Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/11): TCM, LCG và TPB

Tân Mai - 08/11/2021 06:04 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 8/11, bao gồm TCM, LCG và TPB.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/11): TCM, LCG và TPB

PHS: Khuyến nghị nắm giữ đối với TCM

Kết thúc 9 tháng năm 2021, doanh thu của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) đạt 2.707 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 64% kế hoạch năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 119 tỷ đồng, thấp hơn 41% cùng kỳ và xấp xỉ 42% kế hoạch cả năm.

Được biết, thị trường trọng điểm của TCM là Mỹ và Hàn Quốc. Doanh thu của hai thị trường này lần lượt đạt 33,2 triệu USD và 32 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, chiếm 29% và 28% tổng doanh thu giai đoạn nay. Trong kỳ, lợi nhuận suy giảm là do chi phí hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" và áp lực chi phí vận chuyển gia tăng, đã làm giảm khá mạnh biên lãi ròng của TCM.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, TCM sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh gồm sợi, dệt, đan, nhuộm, may và phân phối, giúp TCM tự chủ nguồn cung vải, ổn định biên lợi nhuận. Tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhằm khắc phục “điểm nghẽn” của ngành là điểm vượt trội của TCM so với các doanh nghiệp khác.

Hồi tháng 4/2021, TCM đã đầu tư xây dựng nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long. Đó là nhà máy có công suất 12 triệu sản phẩm/năm, đi vào hoạt động sẽ tăng công suất may thêm 50% lên 36 triệu sản phẩm/năm trong năm 2022. Hơn nữa, TCM sẽ đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong năm 2022, sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm 33% công suất vải đan và 50% công suất vải dệt.

Trước đó, trong năm 2019, TCM đã gia nhập chuỗi giá trị của Adidas, việc nhà máy Vĩnh Long số 2 đi vào hoạt động sẽ giúp TCM tháo gỡ thách thức trong năm 2019.

TCM cũng đã hợp tác với Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) gia tăng công tác R&BD, để phát triển các loại vải có tính năng nổi trội, mang lại giá trị sản phẩm cao hơn. Năm 2020, TCM đã cho ra mắt thương hiệu thời trang INNOF bán trong nước và ONLEE bán trên Amazon.

Bên cạnh đó, TCM được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA.

Nhờ sự hỗ trợ của nhu cầu dệt may khả quan và nhà máy mới (Vĩnh Long), PHS ước tính doanh thu thuần năm 2022 của TCM là 4.399 tỷ đồng, tăng 17,3% cùng kỳ năm trước. Công ty chứng khoán này cho rằng trong năm 2022 nhờ sự hạ nhiệt của giá cước vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào và việc tiết giảm được chi phí hoạt động trong thời kỳ bình thường mới sẽ giúp biên lợi nhuận ròng cải thiện từ mức 5,1% của năm 2021 lên 6,5% trong năm 2022.

Qua đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt khoảng 284 tỷ đồng (tăng 47,8% cùng kỳ). Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS đưa ra khuyến nghị nắm giữ với mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu TCM là 80.800 đồng/cổ phiếu.

MASVN: Khuyến nghị mua LCG, giá mục tiêu 22.200 đồng/cổ phiếu

Lũy kế 9 tháng, Công ty Cổ phần Licogi 16 (HoSE: LCG) ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 1.709 tỷ và 174 tỷ đồng, lần lượt giảm 27,4% và 11,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, doanh thu mảng xây dựnggiảm mạnh 45% cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh; ngược lại mảng bất động sản tăng trưởng 246% cùng kỳ do ghi nhận chuyển nhượng dự án; biên lợi nhuận gộp trong kỳ tăng từ 14,6% lên 18,7%.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho rằng, chính sách đầu tư công của Chính phủ sẽ được thực thi mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2022 trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế sẽ là động lực để hỗ trợ mảng xây lắp của LCG.

Năm 2021, dự báo doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ của LGC đạt 2.617 tỷ và 231 tỷ đồng, giảm 26% và 25,7% cùng kỳ, trong đó mảng xây dựng ghi nhận doanh thu giảm 41%.

Năm 2022, ước tính doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ phục hồi lên mức 3.772 tỷ và 426 tỷ đồng, tăng mạnh 44,1% và 84,2% cùng kỳ. Động lực tăng trưởng tới từ doanh thu mảng xây dựng được kỳ vọng phục hồi mạnh, tăng 71,4% cùng kỳ lên mức 3.392 tỷ đồng, đến từ nhiều dự án như cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, nhà máy điện gió Chơ Long...

EPS dự phóng năm 2022 ước đạt 2.440 đồng, tương ứng P/E năm 2022 đạt 7,4 lần. Hiện MASVN khuyến nghị mua dành cho LCG với giá mục tiêu 1 năm là 22.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23,3% so với giá đóng cửa ngày 5/11.

AGR: Khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho TPB

Gộp chung 3 quý năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank, HoSE: TPB) đạt 9.906 tỷ đồng (tăng 39,5% cùng kỳ), trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 9,5% cùng kỳ đã giúp lợi nhuận sau thuế đạt 3.515 tỷ đồng (tăng 45,3% cùng kỳ) và hoàn thành 80% kế hoạch cả năm.

Hỗ trợ tăng trưởng của TPB tới từ thu nhập lãi thuần cùng khoản thu nhập ngoài lãi tăng ấn tượng bởi hoạt động đầu tư.

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của TPB sẽ trở lại mạnh mẽ và biên lãi ròng (NIM) giữ ổn định. Theo đó, mặc dù được Ngân hàng Nhà nước nới room tăng trưởng tín dụng từ mức 10,5% lên 17,4%, tuy nhiên tín dụng của TPB trong quý III chỉ nhích nhẹ lên mức 11,6% do cầu tín dụng khách hàng giảm từ ảnh hưởng Covid-19.

AGR cũng kỳ vọng tốc độ giải ngân sẽ tăng trở lại trong quý IV khi các hoạt động kinh tế dần trở về bình thường. Về NIM, mặc dù quý III giảm nhẹ về 4,13% do TPB thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, tuy nhiên dự báo quý cuối năm sẽ giữ ổn định nhờ CASA tiếp tục cải thiện khi ứng dụng ngân hàng số.

Năm 2021, mặc dù TPB không còn ghi nhận phí bancassurance do Sunlife trả trước như năm 2020 (hơn 900 tỷ đồng), tuy nhiên khoản thu từ lãi đầu tư trái phiếu trong quý III vẫn tăng ấn tượng gấp 11 lần cùng kỳ, qua đó giúp doanh thu ngoài lãi tăng vượt trội 162% so với cùng kỳ. AGR kỳ vọng, kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được phản ánh trong các quý tới của ngân hàng.

Đáng chú ý, TPB vừa hoàn tất việc phát hành 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng (tương ứng 9,3% vốn điều lệ). Sau đợt phát hành này, TPB lên kế hoạch tiếp tục tăng vốn lần 2 với quy mô 410 triệu cổ phiếu (tỷ lệ phát hành 35%) để nâng tổng vốn điều lệ lên 15.816 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhờ việc tích cực xử lý nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2021, số dư nợ xấu đã giảm 3% giảm cùng kỳ giúp cho tỷ lệ nợ xấu (NPL) của TPB hiện tại đã giảm xuống còn 1,04% so với 1,18% đầu năm. AGR đánh giá con số này vẫn trong mức an toàn cùng với việc TPB đã thận trọng, chủ động tăng cường trích lập dự phòng nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức khá cao 115% sẽ tạo bộ đệm vững chắc về chất lượng tài sản.

Trên thị trường, cổ phiếu TPB bắt đầu có xu hướng tích luỹ với thanh khoản thấp dần trong vùng 42.000 - 45.000đ/cổ phiếu sau khi tăng khoảng 30% kể từ tháng 9. Mặc dù vậy, các chỉ báo động lượng vẫn diễn biến khá tích cực và đường giá vẫn bám trên MA20 phiên, cho thấy xu hướng tăng giá ngắn hạn được bảo toàn.

AGR cho rằng giá mục tiêu của TPB sẽ hướng tới vùng 48.500 đồng/cổ phiếu trong ngắn hạn, nếu dòng tiền đẩy mạnh, giá có thể tiến tới vùng 55.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với Fibonacci 78,6%. Do đó, AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho TPB với giá mục tiêu 3 tháng tới là 55.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác