Công nghệ tuần qua: Bộ Công an bắt tay Microsoft, Huawei nhận thêm đòn đau từ Mỹ

Tuệ Lâm - 22/12/2019 09:12 (GMT+7)

(VNF) - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, ký kết thỏa thuận tham gia chương trình an ninh Chính phủ (GSP) với Tập đoàn Microsoft; Huawei lại nhận thêm đòn đau từ Mỹ... là những tin tức công nghệ đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Huawei lại nhận thêm đòn đau từ Mỹ

Thủ tướng khẳng định 'không xuất khẩu công nghệ lạc hậu'

Ngày 18/12 tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm trụ sở Công ty Mytel - thương hiệu của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Mytel cho biết sau 1,5 năm chính thức kinh doanh, Mytel đã chính thức cán mốc 8 triệu khách hàng, chiếm 22% thị phần viễn thông di động, đạt vị trí thứ 3 tại thị trường và trở thành một trong những thương hiệu viễn thông có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại Myanmar.

Ngày 5/8/2019 vừa qua, Mytel cũng đã trở thành nhà mạng đầu tiên ra mắt công nghệ 5G tại Myanmar.

Phát biểu tại buổi thăm trụ sở Mytel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm “chúng ta không xuất khẩu công nghệ lạc hậu mà hợp tác với nước bạn trong ứng dụng công nghệ tiên tiến". Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn Mytel tiếp tục phát triển, xứng đáng là đại sứ văn hóa và kinh doanh, lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa 2 nước.

"Ngoài lĩnh vực viễn thông, Mytel cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các dịch vụ di động, tài chính, chính phủ điện tử ở quốc gia có nhiều tiềm năng này. Đi liền với đó là tích cực hợp tác và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam kinh doanh tại Myanmar", Thủ tướng nói. (Xem thêm)

iPad, Apple Watch, Airpods lọp top 10 thiết bị công nghệ tốt nhất thập kỷ

Năm 2019 đánh dấu sự kết thúc của thập kỷ 2010. Nhân dịp này, tạp chí TIME đã chọn ra 10 thiết bị công nghệ tốt nhất xuất hiện trong 10 năm qua. Đứng đầu trong danh sách này chính là chiếc máy tính bảng iPad.

Thế hệ iPad đầu tiên được Apple trình làng vào tháng 1/2010. Trước đó, ý tưởng về một chiếc máy tính bảng thường được liên tưởng đến các bộ phim viễn tưởng.

Những năm qua, trong khi các đối thủ lần lượt trình làng hàng loạt các mẫu máy tính xách tay, cũng như máy tính bảng hai trong một để tấn công iPad, thì Apple đã liên tục nâng cấp chiếc máy tính bảng của mình ở phần cứng và phần mềm.

Hiện iPad đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm công bố của 10 năm về trước. Apple đã trình làng các mẫu iPad với nhiều kích thước màn hình khác nhau để phục vụ đa dạng nhu cầu người dùng. iPad Pro hiện là model cao cấp nhất với hai phiên bản màn hình là 11 inch và 12,9 inch. Ngoài ra, Apple cũng đã tích hợp thêm cho chiếc máy tính bảng của mình bút cảm ứng Apple Pencil.

Mới đây nhất, Apple đã trình làng hệ điều hành iPadOS dành riêng cho iPad, nhằm mục đích hướng người dùng đến máy tính bảng thay thế cho máy tính cá nhân.

Một sản phẩm khác của Apple cũng nằm trong top 10 thiết bị công nghệ tốt nhất thập kỷ chính là Apple Watch. Đồng hồ thông minh Apple xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2015.

Sau các phiên bản nâng cấp về mẫu mã, tính năng… Apple Watch đang trở thành một sản phẩm hàng đầu liên quan đến sức khỏe và thể thao. Các cải tiến trong những năm gần đây như nâng cấp công nghệ eSIM, phát nhạc Bluetooth cho phép Apple Watch có thể nghe gọi tiện lợi như một chiếc điện thoại trên cổ tay.

Sản phẩm cuối cùng của Apple nằm trong top 10 thiết bị công nghệ tốt nhất thập kỷ là tai nghe Airpods. Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016, chiếc tai nghe không dây của Apple hiện đã trở thành một biểu tượng về thẩm mỹ, cũng như tác động về văn hóa, giống như sự thành công của máy nghe nhạc iPod trong quá khứ.

