Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/3): PAN, AGG và DBC

(VNF) - Năm 2022, KBSV cho rằng mảng nông dược, thủy sản sẽ là động lực tăng trưởng chính cho PAN, với các thành viên chủ chốt là VFG, FMC và ABT.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/3): PAN, AGG và DBC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/3): PAN, AGG và DBC

KBSV: Khuyến nghị mua PAN với giá mục tiêu 47.300 đồng/cổ phiếu

Năm 2021, Tập đoàn Pan (HoSE: PAN) ghi nhận doanh thu 9.972 tỷ đồng (tăng 19,7% so với năm 2020); lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng (tăng 53,2% cùng kỳ). Tăng trưởng của PAN chủ yếu từ mảng giống cây trồng, nông dược, thuỷ sản và hạt. Trong đó, các "bệ phóng" có thể kể tới là Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - NSC), Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN - FMC), Công ty Thuỷ sản Aquatex Bến Tre (ABT) và Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco - LAF).

Năm 2022, PAN hợp nhất Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFG). Công ty Chứng khoán KB (KBSV) kỳ vọng nhờ ký hợp tác chiến lược nhằm phân phối các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật với Syngenta, doanh thu năm nay của VFG tăng trưởng hơn 50% cùng kỳ, đạt trên 3.000 tỷ đồng.

FMC và ABT cũng được mong đợi tiếp tục tăng trưởng tốt, với động lực đưa vào 2 nhà máy sản xuất tăng công suất (FMC), tối ưu chi phí trong quy trình sản xuất nhằm gia tăng biên lợi nhuận (ABT) và toàn ngành thuỷ sản được hỗ trợ khi sản lượng tiêu thụ và giá bán duy trì tích cực.

PAN đã chốt phương án phát hành thêm và chào bán cổ phiếu, số vốn hơn 1.600 tỷ này sẽ được sử dụng tăng sở hữu tại các công ty con, thực hiện các hoạt động M&A phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp.

KBSV dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của PAN năm 2022 ở mức 14.534 tỷ đồng (tăng 45,7% cùng kỳ) và 392 tỷ đồng (tăng 32%). Năm 2023, doanh thu dự báo đạt 18.348 tỷ đồng (tăng 26% cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 474 tỷ đồng (tăng 20%).

Sử dụng phương pháp định giá từng phần (SOTP) cho các công ty con của PAN, dựa vào hệ số mục tiêu P/E cho từng công ty trong 2022, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu của PAN là 47.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 43% so với mức giá đóng cửa ngày 8/3.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu AGG

Theo báo cáo tài chính tự lập, năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) ghi nhận doanh thu 1.808 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 421 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 5% so với thực hiện năm 2020. Doanh nghiệp chỉ hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cho năm 2022, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo AGG sẽ đạt doanh thu 3.540 tỷ đồng, tăng trưởng 30% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 560 tỷ đồng, tăng trưởng 33%. Doanh thu trong năm 2022 chủ yếu đến từ việc bàn giao các dự án đang triển khai như Sky 89, The Standard và The Sóng.

Trong khi đó, dự án West Gate với quy mô gần 2.300 căn sẽ bắt đầu bàn giao cho khách hàng kể từ năm 2023 sau khi những vấn đề pháp lý của dự án này được giải quyết.

Bên cạnh các dự án đang triển khai, AGG còn đang sở hữu quỹ đất 27ha tại huyện Bình Chánh. Dự án này đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng được hơn 90% và dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2023. Với triển vọng huyện Bình Chánh định hướng lên thành phố trong những năm tới, dự án được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng của AGG trong trung hạn.

Ở mức giá hiện tại, AGG đang được giao dịch tại P/E năm 2022 là 10,2 lần. Mức stock rating của AGG ở mức 82 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực, nhưng mức sức mạnh giá vẫn dưới mức 80 điểm, cho nên Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét với tỷ trọng thấp dưới 5%.

Bên cạnh đó, đồ thị giá của AGG đóng cửa tăng 7% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức tăng.

VND: Khuyến nghị trung lập đối với DBC

Năm 2021, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu mảng kinh doanh chính (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm) tăng 7% cùng kỳ, lên 9.820 tỷ đồng, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh (gần 25%) do chi phí nguyên liệu tăng và giá lợn hơi giảm 24% do nguồn cung tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm bởi tác động của Covid-19.

Đáng chú ý, giá đầu vào thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương...) tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp của DBC giảm 8,4 điểm phần trăm trong năm 2021. Vì thế, mặc dù doanh thu tăng trưởng gần 8% trong năm 2021, song lợi nhuận ròng lại sụt giảm gần 41%.

Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) tin rằng doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi sẽ tăng trưởng 6% và 0,9% cùng kỳ trong năm 2022-2023, nhờ sản lượng bán cải thiện. Bên cạnh đó, doanh thu mảng trang trại và thực phẩm cũng tăng 11% và 7,8% trong giai đoạn này, nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục giúp sản lượng bán tăng. Nhìn chung, VND dự báo tổng doanh thu của DBC tăng 7% và 8% cùng kỳ các năm 2022-2023.

Trên thị trường, VND nhận định đà tăng giá gần đây của cổ phiếu DBC đã phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về giá lợn hơi tăng cao và doanh thu từ việc sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Nếu việc sản xuất vắc-xin thành công, đến năm 2024 dịch bệnh ASF có thể được kiểm soát và đàn lợn sẽ được khôi phục về mức trước dịch. Tuy nhiên, thông tin về vắc-xin vẫn còn hạn chế và thời điểm dự kiến được sản xuất thương mại là cuối năm 2022. Do đó, VND cho rằng vắc-xin sẽ không đóng góp nhiều vào doanh thu của DBC trong 2022, và chưa đưa việc sản xuất vắc-xin vào mô hình định giá của mình.

Mặc dù VND vẫn tăng giá mục tiêu của DBC lên 15,6% cho năm 2022 và P/E mục tiêu là 9 lần áp dụng với EPS trung bình năm 2022-2023, tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp dường như đã được phản ánh vào giá. Mức giá mục tiêu mà công ty chứng khoán này đưa ra thấp hơn không đáng kể so với thời giá của DBC, vì thế khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu này.

Tin mới lên