Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/8): ANV, VRE và STK

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 17/8, bao gồm ANV, VRE và STK.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/8): ANV, VRE và STK

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/8): ANV, VRE và STK

PHS: Khuyến nghị nắm giữ dành cho ANV

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) ghi nhận doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ, lên 1.780 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, tăng 16%.

Trong giai đoạn này, ANV có thêm nguồn thu mới từ điện năng lượng mặt trời, bên cạnh doanh thu chủ lực từ xuất khẩu cá tra. Nhờ mảng năng lượng mặt trời có biên lợi nhuận gộp lên đến 91,7%, tổng biên lợi nhuận trong kỳ đã cải thiện từ 12,5% lên 15,8%, cho dù biên lợi nhuận gộp của mảng cá tra giảm nhẹ.

PHS nhận định, vùng nuôi Bình Phú của ANV đã gia tăng tính hiệu quả của chuỗi giá trị khép kín, nâng cao khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu và kiểm soát chi phí. Cụ thể, chuỗi giá trị khép kín từ công tác lai tạo giống, sản xuất thức ăn, nuôi cá tra thương phẩm cho đến khâu chế biến, bao gói và tiêu thụ thành phẩm giúp ANV cải thiện chất lượng cá tra nguyên liệu, tự chủ 100% nguồn nguyên liệu, kiểm soát chi phí và ổn định biên lợi nhuận.

Bên cạnh đó, vùng nuôi Bình Phú sử dụng công nghệ hiện đại góp phần nâng cao năng lực sản xuất con giống và nuôi cá tra thương phẩm, tăng cường tính hiệu quả của chuỗi giá trị khép kín.

Trong thời gian tới, ANV được kỳ vọng hưởng lợi từ hiệp định EVFTA khi thuế xuất khẩu cá tra sang EU giảm từ 9% còn 0% sau 3 năm. Kỳ vọng EVFTA sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu (EU).

Mặt khác, đối tác chiến lược Shanghai Feinglei International Tradingđã  giúp ANV đưa sản phẩm cá tra cao cấp vào tiêu thụ tại Trung Quốc theo hợp đồng đại lý kéo dài 10 năm tính từ năm 2018, góp phần ổn định đầu ra cho ANV. Tại Mỹ, ANV hưởng lợi từ kết quả thuế chống bán phá giá 0% trong đợt POR16 sẽ tạo thuận lợi cho ANV khi doanh nghiệp quay lại thị trường này.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra, PHS điều chỉnh giảm dự phóng kết quả kinh doanh năm 2021 của ANV với doanh thu ước đạt 3.706 tỷ đồng (tăng 7,7%), trong khi lợi nhuận sau thuế ước đạt 222 tỷ đồng (tăng 9,8% thực hiện năm ngoái).

Tuy nhiên bù lại, nhờ hưởng lợi từ việc lãi suất phi rủi ro giảm, PHS hạ WACC của ANV từ 9,1% trong báo cáo trước còn 8,3%. Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu ANV khoảng 27.700 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 6% so với giá hiện tại). Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.

MASVN: Khuyến nghị mua VRE, giá mục tiêu 33.400 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) nhận định, kết quả kinh doanh quý II vừa qua của Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) gần như đi ngang so với cùng kỳ.

Theo đó, dịch bệnh Covid bùng phát trở lại vào đầu tháng 6 khiến cho ngành bán lẻ nói chung và VRE nói riêng chịu ảnh hưởng khi phải đóng cửa nhiều trung tâm thương mại, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM vốn chiếm hơn 30% trung tâm thương mại.

Trong kỳ, doanh thu thuần giảm nhẹ 7,3% còn 1.510 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động cho thuê tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước, còn doanh thu từ bàn giao sản phẩm bất động sản giảm mạnh chỉ còn 96 tỷ đồng (cùng kỳ lên đến 294 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 12,9% lên 388 tỷ đồng nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí hoạt động; cùng với doanh thu tài chính tăng hơn so với cùng kỳ 10 tỷ đồng cũng góp phần giúp lãi ròng tăng nhẹ kỳ này.

