Công nghệ tuần qua: YouTube lần đầu công bố doanh thu, Viettel dính cáo buộc chi 1,2 triệu USD chơi xấu đối thủ
Tuệ Lâm -
15/02/2020 07:23 (GMT+7)
(VNF) - Lần đầu tiên YouTube tiết lộ số tiền mà dịch vụ phát trực tuyến mang lại; Viettel bị Facebook cáo buộc đã chi 1,2 triệu USD để chơi xấu đối thủ, Hơn 9.300 website tại Việt Nam bị hacker tấn công trong năm 2019... là những tin tức về công nghệ đáng chú ý nhất trong tuần qua.
YouTube đạt doanh thu quảng cáo 1 tỷ USD/tháng
Theo công bố mới đây của Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai, doanh thu quảng cáo của YouTube trên Google đã đạt 1 tỷ USD/tháng trong năm 2019. Đây lần đầu tiên YouTube tiết lộ số tiền mà dịch vụ phát trực tuyến mang lại.
Trong bản phát hành thu nhập hàng quý đầu tiên với tư cách là người đứng đầu Alphabet, Pichai tiết lộ YouTube có doanh thu 15,15 tỷ USD trong năm 2019, trong đó 4,72 tỷ USD của riêng quý IV.
Google đang phát triển nhanh kinh doanh trên nền tảng đám mây, nơi họ đang cạnh tranh thị phần với Amazon và Microsoft, đã tạo ra 8,92 tỷ USD doanh thu trong năm 2019.
Tổng doanh thu tăng 17,3% (lên 46 tỷ USD) nhưng vẫn thấp hơn dự báo 46,94 tỷ USD từ các nhà phân tích. Mặc dù vậy, công ty đã kiếm được lợi nhuận 34,4 tỷ USD trong năm 2019.
Pichai cho biết các khoản đầu tư sắp tới sẽ hướng vào khoa học máy tính sâu rộng, bao gồm trí thông minh nhân tạo (AI), điện toán môi trường xung quanh và điện toán đám mây, cung cấp một cơ sở vững chắc cho sự phát triển liên tục và các cơ hội cho Alphabet. (Xem thêm)
Samsung "trình làng" bộ 3 Galaxy S20, camera zoom 100X, quay video 8K
Rạng sáng ngày 12/2 tại San Francisco (Mỹ), Samsung đã tổ chức sự kiện ra mắt bộ 3 Galaxy S20 gồm S20 tiêu chuẩn, S20+ và S20 Ultra. Cả 3 sản phẩm có kích thước màn hình khác nhau, trong đó S20 tiêu chuẩn và S20+ không có nhiều khác biệt nhau về cấu hình; riêng chiếc S20 Ultra có màn hình lớn nhất và cấu hình cũng cao cấp nhất.
Cụ thể, Galaxy S20 có màn hình 6,2 inch, Galaxy S20+ với 6,7 inch. Trong khi, Galaxy S20 Ultra có màn hình 6,9 inch, được làm cong nhẹ.
Màn hình của của 3 máy đều có độ phân giải Quad HD+, tích hợp công nghệ màn hình Dynamic AMOLED, đạt chuẩn HDR10+. Phần camera đục lỗ ở giữa màn hình giờ đây cũng được làm nhỏ gọn hơn so với chiếc Note10.
Ngoài ra, cả 3 máy đều được trang bị màn hình tần số quét 120 Hz, cho ra hình ảnh chuyển động mịn và mượt mà hơn. Bên cạnh đó, Galaxy S mới còn sở hữu vân tay siêu âm dưới màn hình cho tốc độ mở khóa nhanh.
Galaxy S20 và S20+ đều có camera chính 12 MP, ống kính tele 64 MP và camera góc rộng 12 MP ở mặt lưng. Cụm camera sau của Galaxy S20 Ultra bao gồm ống kính chính 108 MP, camera tele 48 MP, góc rộng 12 MP. Galaxy S20+ và Galaxy 20 Ultra có thêm camera Depth Vision, đảm nhận đo độ sâu trường ảnh.
Điểm đặc biệt trên chiếc Galaxy S20 Ultra đến từ khả năng zoom quang 10x và zoom kỹ thuật số 100x. Bên cạnh khả năng chụp ảnh, Galaxy S20 còn được nâng cấp về quay video. Đây là smartphone đầu tiên của Samsung quay được video ở chất lượng 8K. (Xem thêm)
Hơn 9.300 website tại Việt Nam bị hacker tấn công trong năm 2019
Theo báo cáo an ninh website thực hiện bởi CyStack, có hơn 560.000 vụ tấn công vào các website trên toàn cầu trong năm 2019. Việt Nam xếp thứ 11 với 9.300 website bị xâm phạm.
Kết thúc năm 2019, hệ thống CyStack Attack Map ghi nhận 563.000 cuộc tấn công vào các website trên toàn cầu. Trong đó, 236.000 cuộc tấn công là nhắm vào các website có máy chủ đặt tại Mỹ, chiếm tỉ trọng tới 41,9% toàn thế giới.
Với hơn 9.300 vụ xâm phạm vào các website của các tổ chức, Việt Nam xếp thứ 11 trên thế giới và xếp thứ 3 tại Đông Nam Á, sau Indonesia và Singapore.
Theo thống kê sơ bộ, thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ tấn công toàn cầu đã có những sự chuyển biến tích cực trong năm dương lịch 2019, thể hiện rõ nhất vào quý IV khi Việt Nam giảm thiểu tới 69% các vụ tấn công website so với quý III cùng năm. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại “quốc đảo Sư tử” Singapore.
Ngược lại, các quốc gia như Indonesia và Nhật Bản đều phải chứng kiến các dấu hiệu tiêu cực trong an ninh website. Đặc biệt là Nhật Bản khi số cuộc tấn công website có máy chủ đặt tại nước này này tăng mạnh trong quý IV, khiến Nhật Bản nhảy vọt lên vị trí thứ 7 trong danh sách. Như thường lệ, Mỹ vẫn đứng số 1 và không có sự thay đổi đáng kể nào trong năm 2019.
Có thể thấy, số lượng vụ xâm phạm website trên toàn cầu và tại Việt Nam có xu hướng đối nghịch nhau trong 3 quý đầu năm 2019, và cùng đi xuống vào quý IV. Tuy nhiên, tín hiệu của Việt Nam có phần tích cực hơn khi số vụ tấn công web giảm mạnh so với quý III, từ hơn 2.500 giảm xuống còn 856 vụ (giảm 69%).
Điều này khiến Việt Nam từ xếp thứ 10 trong quý III xuống thứ 19 trong quý IV năm 2019. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho tình trạng an ninh website và an toàn thông tin tại Việt Nam nói chung. (Xem thêm)
Bán điện thoại 4G giá 400.000 đồng, Viettel đặt mục tiêu có thêm 10 triệu thuê bao
Ngày 11/2, Viettel cho biết đã có kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa việc phổ cập 4G tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Viettel phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam phân phối loạt smartphone 4G giá dưới 1,5 triệu đồng/máy và feature phone 4G có giá khoảng 400.000 đồng/máy.
Bên cạnh đó, Viettel sẽ tiếp tục bổ sung trạm 4G (khoảng hơn 2.400 trạm) và xóa các vùng lõm (khoảng 3.700 vùng) để giúp chất lượng 4G được tốt hơn. Nhà mạng này đặt mục tiêu có thêm 10 triệu thuê bao 4G tại Việt Nam, tăng tỷ lệ từ 43,5% lên 62% trong năm 2020.
Được biết, kết thúc năm 2019, lĩnh vực viễn thông trong nước của Viettel đạt mức tăng trưởng 6,4% (gấp gần 2 lần trung bình của thế giới); lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông cũng tăng trưởng 24,4%, (gấp 6 lần trung bình thế giới).
Động lực tăng trưởng chính của Viettel năm 2019 trong lĩnh vực viễn thông trong nước là doanh thu từ dịch vụ data. Đây cũng là lĩnh vực mà Viettel đã được Tổ chức nghiên cứu và phân tich thị trường hàng đầu thế giới Frost & Sullivan trao tặng giải thưởng “Nhà cung cấp dịch vụ data di động tốt nhất Việt Nam năm 2019”. (Xem thêm)
Viettel bị Facebook cáo buộc chơi xấu đối thủ
Giám đốc Chính sách an ninh mạng của Facebook Nathaniel Gleicher mới đây cho biết công ty đã xóa hàng loạt các trang, nhóm và tài khoản từ cả Facebook lẫn Instagram có “nguồn gốc” từ các quốc gia như Nga, Iran, Việt Nam và Myanmar.
Đáng chú ý, nhiều trang Facebook tạo tin giả tại Myanmar được xác định có liên quan tới một công ty viễn thông ở Myanmar. Đây là thương hiệu của một nhà mạng ở Việt Nam. Những trang Facebook này đã chia sẻ các ghi chú, tin tức nhằm hạ thấp uy tín của các công ty viễn thông khác tại thị trường này.
"Các Facebook giả mạo này còn loan tin về những thất bại trong kinh doanh và kế hoạch rút lui khỏi thị trường của một số nhà mạng ở Myanmar, thậm chí là các hoạt động lừa đảo của các nhà mạng này với khách hàng của họ", Facebook thông tin.
Facebook xác định được nguồn gốc đăng tải các thông tin trên là từ một nhà cung cấp dịch vụ mạng và một công ty truyền thông Việt Nam. Facebook cũng ước tính nhà mạng này đã chi khoảng 1,2 triệu USD và đã tạo khoảng 265.600 tài khoản, nhóm, trang giả mạo để thực hiện chiến dịch này.
Trả lời VietnamFinance về các cáo buộc này, Viettel cho biết đang tiến hành kiểm tra các cáo buộc trên, sẵn sàng hợp tác với Facebook và sẽ tiến hành xử lý nếu phát hiện sai phạm. (Xem thêm)
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.