Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/6): DXG, CTG và KDC

(VNF) - Các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 29/6, bao gồm DXG, CTG và KDC.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/6): DXG, CTG và KDC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/6): DXG, CTG và KDC

VCSC: Khuyến nghị khả quan DXG, giá mục tiêu 28.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, ngày 26/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Đất Xanh (HoSE: DXG) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên với 33 cổ đông/người được ủy quyền tham dự, chiếm 59% tổng số cổ phần của doanh nghiệp.

Tại phiên họp, các cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2021 với doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 211% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số kỳ vọng đạt 1.350 tỷ đồng, trong khi năm ngoái doanh nghiệp lỗ 496 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận này cao hơn 7% so với dự báo của VCSC là 1.260 tỷ đồng, mà công ty chứng khoán này cho rằng kế hoạch lợi nhuận cao hơn chủ yếu đến từ mảng môi giới bất động sản.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng thông qua phương án không chia cổ tức cho năm 2020 do doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ ròng 496 tỷ đồng trong năm 2020. Đối với kế hoạch cổ tức năm 2021, cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 20% trên mệnh giá bằng tiền mặt và/hoặc cổ phiếu.

Phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:15 (100 cổ phiếu hiện hữu được nhận 15 cổ phiếu phát hành thêm) cũng được cổ đông thông qua và dự kiến thực hiện trong quý III/2021.

Cùng với đó là phương án phát hành riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu (tương đương 38,6% số cổ phiếu đang lưu hành) với giá phát hành không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu và thời gian hạn chế giao dịch là 1 năm.

Do đợt phát hành riêng lẻ dự kiến được thực hiện sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng nói trên nên giá phát hành riêng lẻ sẽ tương đương 23.000 đồng/cổ phiếu trước khi chia cổ phiếu thưởng so với giá đóng cửa ngày 28/6 của DXG là 24.350 đồng/cổ phiếu.

Đối với phương án phát hành ESOP, cổ đông đã chấp thuận số lượng phát hành là 7 triệu cổ phiếu (tương đương 1,35% số cổ phiếu đang lưu hành) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian hạn chế giao dịch sẽ là 2 năm. Việc phát hành ESOP sẽ được thực hiện sau phương án phát hành cổ phiếu thưởng nói trên.

Cuối cùng, cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị lên tới 300 triệu USD với thời gian đáo hạn tối đa 5 năm để tài trợ cho kế hoạch mở rộng quỹ đất của DXG. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ hoàn thành đợt phát hành này trong năm 2021. Các chi tiết như lãi suất và quyền chọn mua lại trái phiếu sẽ do ban lãnh đạo quyết định khi phát hành.

Về nhân sự, hai phó tổng giám đốc là ông Hà Đức Hiếu và bà Đỗ Thị Thái đều được bầu làm thành viên HĐQT mới thay cho ông Lương Trí Thảo và ông Nguyễn Khánh Hưng đã từ nhiệm.

Hiện VCSC đang có khuyến nghị khả quan dành cho DXG với giá mục tiêu 28.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời 15% so với giá đóng cửa ngày 28/6.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho CTG

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, quý I/2021, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HoSE: CTG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 6.452 tỷ đồng, tăng trưởng 167% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu năm là nhờ thu nhập lãi thuần tăng 26,4% cùng kỳ và trích lập dự phòng giảm mạnh so với cùng kỳ; trong khi đó, tăng trưởng cho vay trong kỳ chỉ đạt 0,2% so với hồi đầu năm, nhưng biên lãi ròng (NIM) cải thiện mạnh lên mức 3,29% trong quý I/2021 là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập lãi thuần.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống còn 27,2%, mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua. Tỷ lệ nợ xấu mức 0,88% và trích lập dự phòng giảm mạnh nhờ CTG không phải trích lập dự phòng VAMC do đã xử lý toàn bộ trong quý IV/2020.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế 16.800 tỷ đồng (tăng 2,4% so với năm ngoái), tăng trưởng tín dụng đạt 7,5%, huy động tiền gửi tăng trưởng 8-12% và tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới mức 1,5%.

Lãnh đạo của CTG kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng trong 3 năm tới sẽ đạt 10-12%/năm. Ngân hàng cũng vừa thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017 và 2018, và chia cổ tức tiền mặt cho năm 2019. Tỷ lệ chia cổ tức là 29,07%.

Yuanta đánh giá cao triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của CTG trong năm 2021, chủ yếu nhờ sự cải thiện mạnh mẽ của NIM nhờ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp. Song song đó, ngân hàng cũng ghi nhận một phần lợi nhuận từ thương vụ hợp tác bán chéo sản phẩm với Manulife. Dự phóng lợi nhuận sau thuế của CTG trong năm 2021 tăng trưởng ở mức 49% so với thực hiện năm 2020, đạt 20.500 tỷ đồng.

Trên thị trường, ở mức giá hiện tại, CTG đang được giao dịch tại P/B dự phóng năm 2021 là 2 lần. Đồ thị giá của CTG có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và đồ thị giá biến động trong mô hình chữ nhật (thể hiện trên biểu đồ).

Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của CTG cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với mục tiêu ngắn hạn là 59.690 đồng/cổ phiếu.

PHS: Khuyến nghị nắm giữ đối với KDC

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, dư địa tăng trưởng ngành dầu ăn Việt Nam còn khá lớn. Mức tiêu thụ dầu ăn của người Việt chỉ đạt 9,5 kg/người/năm trong năm 2019, thấp hơn chuẩn WHO khuyến cáo 13,5kg/người/năm. Ước tính lượng tiêu thụ dầu ăn tăng lên 18,6-19,9 kg/người/năm vào 2025.

Đó là yếu tố hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) trong thời gian tới. PHS cho rằng, tăng trưởng doanh thu mảng dầu ăn của KDC sẽ đạt 20% trong 2021 nhờ khai thác hiệu quả kênh phân phối và chiến lược tập trung vào phân khúc cao cấp trong bán lẻ, ít chịu sự cạnh tranh đồng thời hưởng lợi từ việc gia tăng nhu cầu nấu ăn tại nhà trong bối cảnh Covid-19.

Bên cạnh đó, mới đây KDC đã hợp tác với Felda Global Ventures (FGV) và Tập đoàn Indo-Trans Logistics (ITL). Trong đó, FGV của Malaysia là tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn trên thế giới, đảm bảo được nguồn cung dầu cọ nguyên liệu cho doanh nghiệp, còn ITL đóng góp cho liên doanh thông qua dịch vụ logistics.

Như vậy, KDC vừa có nguồn nguyên liệu ổn định, vừa có chi phí vận chuyển hợp lý. Ngoài ra, ban lãnh đạo KDC đã tăng cường dự báo tình hình nguyên liệu và quản lý hiệu quả về tồn kho. Doanh nghiệp đã chủ động tích trữ nguyên vật liệu với giá vốn thấp nhằm hạn chế biến động giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh trong quý I/2021.

Quay trở lại với mảng bánh kẹo từ quý III/2020, KDC đã đẩy mạnh nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra thị trường các sản phẩm ăn vặt, trung thu, bánh tươi. Chiến lược mới của doanh nghiệp là tập trung vào các sản phẩm phân khúc trung và cao cấp có biên lãi gộp cao. PHS ước tính doanh thu mảng bánh kẹo đạt 100 tỷ đồng trong 2021.

Năm 2021, PHS dự phóng doanh thu của KDC đạt 10.076 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với thực hiện năm trước nhờ ngành hàng chính thăng hoa. Những mặt hàng cơ bản đều tăng mạnh trong 2021 tác động tiêu cực đến biên lãi gộp của doanh nghiệp.

Ước tính biên lãi gộp của KDC đạt 19,5% trong 2021 từ mức 21,2% của 2020, lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 510 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 54%.

Hiện PHS khuyến nghị nắm giữ dành cho KDC. Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, công ty chứng khoán này cho rằng mức giá hợp lý cho cổ phiếu KDC khoảng 65.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 8% so với giá hiện tại.

Tin mới lên