Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/2): POW, GIL và NLG

(VNF) - Mặc dù POW đặt mục tiêu lợi nhuận ròng giảm một nửa trong năm 2022, tuy nhiên VND vẫn kỳ vọng doanh nghiệp điện này sẽ thu về 1.764 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2021.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/2): POW, GIL và NLG

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/2): POW, GIL và NLG

VND: Khuyến nghị trung lập đối với POW

Ba tháng cuối năm 2021, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HoSE: POW) ghi nhận sản lượng điện giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, xuống 2.522 triệu kWh, ảnh hưởng bởi phụ tải thấp tại miền Nam, dẫn đến sản lượng huy động thấp.

Trong quý, giá bán điện bình quân giảm 16% cùng kỳ do tỷ trọng sản lượng nhiệt điện giảm mạnh. Doanh thu theo đó cũng giảm 55% so với quý IV/2020, về còn 3.5998 tỷ đồng; doanh nghiệp ghi nhận lỗ gộp 326 tỷ đồng do giá khí tăng cao đã ăn mòn biên lãi gộp.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp quý IV giảm 184% cùng kỳ do POW ghi nhận khoản thanh toán nợ phải thu 742 tỷ đồng từ EVN, doanh thu tài chính tăng 28 lần do nhận cổ tức từ công ty con.

Sau cùng, POW báo lỗ ròng gần 63 tỷ đồng, giảm tới 106% cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu giảm 17% cùng kỳ xuống 24.565 tỷ đồng do kết quả kém tại mảng nhiệt điện, dẫn đến lợi nhuận ròng giảm 25% chỉ còn 1.778 tỷ đồng.

Năm 2022, POW đặt mục tiêu lợi nhuận ròng 900 tỷ đồng, thấp hơn một nửa so với năm ngoái, trước những lo ngại về ngành điện tiếp tục gặp khó.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có lãi ròng 1.764 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2021.

VND dự báo nhu cầu điện trong nước sẽ cao hơn, giúp sản lượng điện khí hồi phục 22% cùng kỳ và cải thiện biên lợi nhuận gộp thêm 2 điểm phần trăm.

VND nâng giá mục tiêu cho POW lên 28% so với báo cáo trước (đạt 19.200 đồng/cổ phiếu) do chuyển định giá DCF sang năm 2022 và điều chỉnh dự phóng EPS năm 2022-2023-2024 lần lượt giảm 37,1%, giảm 12,3% và tăng 29,6% cùng kỳ.

Động lực tăng giá là sản lượng được huy động nhiều hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là tiến độ hoàn thành Nhơn Trạch 3 và 4 lâu hơn kỳ vọng.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu GIL

Năm 2021, Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) ghi nhận doanh thu 4.150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 6,6% so với thực hiện năm trước đó.

GIL đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với 3.000 tỷ đồng doanh thu và 180 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, kết thúc năm tài chính doanh nghiệp hoàn thành 183% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của GIL tăng 39% so với đầu năm lên 3.764 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn với 1.241 tỷ đồng, chiếm 33% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.021 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản; tồn kho đạt 749,5 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản và các tài sản khác.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định, mức stock rating của cổ phiếu GIL ở mức 77 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là trung tính.

Đồ thị giá của GIL vừa đóng cửa tăng 5,3% và đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục xác lập các mức cao mới.

Ngoài ra, đồ thị tuần cũng có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn tích lũy cho nên Yuanta kỳ vọng dòng tiền sẽ cải thiện hơn ở những tuần giao dịch tới. Công ty chứng khoán này đang khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu GIL ở mức giá hiện tại.

ACBS: Khuyến nghị giữ NLG với giá mục tiêu 56.597 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) kết thúc năm 2021 với doanh thu chưa kiểm toán là 5.206 tỷ đồng, tăng 135% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.071 tỷ đồng, tăng trưởng 28%, tương ứng với 100% và 90% dự phóng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

ACBS cho biết, lợi nhuận thấp hơn dự phóng chủ yếu do lợi ích cổ đông thiểu số cao hơn ước tính. Tăng trưởng năm 2021 chủ yếu đến từ số lượng căn được bàn giao tăng gấp đôi so với năm ngoái, đạt hơn 2.000 căn, phần lớn tại dự án Akari City (1.525 căn) và Southgate (507 căn);

NLG ghi nhận 423 tỷ đồng thặng dư từ việc định giá lại tài sản khi hợp nhất dự án Izumi sau khi mua thêm 30% cổ phần từ Keppel Land để nâng tỷ lệ sở hữu lên 65,1% trong quý I/2021;

Đồng thời nhận 361 tỷ đồng lợi nhuận tài chính khi hợp nhất dự án Southgate sau khi tăng tỷ lệ biểu quyết từ 50% lên 65% trong quý III/2021. Đây là khoản định giá lại tài sản còn lại chưa ghi nhận mà trước đây được hạch toán theo tiến độ bàn giao dự án.

ACBS nhận xét, tình hình bán hàng năm 2021 của NLG tăng trưởng vượt bậc so với năm 2020 với hơn 1.900 căn (tăng 71% cùng kỳ) và tổng giá trị hơn 6.800 tỷ đồng (tăng 81%), chủ yếu tại dự án Mizuki và Southgate với doanh số mỗi dự án khoảng 2.400 - 2.500 tỷ đồng.

Nếu cộng thêm lượng đặt chỗ cho 275 căn với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng tại dự án Izumi trong tháng 11/2021, NLG bán được hơn 2.200 căn (tăng 95% cùng kỳ) với tổng giá trị hơn 8.800 tỷ đồng (tăng 132%).

Với thương hiệu tốt và các dự án hấp dẫn, ACBS dự phóng giá trị bán hàng năm 2022 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, chủ yếu tại các dự án Mizuki, Southgate, Akari, Izumi và Cần Thơ 43ha.

Bên cạnh đó, NLG duy trì sức khỏe tài chính tốt với tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu là âm 1,8% vào cuối 2021 so với 20,1% vào cuối 2020 chủ yếu nhờ 2.000 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu với giá 33.500 đồng/cổ phiếu vào tháng 9/2021 và số tiền thu được từ khách hàng khi bàn giao dự án Akari.

Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ NLG với giá mục tiêu 56.597 đồng/cổ phiếu, cao hơn 3,2% so với thị giá hiện tại.

Tin mới lên