Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/6): PGV, VCB và DGC

(VNF) - HSC cho rằng nhu cầu điện năng ngày càng gia tăng tại Việt Nam sẽ phản ánh vào doanh thu và lợi nhuận của PGV trong những năm tới. Năm 2022, HSC dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần của PGV lần lượt tăng trưởng 17,2% và 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cho rằng đà tăng trưởng tốt sẽ được duy trì sang năm 2023.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/6): PGV, VCB và DGC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/6): PGV, VCB và DGC

HSC: Khuyến nghị mua PGV với giá mục tiêu 40.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3, HoSE: PGV) là doanh nghiệp phát điện lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng công suất 5.983MW (đóng góp 8,1% tổng công suất lắp đặt hiện tại của cả nước), gồm thủy điện, điện than, điện khí và điện mặt trời. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam được dự báo tăng mạnh, PGV sẽ là đơn vị được hưởng lợi đáng kể.

Theo đó, hiện mức tiêu thụ điện đã phục hồi và sẽ duy trì ở mức cao khi nhu cầu sử dụng quay lại về khoảng thời gian trước giãn cách xã hội. Dự báo trong dài hạn, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2022-2030, do nhu cầu hiện được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 8,7%/năm, nhanh hơn so với bình quân tốc độ tăng trưởng sản lượng điện nội địa là 8,2%/năm.

Theo HSC, nhu cầu điện năng ngày càng gia tăng tại Việt Nam sẽ phản ánh vào doanh thu và lợi nhuận của PGV trong những năm tới. Trong năm 2022, HSC dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần của PGV lần lượt tăng trưởng 17,2% và 12,7% so với cùng kỳ. Sang năm 2023, dự phóng doanh thu và lợi nhuận thuần vẫn giữ đà tăng trưởng tốt với 8,2% và 14,2%, cùng với giả định sản lượng tiêu thụ điện tăng trưởng 7%.

Công ty chứng khoán này cũng dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần điều chỉnh trong giai đoạn 2021-2024 sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR lần lượt là 13,2% và 7,6%. Ngoài ra, HSC kỳ vọng PGV sẽ tạo ra dòng tiền tự do dương và sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lợi nhuận chi trả cổ tức là 73-79% trong giai đoạn 2022-2024.

HSC đưa ra khuyến nghị lần đầu là mua cho PGV với giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 40.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 40%. Cổ phiếu này đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 12,2 lần, thấp hơn 1,3 độ lệch chuẩn so với mức bình quân trong quá khứ là 14,4 lần.

Định giá PGV cũng thấp hơn đáng kể so với các công ty cùng ngành niêm yết trong nước và trong khu vực trên cơ sở P/E và P/MW. HSC cũng lưu ý những rủi ro ảnh hưởng tới khuyến nghị, bao gồm tình trạng thiếu nguồn nhiên liệu và/hoặc thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến lĩnh vực thủy điện; đồng VND mất giá nhiều hơn dự đoán, khiến lỗ tỷ giá cao hơn dự báo; thuế môi trường áp vào than tăng có thể làm giảm lợi nhuận của PGV; khả năng thay đổi các quy định về môi trường có thể khiến PGV phải tăng thêm chi phí đầu tư.

VND: Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VCB

Hết quý I, nhờ các chính sách miễn phí, tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB) đã tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7,3% so với đầu năm để đưa tỷ lệ tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên mức cao lịch sử là 33,4% vào cuối quý.

Mức tỷ lệ CASA này cao thứ 4 trong số các ngân hàng thương mại. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND), VCB hiện đang nắm giữ 8,5% thị phần tiền gửi trong nước, có vị thế tốt nhất để quản trị chi phí huy động ngày càng tăng. Cũng chính vì vậy, VCB là một trong số ít ngân hàng có tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) tăng trong quý I (tăng 24 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 3,4%).

VND kỳ vọng NIM năm 2022 của VCB sẽ ở mức 3,2% nhờ tỷ lệ CASA cao (khoảng 35% vào cuối năm 2022) và tỷ lệ cho vay trên huy động thấp (xấp xỉ 82% vào cuối năm 2022).

Về việc tiếp nhận một tổ chức tài chính, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, VCB và MBB sẽ nhận lại một tổ chức tín dụng đang chịu sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam với chi phí bằng không.

Trong trường hợp này, VCB sẽ được tăng trưởng tín dụng không giới hạn nhưng vẫn phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn bắt buộc (CAR). Báo cáo tài chính của ngân hàng này sẽ không được hợp nhất vào VCB trong giai đoạn tái cơ cấu và NHNN sẽ cung cấp gói cho vay lãi suất 0% nhằm giải quyết một phần lỗ lũy kế.

