Cơn sốt khui ‘hộp mù’: Thú vui tốn kém mới của giới trẻ

Thảo My - 25/10/2024 14:11 (GMT+7)

(VNF) - Sở thích sưu tầm "hộp mù" POP MART và Blindbox đang trở thành trào lưu với một bộ phận giới trẻ. Những sản phẩm này thu hút giới trẻ không chỉ bởi tính nghệ thuật mà còn bởi yếu tố bất ngờ, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro về tài chính nếu không biết cách kiểm soát.

Sức nóng từ trào lưu sưu tầm “hộp mù”

Blindbox, hay còn được biết đến với cái tên “hộp mù” là một trào lưu đến từ thương hiệu POP MART của Trung Quốc. Được thành lập năm 2010, POP MART là thương hiệu đồ chơi đình đám trong lĩnh vực đồ sưu tầm (collectible) và blindbox, tạo cơn sốt trong giới trẻ với những mô hình độc đáo, thiết kế sáng tạo và có giá trị sưu tầm cao.

Đúng với tên gọi “hộp mù”, mỗi hộp sẽ có một nhân vật bí mật được thiết kế tinh xảo bên trong đi kèm là một tấm thẻ sưu tầm. Với cách thức “khui hộp” gây cho người mua cảm giác tò mò và thích thú, các bộ sản phẩm blindbox theo chủ đề đã liên tục “cháy hàng”. Điển hình như các dòng sản phẩm Molly, Dimoo, Pucky, Skullpanda…

Sản phẩm trên web sold out nhanh chóng sau mỗi đợt mở bán.
Set CRYBABY x Powerpuff Girls gây bão thị trường đồ chơi.

Đánh trúng vào tệp khách hàng thích sưu tập theo bộ và trao đổi những món hàng có giá trị cao với số lượng có hạn, các bộ sưu tập của POP MART trở thành những món hàng không thể bỏ lỡ với nhiều người trẻ. Điều này khiến giá trị của những hộp đồ tăng theo thời gian.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, KOL/KOC có sở thích săn lùng blindbox. Có thể kể đến những cái tên như nữ ca sĩ Lisa (Black Pink), hotgirl Salim, hoa hậu Kỳ Duyên… Việc được nhiều người có tầm ảnh hưởng “lăng xê” cũng là một trong những lý do tạo “trend” cho món đồ chơi mới lạ này.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm trưng bày, nhiều người còn biến hóa món đồ chơi này thành phụ kiện, móc khóa đeo túi. Việc tăng tính ứng dụng này vừa nâng tầm giá trị đồ vật, vừa tạo ra cá tính riêng.

Lisa cùng BST LABUBU trở thành trend trong giới trẻ.
Charm đeo túi theo trào lưu POP MART.

Ngọc Linh (SN 2004, Hà Nội) chia sẻ về sở thích mua và sưu tầm “hộp mù”: “Ban đầu mình chỉ mua theo trào lưu, nhưng sau khi bóc các hộp mù thì mình cảm thấy ‘đã tay’ và muốn bóc nhiều hơn nữa vì nó cho mình cảm giác tò mò và hồi hộp. Một tháng mình có thể dành ra 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng để mua blindbox, tùy vào phiên bản mà mình muốn mua. Có tháng mình đã chi 5.600.000 đồng để nhờ bạn xách tay Labubu phiên bản mới từ Anh về”.

Cùng chung sở thích “khui hộp” blindbox, Yến Nhi (SN 2003, Hà Nội) tâm sự: “Ban đầu mình khá suy nghĩ cho việc bỏ một khoản tiền lớn vào đồ chơi sưu tầm nhưng nếu biết lựa chọn hợp lý thì mình có thể chi 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng mỗi tháng cho sở thích này”.

BST Blindbox từ một người chơi mới sưu tầm.

Thị trường “béo bở”

Sau khi được nghệ sĩ Lisa (BlackPink) thể hiện sự thích thú trước nhân vật hoạt hình có tên Labubu trên trang cá nhân, ngay lập tức sản phẩm này đã “cháy hàng” trên mọi nền tảng.