Bên cạnh đó, VRE cũng hỗ trợ 350 tỷ đồng đối với khách thuê trong quý II, tương đương với cùng kỳ năm trước khoảng 375 tỷ đồng. Đáng chú ý, các chỉ số nợ vay giảm đáng kể khi tổng nợ vay chỉ còn xấp xỉ 7.400 tỷ đồng (giảm gần 25% so với quý I và 33% so với cùng kỳ năm ngoái).

Điều này kỳ vọng sẽ giúp VRE giảm bớt áp lực lãi vay trong tương lai khi mà tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VRE đạt được 3.737 tỷ đồng doanh thu và 1.169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 42% chỉ tiêu doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tuy vậy với tình hình diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, MASVN dự phóng kết quả kinh doanh quý III sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kỳ vọng sẽ bật lại mạnh mẽ trong quý IV khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát và các trung tâm thương mại được mở lại.

MASVN hạ 6,6% dự phóng doanh thu VRE năm 2021 xuống còn 8.543 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.592 tỷ đồng (giảm 5,8% so với dự phóng trước đó), trong đó hầu hết đến từ hoạt động cho thuê.

Trong nửa cuối năm 2021, VRE sẽ khánh thành VMM Smart City Hà Nội, Vincom Plaza Bạc Liêu và Vincom Plaza Mỹ Tho, nâng tổng số diện tích sàn lên 1,8 triệu m2 (tăng 9% so với mức 1.654 triệu m2 hiện nay)

MASVN duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu VRE, tuy nhiên điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống còn 33.400 đồng/đơn vị, do những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

BVSC: Khuyến nghị trung lập đối với STK

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nửa đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) có được kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, STK ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.077 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 141 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và gấp 2,6 lần 6 tháng đầu năm 2020.

Trong đó, sợi tái chế tiếp tục là động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh nhờ xu hướng “xanh hóa” toàn cầu, với doanh thu tăng gần gấp đôi, đóng góp 57% vào tổng doanh thu.

BVSC dự báo, trong ngắn hạn, do ảnh hưởng từ cách biện pháp phòng chống dịch, mặc dù vẫn có thể duy trì sản xuất nhưng quý III sẽ kém tích cực hơn 6 tháng đầu năm.

Thực tế, từ cuối tháng 7, STK vận hành khoảng 60% công suất do hạn chế từ chính sách “3 tại chỗ”. BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm 2021 đạt mức 1.915 tỷ đồng (tăng 8%) và 243 tỷ đồng (tăng 66% năm ngoái), tương đương mức EPS điều chỉnh đạt 2.982 đồng.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng, đợt dịch hiện nay sẽ được kiểm soát tích cực và tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu dần bình thường hóa vào giữa tháng 9.

Bên cạnh đó, quyết định về ban hành thuế chống bán phá giá sơ bộ với các loại sợi polyester nhập khẩu sẽ là động lực cho giá cổ phiếu STK trong ngắn hạn và cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm nội địa trong trung dài hạn.

Theo STK, quyết định dự kiến được công bố vào cuối quý III, sau quyết định khởi xướng điều tra từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, BVSC lưu ý tình hình kiểm soát dịch sẽ tác động đến tiến độ ban hành quyết định áp thuể.

Về trung dài hạn, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam với động lực từ các FTAs thế hệ mới cũng như xu hướng gia tăng quan tâm về “môi trường xanh” trong cuộc sống trên toàn cầu, đặc biệt là các nước phát triển là động lực cho tiềm năng phát triển của STK.

Đáng chú ý, dự án Unitex được cho là chiến lược của STK nhằm nắm bắt được triển vọng trung dài hạn trên, dự kiến sẽ nâng công suất lên gấp đôi so với hiện tại vào 2025.

Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 120 triệu USD, với tỷ lệ vốn vay khoảng 70%. Do đó, doanh nghiệp có kế hoạch huy động thêm gần 600 tỷ thông qua các phương án phát hành hiện hữu, phát hành riêng lẻ và bán cổ phiếu quỹ.

BVSC xác định giá mục tiêu cho STK ở mức 46.100 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp kết hợp DCF và so sánh P/E, tương đương mức P/E dự phóng 2021 và 2022 là 16,1 lần và 11,3 lần.

Do đó, BVSC khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu STK và tiếp tục theo dõi cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn nếu cổ phiếu xuất hiện nhịp điều chỉnh để tích lũy cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Tin mới lên