Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/11): SCG, OIL và GIL

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 15/11, bao gồm SCG, OIL và GIL.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/11): SCG, OIL và GIL

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/11): SCG, OIL và GIL

MBS: Khuyến nghị mua dành cho SCG

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, Công ty Cổ phần Xây dựng SCG (HNX: SCG) là doanh nghiệp xây dựng có vai vế trên thị trường Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn và nổi tiếng nhờ ứng dụng các giải pháp thi công hiện đại trên nền tảng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực xây dựng, phát triển mạnh giải pháp BIM để nâng cao hiệu quả mô hình tổng thầu (Build & MEP) và tổng thầu D&B.

Đồng thời, mục tiêu của SCG là triển khai những công trình cao tầng và siêu cao tầng, hệ thống các khu công nghiệp, cầu cảng, Metro... các dự án tầm cỡ khu vực được Nhà nước và Chính phủ tin tưởng giao thầu.

Mặc dù các doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá vật liệu xây dựng tăng mạnh nhưng việc Chính Phủ thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành xây dựng trong 5 năm tới.

Theo MBS, giá trị backlog mà SCG đã ký với khách hàng đã đạt hơn 27.938 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi thế cạnh tranh của SCG còn đến từ tiềm năng mạnh mẽ của 2 công ty con Sunshine – Design (chuyển nhượng ngày 16/9) và S-Decoro (chuyển nhượng ngày 22/10).

Mới đây, SCG đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, với doanh thu thuần đạt 2.092 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 125 tỷ đồng, tăng 3 lần, tương ứng EPS đạt 2.168 đồng.

Năm 2021, SCG đặt mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, SCG đã thực hiện được 42% mục tiêu doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận năm.

MBS nhận định, sau khi kết thúc quý cuối năm, SCG có khả năng hoàn thành 70,8% kế hoạch doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận.

Đồng thời, công ty chứng khoán này xác định giá mục tiêu của cổ phiếu SCG trong 12 tháng tới bằng việc sử dụng phương pháp chiết khấu FCFE và phương pháp so sánh P/E để xác định giá trị hợp lý tại 100.700 đồng, cao hơn 24,4% so với giá đóng cửa phiên 12/11 và từ đó khuyến nghị mua cổ phiếu này.

PSI: Khuyến nghị nắm giữ đối với OIL

Kết thúc giai đoạn 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (UPCoM: OIL) đi ngang so với cùng kỳ do các làn sóng Covid-19 diến ra liên tiếp.

Theo đó, sản lượng dầu tiêu thụ của OIL trong 9 tháng ước tăng 2% so với cùng kỳ, phần lớn ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh trong quý III. Riêng tháng 8, sản lượng tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của OIL giảm mạnh nhưng sau đó có sự phục hồi nhẹ từ tháng 9 khi các lệnh giãn cách dần được nới lỏng.

Điểm sáng trong quý III đó là giá dầu tăng nhanh đã hỗ trợ biên lợi nhuận của OIL, cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm trước và kéo theo giá các sản phẩm như dầu DO và xăng cũng tăng giá. Ước tính, giá bán lẻ các loại xăng dầu trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng khoảng 25,8% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm lần lượt là 53.410 tỷ đồng và 681 tỷ đồng, dựa trên các giả định như biên lợi nhuận gộp nâng lên mức 4,5% nhờ giá bán cao, sản lượng phục hồi dần trong quý IV và giá dầu thô bình quân năm 2021 là 73 USD/thùng.

PSI đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu OIL và nâng giá mục tiêu 1 năm lên 19.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời dự kiến là 10,3% so với thị giá hiện tại; P/E dự phóng là 29,18 lần, dựa trên kết hợp hai phương pháp là DCF và so sánh P/E với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực để xác định giá trị hợp lý cho cổ phiếu.

Rủi ro của khuyến nghị này gồm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng hồi phục chậm do người dân vẫn còn thận trọng, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn giả định do cạnh tranh chiết khấu, nhất là đối với kênh phân phối DODO (CHXD tổng đại lý/đại lý), chiếm khoảng 56% thị phần các kênh tiêu thụ của OIL.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ GIL, giá mục tiêu 77.020 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III, trong đó ghi nhận doanh thu thuần giảm 31% so với cùng kỳ, xuống còn 629 tỷ đồng.

Trước gánh nặng giá vốn, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp, GIL báo lãi sau thuế giảm tới 79% cùng kỳ, vẻn vẹn 18,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý ảm đạm nhất trong 3 năm trở lại đây của GIL.

Gộp chung 3 quý năm 2021, GIL báo cáo doanh thu thuần và lãi sau thuế thuế đồng loạt tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 2.752 tỷ đồng và 204 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu và vượt 14% chỉ tiêu tiêu lợi nhuận năm.

Định giá cổ phiếu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu GIL, do mức stock rating đang đạt 85 điểm. Trong khi đó, đồ thị giá của GIL đóng cửa tăng 5,1% và đồ thị giá xác lập mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng tăng đang ở giai đoạn rõ ràng và đồ thị giá có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh nhẹ.

Trước đó, ngày 28/10, Yuatan đã khuyến nghị mua GIL với mức mục tiêu ngắn hạn là 77.020 đồng/cổ phiếu (đã đạt mức nhuận tạm tính là 9,4%). Vì vậy, công ty chứng khoán này hiện khuyến nghị các nhà đầu tư có thể duy trì nắm giữ và xem xét chốt lời một phần tỷ trọng tại mức mục tiêu ngắn hạn đối với GIL.

Tin mới lên