Sau khi tái cơ cấu, VCB được phép sáp nhập ngân hàng này, hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư, hoặc chào bán ra công chúng (IPO).

VND dự báo thu nhập lãi thuần (NII) của VCB tăng 9,5% và 14,8% so với cùng kỳ trong các năm 2022-2023, cùng với tăng trưởng cho vay đạt 14,5% và 13%; tỷ lệ NIM ổn định ở mức 3,2%.

Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ đạt 28,7% và 21,3% cùng kỳ trong năm 2022-2023 nhờ thu nhập từ phí và hoạt động ngoại hối. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đạt 424,4% cùng với tỷ lệ nợ xấu thấp 0,64% vào cuối năm 2021, giúp VCB giảm chi phí trích lập dự phòng trong 2 năm tới.

Trên thị trường, theo quan điểm của VND, tâm lý thị trường tiêu cực từ các quy định chặt chẽ về thị trường vốn đã làm giảm giá cổ phiếu của VCB trong thời gian qua, nhưng tạo cơ hội tích lũy cổ phiếu này trong dài hạn. Cho nên, VND khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VCB với mức giá mục tiêu 95.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25,6% so với thị giá hiện tại.

MASVN: Khuyến nghị mua DGC với mức sinh lời dự kiến khoảng 27%

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận định, năm 2021, cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) phụ thuộc lớn vào xuất khẩu khi chiếm đến 68% tổng doanh thu. Trong khi đó, tệp khách hàng của DGC đang có sự mở rộng đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn nguồn cung phốt pho thế giới trong năm 2021 và 2022 chịu nhiều yếu tố thiếu ổn định từ dịch bệnh, chiến tranh, đóng cửa nền kinh tế...

Sang năm 2021, kết thúc quý I, doanh thu và lãi ròng của DGC đạt 3.634 tỷ đồng và 1.336 tỷ đồng, lần lượt tăng 86% và 370% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, biên lợi nhuận gộp đạt 47%, cao hơn mức 22,1% cùng kỳ nhờ lợi thế nguồn nguyên liệu đầu vào apatit chủ động được khoảng 30% đã giúp lợi nhuận cải thiện tốt; sản lượng và giá bán các mặt hàng đều có sự gia tăng tốt; nhu cầu phốt pho thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trên thị trường thế giới, giá phốt pho vàng đang diễn biến theo chiều hướng tăng trong 5 tháng đầu năm do nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhu cầu phát triển các sản phẩm bán dẫn gia tăng, đặc biệt là nhu cầu chip. MASVN cho rằng, việc thiếu hụt chip đang trở nên thường xuyên hơn do nhiều yếu tố như dịch Covid-19, chiến tranh...

Ngoài ra, nhu cầu sản xuất pin xe điện gia tăng, đặc biệt khi giá xăng dầu lên cao cũng khiến nhu cầu phốt pho vàng tiếp tục gia tăng.

Một thông tin đáng chú ý, đó là DGC đang có kế hoạch khảo sát đầu tư tại Đắk Nông với 2 dự án, bao gồm tổ hợp bô xít với vốn đầu tư lên tới 57.000 tỷ đồng (quy mô 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm cùng 3 nhà máy tuyển quặng công suất 5,8 triệu tấn quặng tỉnh/năm) và nhà máy sản xuất phân bón NPK với công suất 200.000 tấn/năm và phân bón kali 4.800 tấn/năm.

MASVN dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của DGC năm 2022 là 15.253 tỷ đồng và 5.174 tỷ đồng, tăng 60% và 117% so với mức thực hiện của năm trước. Công ty chứng khoán này giả định, giá bán duy trì tốt giúp biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng lên mức 42%; Axit Phosphoric điện tử đạt sản lượng 45.000 tấn.

Dù vậy, giả định này vẫn chưa tính đến việc triển khai mỏ Apatit mới và mảng bất động sản của DGC chưa phát sinh doanh thu trong dự báo năm 2022.

Như vậy, EPS dự phóng 2022 đạt 13.937 đồng, tương ứng P/E ở mức 9,7 lần. Do đó, MASVN đánh giá tích cực dành cho cổ phiếu DGC, với vị thế doanh nghiệp dẫn đầu ngành hóa chất, nỗ lực vươn tầm thế giới; giá phốt pho vàng kỳ vọng đạt mức cao năm 2022; dự án Nghi Sơn khởi công trong năm 2022, tạo điểm nhấn tăng trưởng dài hạn.

Hiện MASVN khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 12 tháng là 167.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời dự kiến khoảng 27%.

Tin mới lên