(VNF) - Sau giai đoạn 4 tháng đầu năm ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực, AGR kỳ vọng các tháng kế tiếp FPT sẽ ký kết được thêm nhiều hợp đồng mới giúp tăng cường doanh thu công nghệ trong nước, mảng chủ lực của doanh nghiệp này.
Công ty Cổ phần FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm, trong đó doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.080 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng cải thiện từ 15% lên 16% nhờ đóng góp của mảng chuyển đổi số.
Mảng công nghệ giữ đà tăng trưởng 2 chữ số, bao gồm doanh thu và lợi nhuận tăng 28% và 27% cùng kỳ, lần lượt đạt 7.376 tỷ đồng và 1.045 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội.
Mảng công nghệ nước ngoài đạt doanh thu 5.540 tỷ đồng (tăng 29% cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế tăng 32%. Điều này là nhờ giá trị các đơn hàng ký mới nước ngoài tăng trưởng hơn 40% đạt 9.018 tỷ đồng.
Mảng công nghệ trong nước ghi nhận tăng trưởng doanh thu 86% lên 336 tỷ đồng với các sản phẩm Made – by – FPT cung cấp các giải pháp công nghệ cho Chính phủ, các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trong 4 tháng, FPT đã thành công ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với tỉnh Sóc Trăng, Quảng Trị và đang tư vấn chuyển đổi số cho các tỉnh Hưng Yên, Nam Định.
Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) kỳ vọng các tháng sau FPT sẽ ký kết được thêm nhiều hợp đồng mới giúp tăng trưởng doanh thu công nghệ trong nước.
Ngoài ra, mảng chuyển đổi số tiếp tục ghi nhận các kết quả ấn tượng khi tăng hơn 90% so với cùng kỳ nhờ đóng góp chính từ dịch vụ đám mây (Cloud), góp phần cải thiện biên lợi nhuận của mảng công nghệ.
Các mảng viễn thông và giáo dục, đầu tư còn lại cũng có kết quả tăng trưởng khả quan, cho thấy FPT đang chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực cho mảng công nghệ để có thể cạnh tranh với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, FPT cũng sắp chi trả cổ tức tỷ lệ 10% tiền mặt và 20% cổ phiếu trong tháng 6 và tháng 7 tới đây. Với mức tăng trưởng trên 20%/năm và tỷ lệ tiền mặt đều đặn, AGR đánh giá FPT sẽ vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Hiện nay, FPT đang được giao dịch ở P/E hấp dẫn ở mức 17,3 lần. Do đó, AGR khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 140.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 năm (triển vọng tăng giá 42% từ thị giá hiện tại). Tỷ lệ cắt lỗ là 10%.
ACBS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM
Vinhomes (HoSE: VHM) ghi nhận doanh thu quý I đạt 8.923 tỷ đồng, giảm 31% cùng kỳ 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 4.725 tỷ đồng, giảm 14%, thực hiện tương ứng 12% và 16% kế hoạch đã xây dựng.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, sự sụt giảm chủ yếu do số lượng căn bán lẻ được bàn giao ít hơn (khoảng 2.000 căn so với khoảng 2.900 căn); doanh thu bán sỉ điều chỉnh thấp hơn (khoảng 5.000 tỷ đồng so với xấp xỉ 5.300 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 25% cùng kỳ lên 1.404 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 32% cùng kỳ, lên 477 tỷ đồng do quý I/2021 ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư 236 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình bán hàng trong quý I của VHM vẫn chứng kiến kết quả ấn tượng với 9.400 căn được bán ra (tăng 490% cùng kỳ) với giá trị hợp đồng là 16.500 tỷ đồng (tăng 175%), trong đó ba giao dịch bán sỉ chiếm 44%. Giá trị hợp đồng chưa ghi nhận doanh thu vào cuối quý I tăng nhẹ 9% theo quý và tăng 3% theo năm, đạt 57.000 tỷ đồng.
