Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 28/6: BID, HAH và HHV

(VNF) - SSI lặp lại khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HAH với giá mục tiêu là 52.900 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, nâng ước tính LNST của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) năm 2024 lên 554 tỷ đồng.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 28/6: BID, HAH và HHV

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 28/6: BID, HAH và HHV.

BID: VDSC khuyến nghị tích lũy, giá mục tiêu là 48.600 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) cho thấy vị thế là một trong những ngân hàng đầu ngành khi duy trì tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 9% so với cùng kỳ và thu nhập phí dịch vụ tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Mặc dù, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng ở mức 6,5%, chi phí dự phòng đã trở thành yếu tố giúp LNTT của BID ghi nhận mức tăng trưởng cao đạt 53% so với cùng kỳ.

Chi phí huy động (quy năm) tiếp tục tăng, phản ánh quá trình tăng lãi suất tiền gửi liên tục diễn ra trong những tháng cuối năm 2022, với mức tăng 81 bps so với quý trước. Trong khi đó, lãi suất cho vay ghi nhận độ trễ trong việc tái định lãi suất, với việc lãi suất cho vay bình quân ghi nhận tăng 57 bps dẫn đến mức tăng 61 bps trong lợi suất tài sản sinh lãi. Điều này khiến NIM của BID tiếp tục giảm 15 bps so với quý trước, đạt 2,67% trong quý I/2023. Tuy vậy, việc phân bổ tỷ trọng các khoản cho vay có lợi suất cao trong tổng tài sản sinh lãi đã đóng góp tích cực cho NIM, bù đắp cho lợi suất đầu tư trái phiếu bình quân tương đối thấp hơn.

Việc tăng cường trích lập nhằm bổ sung bộ đệm dự phòng các năm về trước sẽ tạo cơ sở cho ngân hàng giảm chi phí tín dụng trong thời gian tới. Chi phí tín dụng của BID được VDSC dự phóng lần lượt ở mức 1,4% và 1,2% cho năm 2023 và 2024, so với mức dao động 1,67%-2,3% trong giai đoạn 2018-2022. Dự phóng LNTT cho năm 2023-2024 lần lượt là 26.992 tỷ đồng (tăng 17,3%) và 35.305 tỷ đồng (tăng 30,8%).

Giá mục tiêu của BID mà VDSC đưa ra là 48.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với PBR 2,0x với mức sinh lời 9,7% so với giá đóng cửa ngày 27/06/2023, do đó công ty chứng khoán này cũng khuyến nghị tích lũy cổ phiếu BID.

HAH: SSI lặp lại khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 1 năm mới là 52.900 đồng/cổ phiếu

CTCP Vận tải & Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) đã tổ chức ĐHCĐ vào ngày 20/6/2023, tại đây công ty đã đặt ra kế hoạch và mục tiêu cho năm 2023, đồng thời bầu HĐQT mới do HĐQT tiền nhiệm đã hết nhiệm kỳ 5 năm.

Cụ thể, công ty đặt kế hoạch NPATMI giảm 40% trong năm 2023 do ngành vận tải container đang trong chu kỳ đi xuống ở cả thị trường thế giới cũng như tại Việt Nam, dẫn đến giá cước thấp hơn đáng kể (giá giao ngay giảm 70% so với cùng kỳ trong khi giá cho thuê tàu giảm 50% so với cùng kỳ).

Về khối lượng, công ty đặt kế hoạch cao hơn một chút ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh (vận tải biển, cảng và depot), nhờ công suất hoạt động cao hơn từ các tàu mới (3 tàu mới vào năm 2023) và các dịch vụ quốc tế mới (với liên doanh ZIM-Hải An và gần đây đã chính thức đổi tên thành Lotus Link).

Về đầu tư, công ty sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng đội tàu, cùng với việc nhận tàu Haian Rose từ cuối 2022, cũng như nhận 4 tàu feeder được đóng mới, mỗi quý một tàu từ quý IV/2023 với tổng vốn đầu tư là 120 triệu USD.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, khi kết thúc chu kỳ đầu tư này, HAH sẽ có một đội tàu gồm 15 tàu lớn hơn nhiều so với thời điểm trước Covid (7 tàu) và tiếp tục sở hữu đội tàu container lớn nhất trong nước, đồng thời công ty cũng đặt mục tiêu được xếp trong nhóm 100 công ty vận tải container toàn cầu theo công suất hoạt động trong năm 2024.

