Công bố con số bất ngờ: Tín dụng kinh doanh BĐS tăng gấp đôi năm ngoái

Ngọc Sơn - 10/10/2023 12:09 (GMT+7)

(VNF) - Khác hẳn với những gì mà giới kinh doanh bất động sản đang kêu ca về thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng, con số mới được cung cấp từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy giới kinh doanh bất động sản vay vốn nhiều gần gấp đôi năm ngoái.

Thông tin trong Báo cáo thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết:

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tín dụng BĐS chỉ tăng 4,99%. Trong đó, dư nợ kinh doanh BĐS trong 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 là 10,73%.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, đây là mức tăng trưởng rất cao, gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung trong khi dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,36%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.

Vốn vẫn tiếp tục đổ vào bất động sản.

 

Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án BĐS gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.

NHNN cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).

Để kiểm soát rủi ro trong tín dụng BĐS, NHNN cho biết, đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động. Cụ thể: Giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

NHNN nhấn mạnh, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực. kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS…

Thị trường bất động sản sau thời gian phát triển nóng đã bộc lộ nhiều tồn tại, giá bất động sản sụt giảm ở nhiều phân khúc. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản và khả năng bán, cho thuê tài sản để thanh toán nợ gốc, lãi vay khi đến hạn của khách hàng; nhiều dự án bất động sản gặp vấn đề về pháp lý, khó giao dịch; việc huy động vốn của dự án khó khăn, tác động đến dòng tiền và tiến độ triển khai thực hiện dự án. Thị trường bất động sản thanh khoản thấp cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các TCTD.

Cùng chuyên mục
Tin khác