Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/2): FRT, CTG và VND

(VNF) - Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu FRT ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu nếu xu hướng thị trường tích cực hơn trong ngắn hạn.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/2): FRT, CTG và VND

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/2): FRT, CTG và VND

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho FRT

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) ghi nhận doanh thu quý IV/2021 đạt 8.527 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 417 tỷ, cao gấp 39,4 lần cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu đạt 22.620 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và gấp 19,5 lần so với năm 2020. Như vậy, FRT đã hoàn thành 138% kế hoạch doanh thu và 462% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, doanh thu quý IV của FRT tăng mạnh là nhờ doanh thu mảng điện thoại, laptop cao gấp 8 lần cùng kỳ trog bối cảnh nhu cầu các sản phẩm này hồi phục mạnh sau dịch và nhu cầu học tập và làm việc online tăng cao. Bên cạnh đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng mạnh, gấp gần 4 lần cùng kỳ.

Theo doanh nghiệp, chuỗi nhà thuốc Long Châu có lãi nhẹ trong ba tháng cuối năm 2021 từ mức lỗ của quý IV/2020. Hiện FRT tiếp tục mở mới các cửa hàng Long Châu, tính đến cuối quý III/2021, số nhà thuốc Long Châu đạt 400 cửa hàng (tăng 30% so với quý liền trước) và số cửa hàng FPT Shop đạt 647 cửa hàng (tăng 2,7% so với quý liền trước). Biên lợi nhuận gộp quý IV đạt 5,6%, cải thiện mạnh so với mức 3,64% cùng kỳ.

Yuanta đánh giá chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho FRT trong tương lai, không chỉ riêng trong thời gian giãn cách xã hội vì Long Châu đã thu hút được một lượng lớn khách hàng thời gian qua và các nhà thuốc mới mở cũng đạt được ngay doanh thu ổn định ban đầu. Với việc chuỗi Long Châu đã chính thức có lợi nhuận dương trong quý IV/2021, Yuanta cho rằng đây là tiền để để FRT mở rộng quy mô trong tương lai.

Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng FPT Shop sẽ tiếp tục hồi phục trong các quý tới khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục sau dịch Covid-19.

Trên thị trường, ở mức giá đóng cửa hiện tại, FRT đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng gần đây là 16,7 lần (tương ứng EPS là 5.618 đồng). Mức stock rating của FRT ở mức 93 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực.

Vừa qua, đồ thị giá của FRT đóng cửa tăng 7% và vượt lên trên đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của FRT có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh.

Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của FRT cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu nếu xu hướng thị trường tích cực hơn trong ngắn hạn.

BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với CTG

Gần đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận sau thuế đạt 2.921 tỷ đồng, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận là do chi phí dự phòng tăng mạnh.

Tuy nhiên, tín dụng của CTG trong quý IV đã phục hồi với mức tăng 4,4% so với quý liền kề, tương ứng với mức tăng tín dụng cả năm 2021 là 11,1%. Mức tăng trưởng này thấp hơn một chút so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 13%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tăng trưởng tín dụng của CTG chủ yếu đến từ cho vay khách hàng, trong khi tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp khá cao nhưng mới chỉ chiếm 0,9% trên tổng tín dụng nên chưa có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Nhóm khách hàng cá nhân và SME tiếp tục là 2 nhóm dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của CTG, mức tăng trưởng tín dụng của 2 nhóm này trong quý IV lần lượt là 8,4% và 4,8% so với quý trước đó. Động lực tăng trưởng chính của tín dụng cá nhân là cho vay mua nhà với mức tăng trưởng lên tới 21,6% so với quý III/2021.

Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng trong quý IV đã tăng trở lại, kéo mức tăng trưởng của cả năm lên 17,3% so với năm 2020. Mức tăng trưởng này đã giúp CTG vượt lên VCB và trở thành ngân hàng có giá trị huy động tiền gửi khách hàng lớn thứ 3 hệ thống.

Chất lượng tài sản của ngân hàng cũng cải thiện mạnh mẽ so với quý trước. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cuối quý IV ở mức 1,26%, giảm 40 điểm cơ bản so với quý III. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng mạnh từ 119% ở cuối quý III lên 180% cuối quý IV và nằm trong nhóm những ngân hàng có LLRC cao trong hệ thống.

Nợ tái cơ cấu cuối quý IV tăng lên mức 10.300 tý đồng so với 7.800 tỷ đồng cuối quý III. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu nhưng BVSC cho rằng nhiều khả năng CTG đã thực hiện trích lập mạnh mẽ cho nợ tái cơ cấu và đây là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao và điều này cũng tạo ra bộ đệm lợi nhuận cho ngân hàng trong năm 2022.

Từ ngày 29/12/2021, thỏa thuận hợp tác giữa CTG và Manulife chính thức có hiệu lực Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đa phê duyệt thương vụ Manulife mua lại Aviva do đó CTG đã đủ điều kiện để ghi nhận khoản phí trả trước.

BVSC ước tính CTG sẽ phân bổ ghi nhận phí trả trước của hợp đồng này trong 4 năm và ghi nhận trong năm 2022 khoảng gần 1.400 tỷ đồng. Đây là động lực chính giúp cho thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng ước tính khoảng 40% trong 2022.

Yếu tố bệnh dịch cũng làm cho thương vụ thoái vốn công ty cho thuê tài chính không kịp hoàn thành trong năm 2021 nhưng nhiều khả năng CTG sẽ hoàn thành việc thoái vốn công ty này trong nửa đầu năm 2022. BVSC ước tính CTG có thế ghi nhận lợi nhuận khoảng 1.800 - 2.000 tỷ nhờ thoái vốn công ty này.

Nhìn chung, ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cho năm 2022 của CTG là 57%. Cùng với đó, hiện cổ phiếu CTG có mức định giá tương đối hấp dẫn (36.500 đồng/cổ phiếu) nên BVSC đánh giá khả quan với giá mục tiêu là 42.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá là 17%.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho VND

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với tổng doanh thu hoạt động đạt 2.076 tỷ đồng, tăng 166% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận kế toán sau thuế đạt xấp xỉ 838 tỷ đồng, tăng 233% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý IV/2021, mảng kinh doanh mang lại doanh thu cao nhất cho VND là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), đạt 959 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 544 tỷ đồng, tăng trưởng 205% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu và lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) lần lượt đạt 437 tỷ đồng và 83 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2021, tổng doanh thu hoạt động của VND đạt 6.039 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 2.980 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 36% so với kế hoạch kinh doanh điều chỉnh.

Lý giải về sự tăng trưởng trong doanh thu và lợi nhuận của quý IV, báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận cho biết ngành chứng khoán là một trong những lĩnh vực "hưởng lợi" trong đại dịch. Sự bùng nổ của nhà đầu tư mới (F0) cùng những kỷ lục mới về giá trị giao dịch trên thị trường đã góp phần giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng vượt bậc. Hầu hết các hoạt động của VND đều ghi nhận mức tăng bằng lần so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về cổ phiếu VND, Yuanta trong báo cáo mới đây cho biết mức stock rating của VND đang ở mức 96 điểm, tương ứng với đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng. Đồ thị giá của VND vừa đóng cửa tăng 6,2% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước đó và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của VND cũng giảm đáng kể và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên đồ thị giá có thể sẽ biến động hẹp quanh đường trung bình 20 phiên ở những phiên giao dịch tới. Xu hướng ngắn hạn của VND cũng được nâng lên mức tăng, do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%.

Tin mới lên