Tài chính

Công ty Thủy sản số 4 (TS4) bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm công bố thông tin

(VNF) - Cổ phiếu TS4 của Công ty Cổ phần Thủy sản số 4 (HoSE: TS4) liên tiếp bị đưa vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngưng giao dịch kể từ tháng 5 vừa qua.

Công ty Thủy sản số 4 (TS4) bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm công bố thông tin

(Anh minh họa)

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa có quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu TS4 của Công ty Thủy sản số 4 kể từ ngày 13/9/2021. Số lượng cổ phiếu bị hủy niêm yết là hơn 16,1 triệu đơn vị.

Lý do hủy niêm yết được phía HoSE đưa ra là vì Thủy sản số 4 đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và việc hủy niêm yết là cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Trước đó, Thủy sản số 4 đã nhiều lần bị nhắc nhở về việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, báo cáo thường niên năm 2020, đồng thời nhắc nhở việc chậm công bố giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với năm 2019, chênh lệch trước và sau khi kiểm toán và giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ, nhấn mạnh đối với báo cáo tài chính năm 2020.

Cũng về vấn đề công bố thông tin, cổ phiếu TS4 vào tháng 5 vừa qua bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo do cùng vi phạm.

Sau đó, TS4 bị đưa vào diện tạm ngưng giao dịch kể từ ngày 23/6 do tiếp tục vi phạm về công bố thông tin. Đầu tháng 7, HoSE cho biết TS4 bị đưa vào diện kiểm soát vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020 đều ghi nhận giá trị âm lần lượt là -9,36 tỷ đồng và -144,28 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2020 là -147,28 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Thủy sản số 4 được công bố vào cuối tháng 6, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với việc kinh doanh bán hàng bị sụt giảm, công ty này đã bắt buộc phải cho 90% cán bộ công nhân viên nghỉ việc ở các chi nhánh và văn phòng tại TP. HCM, các nhân viên còn lại phải đảm nhiệm hết công việc nên chưa kịp đáp ứng nhu cầu công việc và chuyên môn.

Thủy sản số 4 cho biết do công việc đảm nhiệm quá nhiều nên không kịp nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề như tập hợp số liệu, liên hệ với khách hàng để xác nhận công nợ hay các công việc liên quan nên việc cung cấp số liệu cho đơn vị kiểm toán bị chậm trễ và không đúng tiến độ.

Tình hình kinh doanh lao dốc, nợ vay gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu

Trong giai đoạn năm 2013-2017, Thủy sản số 4 luôn duy trì được mức doanh thu trên 710 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng ở giai đoạn này lại không có được mức ổn định như doanh thu mà trồi sụt thất thường, trong khi năm 2013 và năm 2014 đạt lần lượt gần 14 tỷ đồng và hơn 18 tỷ đồng thì năm 2015 và năm 2017 chỉ ghi nhận gần 8 tỷ đồng và hơn 5 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2016, dù doanh thu đạt được là cao nhất trong giai đoạn 2013-2017 ở mức 791 tỷ đồng nhưng Thủy sản số 4 lại báo lỗ ròng gần 7 tỷ đồng.

Đến năm 2018, doanh thu của công ty lần đầu vượt mức kỷ lục hơn 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng thu về chỉ lẹt đẹt gần 10 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của Thủy sản số 4 bắt đầu lao dốc từ năm 2019, khi doanh thu sụt giảm 87% so với năm trước xuống mức 201 tỷ đồng, khoản lỗ ròng mà công ty ghi nhận cùng năm là hơn 9,3 tỷ đồng.

Doanh thu được cải thiện vào năm 2020, tăng gần 69% lên mức gần 340 tỷ đồng tuy nhiên công ty lại báo lỗ ròng tới 144 tỷ đồng.

Tình hình nửa đầu năm 2021 của Thủy sản số 4 cũng không có quá nhiều cải thiện khi doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ, đạt hơn 78,6 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh việc tình hình kinh doanh lao dốc, Thủy sản số 4 còn đang phải gánh một khoản nợ vay khá lớn so với quy mô của công ty. Cụ thể, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn tính đến cuối quý II là hơn 595 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu.

Xét về cơ cấu nguồn vốn thì tổng nợ phải trả của Thủy sản số 4 đang chiếm đến hơn 87% ở mức gần 856 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2021, khoản lỗ lũy kế chưa phân phối của Thủy sản số 4 là hơn 139 tỷ đồng.

Công ty Thủy sản số 4, được thành lập vào năm 1980, tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu và Chế biến Thủy sản Đông lạnh 4, trực thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.

Công ty chính thức hoạt động theo hình thức cổ phần hóa vào năm 2001 và niêm yết cổ phiếu vào năm 2002.

Tính đến cuối quý II/2021, Thủy sản số 4 có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (đại diện cho phần vốn góp của Nhà nước) với tỷ lệ 26,9%, ông Nguyễn Văn Lực và ông Thái Cường lần lượt với tỷ lệ 24,82% và 9,32%.   

Tin mới lên