Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/12): CTI, NTL và ACB

(VNF) - KBSV kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2022 của CTI sẽ được cải thiện rõ nét nhờ 2 BOT mới là BOT 319 và BOT đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng vừa đi vào hoạt động trong năm 2021. Ước tính bộ đôi BOT này sẽ mang về thêm 94 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho CTI, qua đó nâng mức lợi nhuận ròng lên 386 tỷ đồng, tăng trưởng 41% cùng kỳ.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/12): CTI, NTL và ACB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/12): CTI, NTL và ACB

KBSV: Khuyến nghị mua dành cho CTI

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTI của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận Idico với giá mục tiêu 39.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng 60% so với giá đóng cửa phiên 17/12.

KBSV kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2022 sẽ được cải thiện rõ nét nhờ 2 BOT mới là BOT 319 và BOT đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng vừa đi vào hoạt động cuối năm 2021. KBSV ước tính, BOT 319 và BOT đường chuyên dùng này sẽ đóng góp lần lượt 17 tỷ đồng và 77 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho CTI trong năm 2022, qua đó đưa mức lợi nhuận ròng lên 386 tỷ đồng, tăng trưởng 41,5% cùng kỳ.

Ngoài ra, CTI cũng sẽ có dòng tiền tích cực nhờ 500 tỷ đồng hoàn vốn cho dự án BOT 91 T2 đã dừng hoạt động (khoản thu này sẽ không tác động tới lợi nhuận của CTI).

CTI có động lực phát triển tích cực dài hạn với quỹ đất khu đô thị và khu công nghiệp rộng hơn 700ha tại Đồng Nai. Trong đó, 49ha ở cụm công nghiệp Tân An, 299ha ở khu công nghiệp Phước Bình 2 và 35ha khu công nghiệp Phước Bình 3.

Doanh nghiệp cũng là chủ đầu tư dự án khu đô thị CTI Residence, quy mô 10,4ha tại đường Võ Nguyên Giáp, Phước Tân, Biên Hòa. Về kế hoạch kinh doanh tại 2 mảng này, cụm công nghiệp Tân An và CTI Residence đã có quy hoạch 1/500 và đang giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ mở bán vào năm 2023. Trong khi đó, khu công nghiệp Phước Bình 2 và 3 hiện đang trình Chính phủ phê duyệt.

CTI được đánh giá là doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công tại Long Thành. Theo đó, KBSV cho rằng khả năng tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi của CTI sắp tới do mảng đá mới đạt 25% công suất thiết kế, còn nhiều dư địa để phục vụ cho đầu tư công tại Đồng Nai.

Mảng xây dựng có nhiều khả năng trúng thầu hơn nhờ nhu cầu giải ngân 110.000 tỷ đồng vốn cho sân bây Long Thành và hạ tầng khu vực; quỹ đất khu đô thị và khu công nghiệp của CTI tiếp giáp nhiều dự án trọng điểm như Metro Bến Thành – Suối Tiên hay sân bay Long Thành, sẽ tăng giá theo tiến độ thi công từng hạng mục.

Cập nhật kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2021, CTI ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 478 tỷ đồng (tăng 2,1% cùng kỳ) và 36 tỷ đồng (giảm 55,2% cùng kỳ). Nguyên nhân lợi nhuận giảm là do dịch bùng phát tại miền Nam đã ảnh hưởng tới lưu lượng xe thông qua các trạm BOT của CTI và doanh nghiệp không còn khoản lợi nhuận bất thường tới từ chuyển nhượng mỏ đá Tân Cang 8.

BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với NTL

Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm – Lideco (HoSE: NTL) tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng Từ Liêm được thành lập từ năm 1974. Năm 2004, công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Đến năm 2007, công ty hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 82 tỷ đồng và niêm yết trên HSX vào 21/7/2007.

Hiện tại, vốn điều lệ của NTL tăng lên 610 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với địa bàn hoạt động chính tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NTL sở hữu danh mục dự án hấp dẫn với giá vốn thấp. NTL hiện có 4 dự án chính đang và sẽ được triển khai với tổng quỹ đất lên tới 152,4ha. Các dự án đang được triển khai là khu đô thị Bắc Quốc Lộ 32 (Hoài Đức) – biệt thự thấp tầng (38,9ha), khu đô thị 23ha Bãi Muối (Hạ Long) – đất nền (23ha). Các dự án sẽ được triển khai bao gồm khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy) – chung cư, tháp văn phòng (22,5ha) và khu đô thị mới Núi Hạm (Hạ Long) – biệt thự, chung cư (68ha).

Căn cứ theo tiến độ hai dự án khu đô thị Bắc Quốc Lộ 32 và khu đô thị 23ha Bãi Muối, BVSC cho rằng lợi nhuận giai đoạn 2021-2023 sẽ được đảm bảo và nhiều cơ hội tăng trưởng đột biến, đặc biệt là khi dự án khu đô thị 23ha Bãi Muối bắt đầu ghi nhận vào kết quả kinh doanh. Cụ thể, lợi nhuận gộp ghi nhận từ hai dự án này trong giai đoạn 2021-2023 ước tính khoảng 3.439 tỷ đồng, nguồn lợi nhuận này sẽ đem lại tăng trưởng cao cho NTL.

BVSC sử dụng phương pháp định giá NAV, so sánh P/E và P/B để xác định giá trị hợp lý của NTL. Kết quả, giá trị hợp lý xác định của NTL là 55.960 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời 30% so với giá đóng cửa ngày 17/12.

Từ những đánh giá trên, BVSC cho rằng NTL là cơ hội hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư 6 tháng với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bền vững và mức định giá vẫn còn đang hấp dẫn. Với định giá theo bình quân gia quyền các phương pháp, BVSC khuyến nghị khả quan với cổ phiếu NTL.

Yuanta: Khuyến nghị mua ACB, giá mục tiêu 39.850 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) là một trong số ngân hàng có nền tảng cơ bản vững chắc nhất tại Việt Nam, với hệ số vốn và chất lượng tài sản vững chắc. Do đó, ngân hàng thường xuyên đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng theo mô hình CAMEL của Yuanta. Đồng thời, ACB là ngân hàng chủ yếu tập trung vào mảng bán lẻ, với 62% tổng cho vay là dành cho khách hang cá nhân và 31% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2022, Yuanta dự báo tăng trưởng cho vay của ACB đạt 15% so với cùng kỳ, mặc dù dự báo năm 2021 giảm còn 13%. Dự báo thu nhập lãi ròng năm 2022 của ACB đạt 21.200 tỷ đồng, tăng trưởng 13% cùng kỳ. Tỷ lệ LDR của ACB ở mức tương đối thấp, đạt 80% (so với mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 85%), giúp ngân hàng linh hoạt hơn trong việc tăng thu nhập từ cho vay.

Yuanta dự báo biên lãi ròng (NIM) của ACB đạt 4% trong năm 2022; dự báo thu nhập phí đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 27% cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bancassurance và khoản phí trả trước từ thương vụ bancasurrance độc quyền sẽ tiếp tục là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí năm 2022 và những năm sau đó.

Dự báo chi phí hoạt động ở mức 9.500 tỷ đồng, tăng 15% cùng kỳ vào năm 2022. Yuanta dự báo trích lập dự phòng đạt 2.600 tỷ đồng, giảm 21% cùng kỳ trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 thứ tư. Dự báo lợi nhuận năm 2022 đạt 11.700 tỷ đồng, tăng trưởng 25%.

Nhìn chung, tỷ lệ LLR cao giúp ACB linh hoạt hơn so với các ngân hàng khác trong việc giảm trích lập dự phòng và thúc đẩy tăng lợi nhuận trong tương lai. Trên thị trường, cổ phiếu ACB đang giao dịch tương ứng P/B dự phóng năm 2022 là 1,6 lần, ngang ngửa trung vị ngành.

Hiện Yuanta khuyến nghị mua dành cho ACB với giá mục tiêu 39.850 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/B 2022 là 1,9 lần, cao hơn 20% so với thị giá ngày 17/12.

Tin mới lên