Năm 2022, VHM đặt mục tiêu bán hàng rất cao ở mức 5-6 tỷ USD (tăng 25-50% so với năm 2021) nhờ mở bán các căn thấp tầng tại các dự án lớn mới là Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire (trước đây là Vinhomes Dream City) đã mở bán vào cuối tháng 4, tiếp theo là Vinhomes Đại An (hay còn gọi là Vinhomes Ocean Park 3), Vinhomes Wonder Park và Vinhomes Cổ Loa.
Theo ban lãnh đạo công ty, VHM mở bán 5.300 căn thấp tầng trong đợt bán hàng đầu tiên tại Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire với giá bán 1.300-2.200 USD/m2 GFA và đạt tỷ lệ hấp thụ tốt.
ACBS kỳ vọng tỷ lệ hấp thụ tốt tại các dự án mới với giá trị hợp đồng ước đạt 4,8 tỷ USD nhờ nguồn cung hạn chế trên thị trường bất động sản liền thổ, nhu cầu ổn định từ khách hàng mua sỉ và thương hiệu VHM.
Đáng chú ý, tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, VHM đã công bố kế hoạch phát triển 500.000 căn nhà ở xã hội diện tích 24-70 m2 với giá bán dự kiến 300-950 triệu đồng/căn mang thương hiệu ‘Happy Home’ trong 5 năm tới. Mỗi dự án có diện tích trên 50-60ha nằm ở khu vực ngoại thành Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Dự án đầu tiên có thể được khởi công vào tháng 8/2022 và bàn giao vào tháng 6/2023.
Thông tin này có tác động tích cực đến hình ảnh và trách nhiệm xã hội của VHM do tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng cho người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, VHM sẽ đứng vững trong giai đoạn đầy thách thức hiện tại và triển vọng dài hạn vẫn tích cực nhờ quỹ đất lên đến 168 triệu m2, tình hình tài chính tốt (tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu giảm từ 66,5% xuống 12,7% trong giai đoạn 2016 - quý I/2022), khả năng huy động vốn tốt và vị thế dẫn đầu (thị phần 27% ở tất cả các phân khúc căn hộ và 19% ở phân khúc bất động sản liền thổ trong giai đoạn 2016-2021).
ACBS dự phóng doanh thu thuần năm 2022 là 73.540 tỷ đồng (giảm 13% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 31.479 tỷ đồng (giảm 19%), tương đương 98% và 105% kế hoạch của công ty và kỳ vọng sự phục hồi vào năm 2023 với doanh thu thuần đạt 94.482 tỷ đồng (tăng 28% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 33.813 tỷ đồng (tăng 7%), nhờ doanh số bán hàng năm 2022 tăng mạnh.
Từ đó, ACBS nhắc lại khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này với giá mục tiêu năm 2022 là 98.385 đồng/cổ phiếu, dựa theo phương pháp NAV.
KBSV: Khuyến nghị mua cổ phiếu VCB
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB) đã thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 15% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý I, ngân hàng cho biết tín dụng đã tăng trưởng 7% so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) là 0,8% (tăng 9 điểm cơ bản so với quý liền kề, nhưng giảm 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Ngân hàng kỳ vọng kiểm soát nợ xấu dưới 1% trong năm 2022.
Quý I, VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9.900 tỷ đồng, tăng 23% so với quý liền trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng hoàn thành 32% kế hoạch cả năm.
Trong năm nay, VCB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 55.900 tỷ đồng, tăng 18% so với hiện tại, thông qua phát hành 857 triệu cổ phiếu để chia cổ tức.
Đáng chú ý, tương tự như MBB, VCB sẽ nhận chuyển giao và tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém. Việc nhận chuyển giao sẽ tạo cơ hội cho VCB mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng và mạng lưới hoạt động. VCB sẽ không hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém vào báo cáo tài chính hợp nhất của VCB.
Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạn chế hạn mức room tăng trưởng tín dụng đối với VCB nếu tỷ lệ CAR của VCB có thể đáp ứng theo quy định. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cho phép VCB chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Ban lãnh đạo kỳ vọng giai đoạn này sẽ không quá 8-10 năm.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua đối với cổ phiếu VCB. Giá mục tiêu là 95.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24% so với giá đóng cửa ngày 25/5.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone