Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/8): NKG, IJC và PTB

Tân Mai - 06/08/2021 09:10 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 6/8, bao gồm NKG, IJC và PTB.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/8): NKG, IJC và PTB

SSI: Khuyến nghị mua NKG, giá mục tiêu 1 năm là 42.500 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, yếu tố sản lượng xuất khẩu tăng mạnh sẽ là động lực giúp duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa cuối năm 2021 của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG).

Nhìn lại kết quả kinh doanh quý II, NKG ghi nhận lợi nhuận kỷ lục gần 850 tỷ đồng, tăng gấp 49 lần so với cùng kỳ năm trước, do sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể và giá thép tăng đột biến.

SSI cho rằng, kênh xuất khẩu có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động hết công suất trong thời gian tới bất chấp tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19 đối với nhu cầu trong nước.

Được biết, NKG đã có đơn đặt hàng xuất khẩu trước để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11. SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của NKG trong 2021 lần lượt đạt 26.400 tỷ đồng (tăng 129% so với cùng kỳ) và 2.030 tỷ đồng (tăng 587% so với cùng kỳ), với mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ là 48% so với cùng kỳ và với mức tăng trưởng ASP là 54% theo năm.

NKG đang giao dịch với hệ số P/E dự phóng năm tài chính 2021 và 2022 lần lượt là 3,2 lần và 4,5 lần. Theo quan điểm của SSI, mức định giá này vẫn hấp dẫn, ngay cả khi tính đến khả năng lợi nhuận điều chỉnh trong năm tới.

Công ty chứng khoán này hiện khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 1 năm là 42.500 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/E mục tiêu là 5,5 lần.

SSI kỳ vọng rằng giá cổ phiếu NKG sẽ tăng trong năm 2021 trước khi hạ nhiệt trong năm 2022 khi lợi nhuận trở về mức bình thường. Rủi ro giảm đối với khuyến nghị này là giá thép thấp hơn dự kiến và tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho IJC

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, quý II/2021, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HoSE: IJC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, lần lượt tăng 175% và 339% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, IJC ghi nhận doanh thu 1.978 tỷ, lợi nhuận sau thuế 469 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 194% so với cùng giai đoạn 2020. Với kết quả này, IJC đã hoàn thành 65% chỉ tiêu doanh thu và 75% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Theo Yuanta, doanh thu của IJC tăng trưởng chính là nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản, đóng góp 427 tỷ, gấp 5,2 lần cùng kỳ, từ việc bàn giao các dự án Sunflower, IJC và Hòa Lợi.

Tại ngày 30/6/2021, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn của IJC cũng tăng mạnh 56% so với đầu năm. Do đó, Yuanta đánh giá việc hoàn thành kế hoạch là rất khả quan với tiến độ bán hàng và bàn giao hiện tại của IJC trong năm.

Ở giai đoạn 5 năm tới, IJC sẽ tiếp tục khai thác quỹ đất hiện tại 68 ha và mảng bất động sản dân dụng sẽ chiếm trung bình 65 - 75% tổng doanh thu mỗi năm. Trong đó, Bình Dương là khu vực phát triển mạnh và hưởng lợi từ xu hướng FDI vào Việt Nam.

Với lợi thế thương hiệu Becamex cũng như IJC sở hữu quỹ đất sạch tại các vị trí đẹp, quỹ đất này có thể đảm bảo tăng trưởng trong trung hạn cho IJC.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, IJC đang được giao dịch tại mức P/E dự phóng là 6,3 lần (tương ứng EPS dự phóng là 3.957 đồng). Xu hướng ngắn hạn của IJC được nâng lên mức tăng, do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

BVSC: Khuyến nghị trung lập đối với PTB

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) đã có một nửa đầu năm kinh doanh khởi sắc, với doanh thu thuần đạt 3.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 228 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 52% so với cùng giai đoạn năm 2020.

Trong đó, mảng gỗ ghi nhận tăng trưởng rất tích cực. Bất chấp tình hình dịch bệnh khó khăn trong nước và sự chậm lại của việc triển khai và hoàn thiện các dự án bất động sản, doanh thu mảng gỗ của PTB vẫn tăng ấn tượng 40% so với cùng kỳ, lên 1.817 tỷ.

Kết quả này được thúc đẩy bởi hai động lực chính, bao gồm doanh thu xuất khẩu đạt 1.544 tỷ đồng, chiếm 85% doanh thu mảng gỗ, do vậy xuất khẩu vẫn là yếu tố chính giúp mảng gỗ tăng trưởng.

Thị trường Mỹ vẫn là điểm nhấn chính, với việc gia tăng số lượng các đơn hàng từ các đối tác lâu năm của PTB như Masterbrand Cabinets INC, Noble House Home Furnishings LLC, Yaraghi LLC, Ashley, Melissa & Doug LLC vì nhu cầu sửa chữa nhà cửa do ảnh hưởng của dịch ở Mỹ tiếp tục tăng cao.

Giá gỗ nguyên vật liệu ở Mỹ tăng đột biến 88% trong khoảng thời gian từ 31/12/2020 tới 10/5, dẫn tới giá bán của thành phẩm như tủ bếp hay sofa - sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của PTB tăng.

Bên cạnh đó, nhà máy gỗ Bình Định của PTB đi vào hoạt động giúp doanh nghiệp có khả năng cung ứng đủ cho các đơn hàng tăng nhanh từ khách hàng.

Mặt khác, mảng kinh doanh ô tô đã không còn ghi nhận lỗ, tuy nhiên mảng kinh doanh và sản xuất đá ốp lát không có nhiều đột biến trong kỳ.

BVSC dự báo, năm 2021, doanh thu thuần của PTB ước đạt 7.658 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế ước đạt 521 tỷ đồng, tăng 45,2% so với kết quả năm ngoái.

Đáng chú ý, BVSC cho rằng, mặc dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm và dự báo nửa cuối năm khá hấp dẫn, song do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công ty chứng khoán này vẫn khuyến nghị trung lập với PTB tại thời điểm hiện nay.

Với mức giá mục tiêu là 98.249 đồng/cổ phiếu, theo phương pháp DCF, tương ứng với mức P/E dự phóng năm 2021 là 9 lần. Tổng mức sinh lời dự kiến khá sát với mức giá đóng cửa ngày 5/8 (97.600 đồng/cổ phiếu).

Cùng chuyên mục
Tin khác