Đến nay, tai nghe Airpods của Apple đã có thêm 2 phiên bản là Airpods thế hệ 2 và Airpods Pro cùng những cải tiến về ngoại hình và chất lượng âm thanh. (Xem thêm)

Gojek đóng cửa hàng loạt dịch vụ phong cách sống

Gojek, công ty đứng sau Go-Viet, thông báo đóng cửa 5 dịch vụ phong cách sống trên nền tảng của mình.

Động thái được Gojek đưa ra trong bối cảnh các startup đứng trước áp lực phải tìm ra con đường lợi nhuận. Các nhà đầu tư ngày càng lo sợ về những startup “đốt tiền” sau thảm họa WeWork. Quyết định của startup Indonesia cho thấy họ cũng không “miễn dịch” với xu hướng này.

GoLife là ứng dụng được Gojek tách ra từ năm 2017, cung cấp 7 dịch vụ phong cách sống. Tuy nhiên, chỉ có GoClean – dịch vụ dọn dẹp nhà cửa và GoMassage – dịch vụ trị liệu tại gia là được giữ lại. Theo công ty, bộ đôi chiếm 90% đặt hàng trên GoLife.

Wesly Simatupang, người đứng đầu GoLife, tin rằng đánh giá và tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm, dịch vụ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dùng cũng như tăng trưởng tương lai.

Gojek đang trong vòng gọi vốn Series F và hi vọng huy động khoảng 2 tỷ USD. Các công ty đã đầu tư vào startup có Google, Tencent, Mitsubishi. Khởi đầu từ dịch vụ xe ôm công nghệ năm 2015, Gojek nay là startup lớn nhất Indonesia. Trước đó, một startup lớn khác là Bukalapak tuyên bố cắt giảm 10% nhân sự để ổn định tài chính. (Xem thêm)

Huawei lại nhận thêm đòn đau từ Mỹ

Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cấm các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ sử dụng ngân sách để hỗ trợ các nhà mạng mua thiết bị viễn thông từ một số công ty bị coi là mối nguy hại an ninh quốc gia, trong đó có Huawei.

Dự luật mạng viễn thông bảo mật có thể sẽ dược được đưa lên Thượng viện Mỹ để bỏ phiếu thông qua ngay trong tuần này.

"Bảo vệ mạng lưới của chùng ta khỏi các can thiệp nguy hại từ nước ngoài là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với tương lai viễn thông của Mỹ", các nhà soạn thảo luận khẳng định. 

Dự luật cấm Ủy ban thương mại Mỹ (FCC) dùng ngân sách để mua thiết bị viễn thông từ các công ty gây hại cho an ninh quốc gia, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ các mạng viễn thông nhỏ thay thế thiết bị từ các công ty này.

FCC sẽ mở một chương trình hỗ trợ có ngân sách 1 tỷ USD để giúp các mạng viễn thông nhỏ, hoạt động ở các vùng nông thôn thay thế thiết bị từ các công ty như Huawei bằng thiết bị của đối tác khác an toàn hơn. (Xem thêm)

Bộ Công an bắt tay Microsoft bảo vệ hệ thống an ninh Chính phủ

Tối 19/12, tại Hà Nội, A05 đã ký kết thỏa thuận tham gia chương trình an ninh Chính phủ (GSP) với Tập đoàn Microsoft.

Theo thỏa thuận, A05 sẽ chính thức trở thành một thành viên chương trình an ninh Chính phủ của Microsoft cùng với hơn 90 cơ quan đại diện chính phủ, tổ chức quốc tế của hơn 45 quốc gia toàn thế giới.

Chương trình GSP được hình thành trên mục tiêu xây dựng niềm tin qua tính minh bạch, bằng cách cho phép chính phủ và các tổ chức quốc tế sử dụng công nghệ của Microsoft để bảo vệ bộ máy chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Là thành viên của chương trình GSP, A05 sẽ được quyền truy cập vào thông tin về những rủi ro và lỗ hổng thông tin, nhận được hỗ trợ từ đội an ninh và phản hồi rủi ro mạng của Microsoft; mã nguồn các sản phẩm của Microsoft như Windows và Office; thông số kỹ thuật các sản phẩm và dịch vụ đám mây của Microsoft...

Ngoài ra, A05 sẽ được nhận những thông tin độc quyền về việc lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, từ đó hành động kịp thời nhằm ngăn chặn các rủi ro được phát hiện, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phòng chống các mối đe dọa này trong tương lai. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác