Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/10): KBC, LTG và SMC

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 18/10, bao gồm KBC, LTG và SMC.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/10): KBC, LTG và SMC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/10): KBC, LTG và SMC

SSI: Khuyến nghị trung lập đối với KBC

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) vừa điều chỉnh khuyến nghị đối với cổ phiếu KBC (Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) từ mua xuống trung lập, do cổ phiếu đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, vượt mức giá mục tiêu 44.100 đồng/cổ phiếu đã được SSI đưa ra tại khuyến nghị trước đó.

Mặt khác, KBC cũng vừa hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu (tương đương 21,3% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành) tại mức giá 34.096 đồng/cổ phiếu với thời gian giới hạn chuyển nhượng 1 năm. Đây là yếu tố có thể tạo ra rủi ro pha loãng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong ngắn hạn.

Với số tiền 3.400 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành này, KBC chủ yếu sẽ sử dụng để tái cơ cấu nợ vay và đầu tư thêm vào dự án khu đô thị Tràng Cát nằm sát trung tâm thành phố Hải Phòng - dự án mà KBC đã giải phóng mặt bằng 511 ha trên tổng diện tích 585 ha mà công ty sở hữu.

Tại thời điểm cuối quý II, KBC đã đầu tư 7.300 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất cho dự án này. Hiện tại, công ty đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để chuẩn bị cho mở bán dự án. SSI kỳ vọng KBC sẽ mở bán sớm nhất vào năm sau.

Với quy mô tương đối lớn, dự án sẽ đóng góp đáng kể cho công ty trong trung hạn. Mặc dù bị pha loãng cổ phiếu, đợt phát hành riêng lẻ này có thể mang đến những lợi ích dài hạn hơn như giảm đòn bẩy tài chính hoặc đầu tư phát triển các dự án sinh lời tiềm năng khác tại Hải Phòng, Long An và Hưng Yên.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của KBC đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 634 tỷ đồng, lần lượt tăng 278% và gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Dù vậy, chủ yếu tăng trưởng lợi nhuận đến từ quý I, khi KBC ghi nhận khoản lãi kỷ lục gần 600 tỷ đồng. Trong giai đoạn nay, KBC ghi nhận tổng doanh thu bán đất khu công nghiệp là 71 ha và bán đất khu đô thị là 2,2 ha.

MASVN: Khuyến nghị mua LTG, giá mục tiêu 12 tháng là 54.700 đồng/cổ phiếu

6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần và lãi ròng sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ của Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) lần lượt đạt 5.122 tỷ và 227 tỷ đồng, lần lượt tăng 133% và 101% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng 67%, đạt 2.160 tỷ đồng doanh thu, lương thực và gạo tăng đến 438% lên mức 2.347 tỷ đồng. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp ở mức 18,4%, giảm mạnh so với mức 26,2% cùng kỳ.

Về triển vọng tăng trưởng của LTG, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) nhận định, hiệp định thương mại EV-FTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường Châu Âu. Ngoài ra, nhu cầu lương thực thực phẩm thế giới kỳ vọng phục hồi.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự báo tiêu thụ gạo toàn thế giới mùa vụ 2021 - 2022 đạt 512,3 triệu đơn vị, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực cho tiêu thụ gạo thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, giá gạo trên thế giới đã có sự phục hồi giai đoạn tháng 9 – 10/2021 do nhu cầu thế giới phục hồi trong khi nguồn cung có phần hạn chế. LTG đang đẩy mạnh phát triển công nghệ QR code xuất xứ thể hiện đặc tính gạo và vận hành máy bay không người lái (drone) phun thuốc trừ sâu diện rộng

LTG cũng ứng dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp (ERP) trong năm 2021 nhằm chuẩn hóa hoạt động theo chuẩn quốc tế cũng như kiểm soát chất lượng hoạt động, sản phẩm. MASVN đánh giá cao việc phát triển công nghệ là hướng đi thúc đẩy sự phát triển trong tương lai.

Năm 2021, công ty chứng khoán này dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ LTG đạt 11.150 tỷ và 565 tỷ đồng, tăng 48,6% và 54,4% cùng kỳ. EPS dự phóng năm 2021 ước đạt 7.009 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 2021 ở mức 6,2 lần, quanh vùng thấp nhất kể từ khi chào sàn năm 2017.

