Tài chính

Công ty Á Mỹ Gia sắp về tay Earth Chemical với giá 1.800 tỷ đồng

(VNF) - Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước tẩy bồn cầu Gift - Á Mỹ Gia sẽ về tay Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical sau khi hoàn tất thương vụ mua lại với giá 1,2 triệu đồng/cổ phần, tương đương 1.800 tỷ đồng.

Công ty Á Mỹ Gia sắp về tay Earth Chemical với giá 1.800 tỷ đồng

Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước tẩy bồn cầu Gift - Á Mỹ Gia sẽ về tay Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical

Thông tin từ Reuters mới đây cho biết, Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical vào tháng 5 tới sẽ hoàn tất thương vụ mua lại 100% vốn của Công ty Cổ phần Á Mỹ Gia (AMG), một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hóa mỹ phẩm, với giá hơn 1.800 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 3/2017, Earth Chemical đã ra thông báo chi 1.824 tỷ đồng để mua lại 100% vốn của Á Mỹ Gia. Á Mỹ Gia có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, tương đương đã được mua lại với giá 1,2 triệu đồng/cổ phần.

Á Mỹ Gia được thành lập năm 2003 thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh hóa phẩm tẩy rửa và vệ sinh gia dụng với các thương hiệu Gift, Ami, Redfoxx. Nhà máy của Á Mỹ Gia tọa lạc tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương.

Danh sách cổ đông sáng lập của AMG gồm 7 người và toàn bộ số cổ phần của Á Mỹ Gia do 7 người này nắm giữ bao gồm, 2 cổ đông lớn nhất là bà Trần Thị Nguyệt Anh bà Phạm Thị Hồng Nhung, mỗi người sở hữu 23,4%. Đứng thứ 2 là bà Nguyễn Thị Lệ với 21,4%, tiếp theo là bà Nguyễn Thị Kim Oanh (5,4%), cổ đông Nguyễn Phú Thưởng (3,4%), Nguyễn Văn Thành (3,2%).

Vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu Việt đình đám dần rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Và xu hướng thâu tóm thương hiệu Việt sẽ chưa dừng lại nhất là khi cánh cửa hội nhập đang rộng mở hơn bao giờ hết.

Giới đầu tư đã nhiều lần giật mình bởi những khoản tiền khổng lồ mà các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra để thâu tóm các thương hiệu Việt có tiềm năng. Năm 2011, Tập đoàn Unicharm của Nhật Bản thông qua tư cách pháp nhân của Unicharm Thái Lan đã mua lại toàn bộ cổ phiếu của Công ty cổ phần Diana Việt Nam của 2 anh em Đỗ Minh Phú, Đỗ Anh Tú với tổng giá trị khoảng 128 triệu USD.

Hồi cuối 2012, Tập đoàn Xi măng Siam (SCG – Thái Lan) đã bỏ ra 7,2 tỷ baht, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng để có được 85% quyền sở hữu tại thương hiệu gạch hàng đầu của Việt Nam Prime Group. Ngay sau thương vụ, SCG đã trở thành công ty gạch lớn nhất thế giới và thống trị luôn thị trường gạch ốp lát ở trong nước.

Cuối 2014, vụ Mondelēz International của Mỹ bỏ 8.000 tỷ đồng mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Kinh Đô. Giới đầu tư ngạc nhiên vì số tiền khổng lồ mà cổ đông Kinh Đô thu về nhưng sau đó là nuối tiếc một thương hiệu bánh kẹo Việt truyền thống hàng đầu Việt Nam đã rơi vào tay nước ngoài.

Những thương vụ được kể ra trên đây chưa phải là bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến thâu tóm thương hiệu Việt vì còn rất nhiều những thương vụ khác, như Tribeco bị thâu tóm bởi Uni President; hay câu chuyện của bia Huda cũng từng khiến người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng miền Trung phải tiếc nuối; hay ICP (có thương hiệu mỹ phẩm dành cho nam giới X-Men) bán 85% cổ phần cho Tập đoàn Marico (Ấn Độ)…

Hiện vệc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp "gà đẻ trứng vàng" như Sabeco, Habeco, Vinamilk, FPT Telecom… đang là cơ hội cho nhiều tập đoàn nước ngoài thâm nhập và thâu tóm thị trường Việt Nam.

Cuộc chiến thâu tóm thương hiệu Việt sẽ tiếp tục nóng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, trước sức hấp dẫn từ mức dân số trẻ, sức mua đang tăng của Việt Nam, cộng thêm việc hội nhập sâu, những "con cá mập" ngoại chắc chắn sẽ muốn thâu tóm doanh nghiệp nội để rút ngắn con đường thâm nhập thị trường. Chưa ai có thể nói trước tiếp sau đây sẽ là thương hiệu nào thuộc ngành hàng nào bị thâu tóm.

Tin mới lên