Để tài trợ cho các khoản đầu tư này, công ty sẽ trích từ lợi nhuận giữ lại (dưới hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu 50% để tăng vốn điều lệ) và phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, cả hai phương án đều đã được ĐHCĐ thông qua. Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu dài hạn có kỳ hạn 5 năm, với lãi suất coupon tối đa là 6%/năm và với giá chuyển đổi không thấp hơn 1,1 lần giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu HAH tại thời điểm chuyển đổi (hiện tại, 1,1 lần giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu HAH là 37.000 đồng/cổ phiếu tính tại thời điểm cuối quý I/2023). Trái phiếu dự kiến phát hành vào năm 2023 hoặc 2024, tùy thuộc vào điều kiện thị trường và sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Theo đó, SSI dự báo NPATMI của HAH sẽ giảm mạnh đạt 554 tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) trong năm 2023 trước khi đi ngang ở mức 553 tỷ đồng (giảm 0,2% so với cùng kỳ) trong năm 2024. Kết quả NPATMI dựa trên giả định công suất tăng 40% (từ 4 tàu đóng mới) và giá cho thuê tàu bình quân thấp hơn, trong khi giá cho thuê nội địa và sản lượng được cải thiện so với cùng kỳ.

SSI cũng lặp lại khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HAH với giá mục tiêu 1 năm mới là 52.900 đồng/cổ phiếu đồng thời nâng ước tính LNST của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) năm 2024 lên 554 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ nhờ diễn biến tích cực gần đây và kỳ vọng giá cước vận tải tiếp tục phục hồi, theo đó thị trường có thể định giá lại ngành.

Trong ngắn hạn, SSI kỳ vọng lợi nhuận quý II/2023 có thể vẫn thấp do thị trường giao ngay hiện tại vẫn chưa yếu, tuy nhiên điều này đã được thị trường kỳ vọng do đó tác động sẽ ít tiêu cực hơn đến giá cổ phiếu.

Rủi ro giảm đối với khuyến nghị của công ty chứng khoán này bao gồm giá dầu cao hơn và/hoặc nhu cầu và đơn hàng phục hồi chậm hơn so với giả định trong kịch bản cơ sở chúng tôi là phục hồi vào nửa cuối năm 2023.

HHV: VNDirect khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu là 19.500 đồng/cổ phiếu

Sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp vào năm 2019, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) đã nhận lại phần vốn góp tại 4 dự án BOT (Build-Operation-Tranfer), bao gồm: dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn; hầm Phước Tượng-Phú Gia; mở rộng quốc lộ 1A (QL1A) đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.

Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng doanh thu mảng thu phí BOT giai đoạn 2023-24 sẽ tăng lần lượt 12,5%/10,7% so với cùng kỳ lên 1.669 tỷ đồng/1.847 tỷ đồng nhờ ba trạm BOT thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả tăng giá vé 18% trong 6 tháng cuối năm 2023 và các trạm BOT cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và QL1 tăng giá 15% trong năm 2024.

Năng lực thi công của HHV đã được chứng minh sau khi hoàn thành hàng loạt công trình giao thông quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao như hầm xuyên núi, hầm bao biển, cao tốc,… Mới đây, HHV là số ít các nhà thầu được chỉ định tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị xây lắp đạt 1.759 tỷ đồng.

VNDirect ước tính giá trị backlog của công ty tại cuối quý I/2023 là 2.907 tỷ đồng, tương đương 6 lần trung bình doanh thu của giai đoạn 2020-2022. Đây sẽ là tiền đề giúp doanh thu mảng xây lắp của HHV bứt phá tăng lần lượt 87%/21% so với cùng kỳ lên 991 tỷ đồng/1.200 tỷ đồng, trong giai đoạn 2023-2024, theo dự phóng của VNDirect.

VNDirect cũng kỳ vọng LN ròng giai đoạn 2023-2024 của HHV sẽ tăng lần lượt 15,3%/28,0% so với cùng kỳ, đạt 304 tỷ đồng/390 tỷ đồng nhờ giá trị backlog lớn hiện tại. Trong dự phóng này, công ty chứng khoán này chưa tính đến khả năng HHV được Nhà nước chấp thuận hỗ trợ 3.460 tỷ đồng tại dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả. Nếu thành công, theo ước tính của VNDirect tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của HHV sẽ giảm mạnh xuống mức 2,1 lần từ mức 2,4 lần tại cuối quý I/2023, qua đó giảm áp lực tài chính cho công ty.

Theo đó, VNDirect lần đầu với khuyến nghị khả quan cho mã cổ phiếu HHV, giá mục tiêu là 19.500 đồng/cổ phiếu.

Từ khoá: BID, BVSC, HHV, VNDirect,
Tin mới lên