trung bình 96,5 triệu thùng/ngày vào năm 2021, cao hơn gần 6 triệu thùng/ngày so với nhu cầu năm ngoái, với sự tăng tốc dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải dự báo sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2021 hoặc đầu 2022. Mặc dù cước vận tải đã ghi nhận chuyển biến tích cực từ cuối tháng 2/2021 nhưng đà phục hồi vẫn chưa rõ nét khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu chưa khôi phục trở lại mức trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. OPEC dự báo giá cước vận tải sẽ trở nên tích cực hơn từ nửa cuối 2021 hoặc nửa đầu năm 2022 khi hoạt động thương mai đường biển và tiêu thụ nhiên liệu gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại sau dịch.

Ước tính, doanh thu từ vận tải của PVT sẽ cải thiện trong năm 2021 khi nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn tất bảo dưỡng trong năm 2020 & nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ/ sản phẩm dầu mỏ hồi phục. Hiện tại, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động ổn định với 105% công suất thiết kế sau khi thực hiện bảo dưỡng định kỳ kéo dài 52 ngày trong năm 2020, kéo theo nhu cầu tiêu thụ được cải thiện tại nhà máy này.

Yuanta: Khuyến nghị kém khả quan đối với NVL

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho hay số lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL) tăng do công ty thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, 35,68% cổ phiếu được phát hành để chi trả cổ tức của NVL đã được chốt quyền vào ngày 9/6, kết quả là số lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng từ 1,08 tỷ lên 1,47 tỷ cổ phiếu.

Số lượng cổ phiếu tăng thêm không làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng (NAV) của công ty. Tuy nhiên, sự gia tăng trong số lượng cổ phiếu khiến giá mục tiêu của Yuanta giảm từ 121.000 đồng xuống còn 95.700 đồng.

Cập nhật về tình hình kinh doanh của NVL, Yuanta cho biết dự án C của Novaland đang trong giai đoạn đàm phán để chuyển nhượng cho 2 công ty phát triển bất động sản trong nước. Thương vụ này có tổng giá trị đạt 1,7 tỷ USD, cao hơn 15% so với ước tính của Yuanta trong báo cáo ngày 20/5. Các đối tác đã đồng ý sẽ thanh toán toàn bộ trong năm 2021 và 2022.

Được biết, NVL đã chi 293 triệu USD để đổi lấy 69,76% dự án C và đã ghi nhận 102 triệu USD lãi từ đánh giá lại khoản đầu tư ban đầu vào Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi (công ty con sở hữu dự án C). NVL ước tính lợi nhuận của họ đối với thương vụ này sẽ là 343 triệu USD, nhưng vãn chưa có công bố chính thức cho biết đây sẽ là lợi nhuận sau thuế hay là lợi nhuận sau thuế sau cổ đông thiểu số.

Theo thông tin mà Yuanta có được, dự án C vẫn đang trong giai đoạn đền bù đất và chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai dự án. Tuy nhiên vẫn thu hút được sự quan tâm của các bên thứ ba, khi họ mong muốn mua lại dự án này với mức giá khá cao, khiến Yuanta tự tin hơn với nhận định đã được đưa ra trong những báo cáo trước đây, rằng NVL có nhiều khả năng sẽ ghi nhận lợi nhuận thông qua hoạt động thoái vốn các dự án bất động sản dân dụng tại TP. HCM vào năm 2021.

Thương vụ thoái vốn tại dự án C cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy những khó khăn liên quan đến các thủ tục pháp lý có thể sẽ được giải quyết. Điều này cũng khiến Yuanta lạc quan hơn với khả năng NVL có thể chính thức triển khai các dự án tại TP. HCM hoặc tiếp tục tham gia vào các thương vụ thoái vốn để củng cố dòng tiền trong trung hạn và ngắn hạn.

Yuanta cho rằng chiến lược này là hợp lý, thoái vốn cho phép công ty thu hồi vốn sớm mà không phải chịu rủi ro phát triển dự án. Bên cạnh đó, điều này cũng cho phép công ty tập trung vào các dự án lớn (như Aqua City, Novaworld Phan Thiết và Novaworld Hồ Tràm), đang có những tiến triển khả quan.

Yuanta tiếp tục duy trì khuyến nghị nắm giữ - kém khả quan đối với NVL. Mặc dù Yuanta có cái nhìn tích cực đối với hoạt động kinh doanh của NVL, nhưng cho rằng giá cổ phiếu đang được định giá cao hơn so với những thay đổi tích cực của các yếu tố cơ bản.

MASVN: Khuyến nghị mua ACB, giá mục tiêu 41.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, quý I/2021, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) ghi nhận lãi ròng sau thuế đạt 2.500 tỷ (tăng trưởng 61,6% so với cùng kỳ), tương đương 25,6% kỳ vọng cả năm.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 35,7% so với cùng kỳ (khoảng 24,5% kỳ vọng cả năm) nhờ tín dụng tăng trưởng 18% so với cùng kỳ (tăng 4,1% so với cuối năm 2020) và biên thu nhập lãi thuần (NIM) cải thiện 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Thu nhập ròng từ phí dịch vụ tăng 68,7% so với cùng kỳ (khoảng 29% dự phóng cả năm) được thúc đẩy bởi phí phân phối bảo hiểm.

Chất lượng tài sản được ACB duy trì ở mức tốt, mặc dù tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) tăng lần lượt 32 và 45 điểm cơ bản so với cuối năm 2020 lên 0,9% và 1,2%. Tỷ lệ bao phù nợ xấu (dự phòng/nợ xấu) giảm 40 điểm phần trăm so với cuối năm 2020 còn 120,4%, dù chi phí dự phòng trích lập trong kỳ cao gấp 5,5 lần so với mức thấp của cùng kỳ.

Hiệu quả hoạt động được thiện, với CIR (chi phí/thu nhập) giảm 20 điểm phần trăm so với cùng kỳ còn 34,6%. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE chuẩn hóa theo năm lần lượt tăng lên 2,2% (tăng 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và 27% (tăng 5,6 điểm % so với cùng kỳ).

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II tăng nhẹ lên mức 11,2%, trong đó tỷ lệ vốn cấp 1 là 10,5%. ACB tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở lợi nhuận giữ lại.

Trong diễn biến đáng chú ý, ngày 10/6 vừa qua, ngân hàng đã phát hành thêm 540 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 25%).

MASVN cho rằng, trong thời gian tới, NIM của ACB được kỳ vọng duy trì ở mức cao nhờ tiếp tục tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ với biên sinh lời cao và tăng tỷ lệ CASA. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác 15 năm phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassuarance) với đối tác Sunlife sẽ mang lại khoảng phí độc quyền trị giá 370 triệu USD (ghi nhận trong vòng 15 năm 2021-2035), cũng như thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ phí phân phối bảo hiểm.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định ở mức tốt như hiện tại. ACB được kỳ vọng sẽ vào các rổ chỉ số như VN30, VN Diamond, VN Leading Financial vào các kỳ đánh giá lại thành phần giữa năm; điều này sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự vận động giá của cổ phiếu.

Qua phân tích, MASVN nâng giá mục tiêu của ACB lên 41.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá P/B hợp lý là 2,3 lần.

Tin mới lên