Không chỉ dừng ở đó, mức giá của sản phẩm Labubu này đã được “đôn” lên gấp 3 - 4 lần giá ban đầu được hãng mở bán. Trong các hội nhóm trao đổi các blindbox đã qua sử dụng, mức giá cũng luôn cao hơn so với giá niêm yết của hãng.

Giá niêm yết của hãng trên website.
Giá trên sàn thương mại điện tử, trong các group trao đổi và trong phiên đấu giá Labubu.

Trước mức độ khan hiếm của mặt hàng, nhiều phiên đấu giá đã mở ra với mức giá khởi điểm gần gấp đôi giá chính hãng. Ví dụ, trong khi giá niêm yết của hãng chỉ khoảng 300.000 đồng đến 700.000 đồng, mức giá bán lại trong các nhóm trên mạng xã hội thường dao động từ 900.000 đồng và có thể lên đến 1.800.000 đồng. Với những mẫu mã đẹp và được nhiều người săn đón hơn, giá có thể lên đến 3.000.000 đồng cho một sản phẩm mà vẫn có nhiều người ngỏ ý muốn mua.

Nhiều người còn nhân cơ hội làm giàu khi liên tục mua số lượng lớn các sản phẩm được ưa chuộng sau đó bán lại với mức giá cao hơn nhiều lần. Trong trường hợp trúng được bản “hiếm”, con số có thể gấp 10 lần giá ban đầu.

Trước sức hút “không tưởng” từ những chiếc hộp bí ẩn, nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ bắt đầu “rục rịch” tham gia sản xuất blindbox và cho ra mắt những bộ sưu tập với đa dạng mẫu mã, bao bì và giá thành khác nhau.

BST Migo x Baby Three của Art Toy.

Trên thị trường, giá cho một “hộp mù” có thể giao động từ 25.000 đồng đến 100.000 đồng cho những hộp nhỏ bán tại các đại lý đồ chơi cho trẻ em.

Nếu mua chính hãng tại các cửa hàng, giá sẽ dao động từ 300.000 đồng đến 600.000 cho các hộp lẻ và 1.000.000 đồng đến 2.000.000 cho các bộ hộp.

Với những người thích sưu tầm đủ các mẫu mã, hãng có sản xuất những mô hình phiên bản 1000% trong tầm giá 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Có thể thấy, các hộp blindbox hiện nay có nhiều phân khúc giá khác nhau và dần trở nên dễ tiếp cận hơn với khách hàng ở đủ mọi lứa tuổi.

Vân Đỗ (SN 2003, Phú Thọ), người tham gia kinh doanh “hộp mù” cho biết: “Mỗi hộp được bán mình có thể lãi từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/hộp. Với các bản đẹp và nhiều người muốn mua thì sẽ lãi nhiều hơn gấp 2 đến 3 lần. Nhưng cũng có lúc lỗ khi rơi vào các nhân vật không được yêu thích. Lúc đó mình phải chấp nhận bán với giá rẻ hơn để hòa vốn”.

Dễ dàng nhận thấy, việc buôn bán “hộp mù” đang trở thành xu hướng và là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư và kinh doanh.

Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển nhanh của nền thị trường này, nhiều bên đã sản xuất lại hàng nhái, hàng kém chất lượng để lừa người mua và bán với mức giá rẻ hơn.

Bên cạnh đó, không ít người rơi vào tình trạng “nghiện” mở hộp, dẫn đến việc chi tiêu quá đà, tạo ra áp lực tài chính không nhỏ dù chưa hoàn toàn tự chủ tài chính.

POP MART đươc thành lập vào năm 2010 tại Bắc Kinh bởi doanh nhân trẻ Vương Ninh (Wang Ninh). POP MART được biết đến với các sản phẩm đồ chơi thiết kế sáng tạo và các bộ sưu tập đồ chơi nhân vật độc đáo. “Đế chế” đồ chơi này không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn trên toàn thế giới.

Dựa vào mức độ phủ sóng trong thời gian gần đây, POP MART đã tiết lộ doanh thu nửa đầu năm 2024 là hơn 4,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương196.789.520 USD), tăng 62% so với cùng kỳ.

Cùng chuyên mục
Tin khác