'Cơ quan thuế nên được trao quyền điều tra, khởi tố'

Minh Phong - 09/04/2018 16:04 (GMT+7)

Trao đổi với PV, luật sư (LS) Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, cần trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Bởi hơn ai hết, cán bộ thuế là người có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực thuế, do đó sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

VNF
LS. Lê Thị Hồng Vân: 'Cơ quan thuế nên được trao quyền điều tra, khởi tố'. (Ảnh minh họa)

LS. Lê Thị Hồng Vân nói: 

"Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm có các cơ quan của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển, kiểm ngư, công an nhân dân, quân đội nhân dân. Từ trước đến nay, các cơ quan này đã thực hiện rất tốt vai trò của mình theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nổi cộm lên một lĩnh vực được coi là rất nóng, đó là lĩnh vực thuế, bởi ngày càng xuất hiện những hành vi gian lận, trốn thuế của nhiều doanh nghiệp không trung thực. Những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, vì thế rất khó để có thể phát hiện được. Nhà nước cũng vì thế mỗi năm mất rất nhiều tiền thuế từ những hoạt động phi pháp này.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, để ngăn chặn, cũng như có biện pháp răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thuế, tôi cho rằng, nên trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan thuế".

- Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác. Là người am hiểu về luật pháp, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Lê Thị Hồng Vân: Cơ quan điều tra hiện nay cũng quá tải trong hoạt động điều tra. Nhưng còn một vấn đề đặc biệt quan trọng khác, đó là không có nhiều cán bộ điều tra am hiểu chuyên sâu lĩnh vực thuế, vì đây là lĩnh vực chuyên ngành. 

Như trên đã nêu, trong số những cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có cơ quan thuế. Trong khi đó, tội phạm liên quan đến thuế xuất hiện rất nhiều trong những năm gần đây với những thủ đoạn rất tinh vi.

Do đó, thiết nghĩ, hệ thống pháp luật cần bổ sung thêm chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Việc này, thời gian đầu có thể dẫn đến sự lo lắng của doanh nghiệp cho rằng nếu tăng quyền, hoặc bổ sung quyền lực cho 1 cơ quan sẽ dẫn đến "lạm quyền". Tuy nhiên, nếu đã đưa vào hệ thống pháp luật thì cũng phải có những mức độ và giới hạn nhất định.

Khi cơ quan thuế có thêm chức năng điều tra các hoạt động về thuế, tức là đã được tăng quyền hạn kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến tài chính của một cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh. 

Hiện nay, chức năng của cơ quan thuế, cán bộ thuế chỉ là theo dõi và đôn đốc, hoạt động báo cáo thuế của doanh nghiệp; khi phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm thì xử phạt hành chính hoặc có dấu hiệu hình sự thì chuyển đến cơ quan công an điều tra, khởi tố.

Về phía cơ quan công an, không phải cơ quan nào, hoặc cán bộ điều tra nào cũng có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực này, dẫn đến hoạt động điều tra bị ảnh hưởng nhất định. Đối với cơ quan thuế, nếu chỉ được phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính thì không đủ tính răn đe. 

Do đó, cơ quan thuế cần thiết phải thực hiện thêm một số chức năng như: Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ cho cán bộ hoặc cơ quan thuế nơi mình hoạt động để phục vụ việc điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế một cách kịp thời.

Chỉ có cán bộ quản lý thuế, cơ quan thuế mới có thể phát hiện nhanh nhất, kịp thời nhất các hành vi gian lận về thuế. Nếu được kết hợp với việc điều tra, sẽ giải quyết và xử lý nhanh nhất, nghiêm khắc nhất những hành vi này của cá nhân, tổ chức vi phạm.

- Như bà vừa đề cập, dư luận lo ngại rằng, nếu tăng thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế sẽ dễ dẫn đến việc lạm quyền. Bà có nghĩ như vậy không?

Cán bộ thuế, cơ quan thuế chủ quản là đơn vị nắm rõ nhất hoạt động báo cáo thuế và phát hiện tức thời các hành vi vi phạm. Nếu nghiêm trọng có thể lấy lời khai, kết hợp với việc yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ và từ đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ được xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng răn đe đối với những hành vi vi phạm trong tương lai. 

Cán bộ thuế đồng thời cũng là những điều tra viên sẽ hiểu và điều tra nhanh nhất và đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, việc điều tra, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ chính xác, hiệu quả.

Sau khi có kết quả điều tra, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để đề nghị truy tố, khởi tố vụ án. Cơ quan thuế sẽ phải chịu trách nhiệm về việc điều tra. Như vậy, không thể nói là cơ quan thuế lạm quyền, mà đây là chia sẻ trách nhiệm với cơ quan công an trong việc điều tra những hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Theo TBTC
Cùng chuyên mục
Tin khác