Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/4): VTP, AST và BMP

(VNF) - Theo SSI, VTP dường như đang đi đúng hướng để giành lại thị phần bằng cách tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ và đầu tư cơ sở hạ tầng, mặc dù con đường tăng trưởng lợi nhuận có thể khó khăn hơn một chút vào thời điểm hiện tại.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/4): VTP, AST và BMP

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/4): VTP, AST và BMP

VTP: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 35.000 đồng/cổ phiếu

Năm 2023, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) lên kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với tăng trưởng doanh thu cốt lõi là 30% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 46% so với cùng kỳ.

Trong những năm gần đây, công ty thường không đạt được kế hoạch đặt ra tại ĐHCĐ, vốn được đặt ở mức tương đối cao. Điều này có thể lý giải vì động lực cạnh tranh của ngành hiện rất phức tạp, VTP khó có thể dự đoán trước. Công ty Chứng khoán SSI không cho rằng tình hình về cơ bản đã thay đổi trong năm 2023.

Do đó, SSI cho rằng kế hoạch 2023 tiếp tục không phải là chỉ báo tin cậy cho lợi nhuận thực tế của công ty, do năm nay ghi nhận nhu cầu thấp hơn, cũng như chi phí vận hành và đầu tư vốn cao hơn.

Mức tiêu dùng đang chậm lại và sẽ tiếp tục duy trì trong các quý còn lại trong năm nay, do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng thấp hơn.

Do đó, SSI ước tính tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (cả thị trường B2C và C2C) sẽ giảm xuống mức 5% so với cùng kỳ trong năm nay (từ mức 20 - 30% trong những năm trước), đạt 27 tỷ USD trong năm 2023.

Đối với thị trường chuyển phát nhanh sẽ phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, vì hầu như mọi giao dịch thương mại điện tử đều cần sử dụng dịch vụ chuyển phát.

SSI cho rằng cuộc chiến giá cả hiện tại sẽ tiếp tục, nhưng với tốc độ chậm hơn một chút so với các năm trước, do đó SSI giảm giả định giá bán trung bình 5% so với cùng kỳ cho toàn ngành (mức giảm giá năm trước là 12-13% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2022).

Với tình hình này, SSI cũng kỳ vọng ngành sẽ hợp nhất nhanh hơn, vì những công ty nhỏ sẽ khó khăn để kiếm được lợi nhuận. Đối với VTP, SSI kỳ vọng sự cải thiện về dịch vụ hiện tại sẽ giành lại một phần thị phần, ngay cả khi lợi nhuận thấp hơn do giảm giá, chi phí nhân công cao hơn và chi phí đầu tư cao hơn sẽ tiếp tục duy trì.

Do đó, SSI kỳ vọng thị phần sẽ cải thiện lên 17% (từ mức trung bình 15% trong năm 2022), trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống mức 6% (từ mức 6,4% trong năm 2022).

Nhìn chung, SSI kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cốt lõi năm 2023 là 14% so với cùng kỳ (thấp hơn kế hoạch tại ĐHCĐ), trong khi lợi nhuận trước thuế ước tính chỉ tăng 11% so với cùng kỳ (thấp hơn kế hoạch tại ĐHCĐ). Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến đạt 360 tỷ đồng.

Trong năm 2024, SSI cho rằng còn quá xa để đưa ra những ước tính chắc chắn vào thời điểm hiện tại, do sự phục hồi kinh tế và câu chuyện cạnh tranh còn là một ẩn số.

Tuy nhiên, giả định trong kịch bản cơ sở của SSI là năm 2024 có thể ghi nhận mức tăng trưởng mạnh hơn của thị trường thương mại điện tử từ sự phục hồi kinh tế (giả định của SSI là 15% so với cùng kỳ), trong khi giá bình quân của chuyển phát nhanh vẫn ở mức thấp như năm 2023.

SSI cũng giả định rằng VTP sẽ tăng thêm thị phần lên 18% vào năm 2024 và tỷ suất lợi nhuận gộp cốt lõi của công ty sẽ tăng lên 6,5% nhờ hiệu quả hoạt động cao hơn.

Do đó, SSI kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 có thể quay trở lại mức 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, SSI cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các quý sắp tới để xem xét có cần điều chỉnh ước tính hay không.

Theo quan điểm của SSI, mặc dù khó xác định chính xác các động lực cạnh tranh của ngành, nhưng SSI cho rằng quý IV/2022 có thể là quý ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức thấp nhất khi nhìn sang đến cuối năm sau. Lý do để SSI đưa ra nhận định như vậy là do với tỷ lệ sở hữu nhà nước ở VTP sẽ không cho phép công ty kinh doanh thua lỗ nên khó có thể giảm giá sâu thêm.

Một điểm tích cực khác là công ty dường như đang đi đúng hướng để giành lại thị phần bằng cách tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ và đầu tư cơ sở hạ tầng, mặc dù con đường tăng trưởng lợi nhuận có thể khó khăn hơn một chút vào thời điểm hiện tại.

Ở mức giá hiện tại, VTP đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2023 là 12,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 23 lần của các công ty cùng ngành và P/E lịch sử khoảng 20 lần, tương đương với P/E chung của thị trường. SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 35.000 đồng/cổ phiếu.

AST: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 72.700 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lượng khách quốc tế phục hồi đang thúc đẩy doanh số/cửa hàng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST).