MASVN đánh giá tích cực dành cho LTG nhờ kỳ vọng 2021 và 2022 sẽ bứt phá ở hai mảng hoạt động chính là thuốc bảo vệ thực vật và gạo theo sau nhu cầu tăng trưởng ở Việt Nam và thế giới.

VFS: Khuyến nghị mua dành cho SMC

Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho biết, kết thúc nửa đầu năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 740 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần mức thực hiện cả năm 2020 và đã vượt 147% kế hoạch năm nay; doanh thu ở mức 11.000 tỷ đồng, bằng 70% kết quả năm 2020.

Biên gộp cũng tăng từ 5,2% lên 8,5% so với cùng kỳ, nhờ giá thép tăng mạnh và dự kiến duy trì ở mức cao cho đến cuối năm.

Đáng chú ý, tháng 4 qua, SMC đã ký hợp đồng hợp tác với Samsung thành lập liên doanh Coil Center với trọng trách chính của SMC là gia công thép cho Samsung. Đây là một bước tiến lớn của SMC để bước vào ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển của Việt Nam. Ngoài ra, việc hợp tác này cũng giúp SMC tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm của công ty.

Về cấu trúc tài chính, đến cuối quý II, nợ vay/vốn chủ sở hữu của SMC có xu hướng giảm chỉ còn 1,24 lần, trong khi đó, tiền mặt/vốn chủ sở hữu duy trì ở mức cao 16%. Dù vậy, nợ ngắn hạn của SMC tăng 38% so với cùng kỳ, do SMC đẩy mạnh cho hoạt động đầu cơ thép điều này dấy lên rủi ro giá thép giảm sẽ khiến cho khoản nợ ngắn hạn của SMC trở thành áp lực lớn đối với công ty.

SMC có lượng hàng tồn kho lớn với giá đầu vào thấp và sẵn sàng bán ra ở giá cao. Cuối quý II, tồn kho đạt 4.048 tỷ đồng, tăng 213% so với cùng kỳ năm ngoái. SMC đang dự đoán giá thép cuối năm sẽ tiếp tục tăng nên đã tăng cường gom hàng tồng kho. Trên thị trường, quý III ghi nhận giá thép cuộn cán nóng (HRC) Mỹ đã tăng khoảng 15% so với quý liền kề.

Do vậy, VFS kỳ vọng rằng lượng tồn kho nhiều với giá vốn thấp sẽ mang lại nguồn doanh thu lớn cho SMC trong thời gian tới.

Một tín hiệu cho thấy ngành thép thế giới đang bước vào thời kỳ phục hưng, đó là Trung Quốc - quốc gia nắm giữ hơn 50% lượng cung thép trên toàn thế giới đã thu hẹp sản xuất thép trong nữa cuối năm 2021 và hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu thép của Mỹ dự báo tăng 5 triệu tấn/năm trong 5 năm đầu của chiến lược đầu tư cho xây dựng hạ tầng, cao hơn công suất thép dự kiến đến cuối 2022 khá nhiều (4,6 triệu tấn/năm).

Tuy nhiên, do tính đầu cơ cao và doanh thu chủ yếu là hoạt động thương mại có thể khiến biên lợi của SMC mỏng và phụ thuộc lớn vào biến động của giá thép, dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc thay đổi chính sách có thể sẽ tác động mạnh đến giá thép và hoạt động kinh doanh của SMC.

VFS dự phóng thận trọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2 quý cuối năm của SMC là quanh mức 7.000 tỷ đồng và 342 tỷ đồng. Tương đương EPS dự phóng đạt 23.390 đồng, cao hơn 366% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay SMC đang có mức P/E bằng 3,5 thấp hơn nhiều so với trung bình ngành thép hiện tại là 9,51. Vì vậy, VFS kỳ vọng thận trọng P/E của SMC sẽ ở mức 3,5 lần, tương ứng mức giá mục tiêu vào khoảng 81.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 47% so với giá đóng cửa phiên 15/10.

Tin mới lên