VCSC ước tính doanh thu/cửa hàng của AST năm 2022 đạt một nửa so với năm 2019 trong khi lượng hành khách hàng không trong nước vượt mức năm 2019.

Do đó, VCSC dự báo doanh thu/cửa hàng năm 2023 đạt 80% so với mức năm 2019 do lượng hành khách hàng không quốc tế (bao gồm cả người Việt Nam) sẽ trở lại mức 77%.

Theo AST, sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3, số lượng hành khách Trung Quốc và hành khách theo lịch trình từ Trung Quốc đã phục hồi — đặc biệt là trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày của khách Trung Quốc vào đầu tháng 5/2023. Theo ban lãnh đạo, khách Trung Quốc bao gồm nhóm khách có chi tiêu du lịch cao.

AST đã mở rộng số lượng cửa hàng của công ty trong giai đoạn dịch Covid-19 nhờ vào vị thế tài chính mạnh. Số lượng cửa hàng không miễn thuế của AST đạt 120 cửa hàng vào cuối năm 2022 so với 88 cửa hàng vào cuối năm 2019 và số lượng cửa hàng miễn thuế của AST đã tăng gấp đôi từ 5 lên 10 trong cùng kỳ. VCSC dự báo số lượng cửa hàng miễn thuế sẽ đạt 147 cửa hàng vào cuối năm 2025.

VCSC dự báo lợi nhuận của AST sẽ tăng mạnh nhờ đòn bẩy hoạt động. Chi phí SG&A/doanh thu giảm xuống còn 43% trong quý IV/2022 so với 50% trong 9 tháng đầu năm 2022 mặc dù sân bay đã giảm hỗ trợ tiền thuê từ giữa năm 2022. VCSC dự báo tỷ lệ này sẽ lần lượt đạt 40% và 38% vào các năm 2023 và 2024. Những dự báo này cao hơn mức 34% của năm 2019 do doanh số/cửa hàng thấp hơn.

AST đã được đưa ra khỏi diện kiểm soát nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022. Đầu tháng 4/2022, AST đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát do công ty ghi nhận 2 năm lỗ liên tiếp vào năm 2020 và 2021, khiến AST bị loại khỏi danh sách cho phép giao dịch ký quỹ.

Do AST ghi nhận lợi nhuận dương vào năm 2022, nên cổ phiếu công ty đã được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo vào ngày 6/4/2023.

VCSC kỳ vọng AST sẽ đủ điều kiện để thực hiện giao dịch ký quỹ và được đưa ra khỏi danh sách cảnh báo vào cuối năm 2023 khi công ty góp được lợi nhuận giữ lại dương.

AST có định giá hấp dẫn với P/E dự phóng các năm 2023/2024 lần lượt là 15,1 lần/9,7 lần so với P/E trượt trung bình 2018-2019 là 15 lần. VCSC nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua và nâng giá mục tiêu thêm 12% lên mức 72.700 đồng/cổ phiếu.

BMP: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 80.895 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 mạnh mẽ. Lợi nhuận ròng tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục 280,7 tỷ (tăng 120,3% so với cùng kỳ; tăng 13% so với quý trước). Doanh thu đạt 1.439,9 tỷ (tăng 6,7% so với cùng kỳ; tăng 2,3% so với quý trước).

Với những kết quả trên, BMP đã hoàn thành lần lượt 43%/25,3% dự báo lợi nhuận ròng và doanh thu 2023 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

BVSC ước tính sản lượng tiêu thụ của BMP trong quý I/2023 tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ và 7,3% so với quý trước, hỗ trợ bởi thị phần mở rộng nhờ giá bán giảm (giá bán bình quân trong quý I ước giảm 5% so với cùng kỳ, do BMP tăng tỷ lệ chiết khấu nhằm chia sẻ lợi ích chi phí thấp và hỗ trợ khách hàng).

BVSC duy trì quan điểm rằng BMP được định vị tốt để hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra của ngành, nơi những “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn. Đây là động lực gia tăng sản lượng, chưa kể tới các khoản đầu tư công lớn hơn từ Chính phủ.

Biên EBITDA của BMP mở rộng mạnh mẽ lên mức cao kỷ lục 28,4%, chủ yếu nhờ biên gộp mở rộng đáng kể lên 38,5%, hưởng lợi từ sự chênh lệch lớn giữa giá đầu vào và giá bán (giá đầu vào giảm nhanh hơn so với giá bán).

Điều này vượt trội hơn nhiều so với việc chia sẻ lợi ích chi phí đầu vào thấp với mạng lưới phân phối (chi phí hoạt động tăng lên 13% của doanh thu thuần so với 10,1 - 11,6% trong quý I/2022 - quý IV/2022).

BVSC duy trì khuyến nghị khả quan đối với BMP tại mức giá mục tiêu không đổi là 80.895 đồng/cổ phiếu, trong khi xem xét lại các dự báo do kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp tốt hơn nhiều so với kỳ vọng.

Ở mức giá hiện tại, BMP đang giao dịch tại mức P/E là 8,1 lần (giữa 2024), 7,8 lần (2024), và 7,4 lần (2025), mà BVSC cho là hấp dẫn, với trung bình P/E 5 năm là 11,5 lần; triển vọng vững chắc nhờ vị thế dẫn đầu thị trường; bảng cân đối kế toán mạnh và suất cổ tức hấp dẫn 12-12,8%.

Tin mới lên